Chuyên gia phương Tây chỉ rõ nguyên nhân Tu-22M3 gặp nạn: Sự thật chưa nói hết?

Mặc dù Bộ Quốc phòng Nga chưa công bố chính thức nguyên nhân nào khiến máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 của mình gặp nạn nhưng các chuyên gia quân sự phương Tây đã nhanh chóng vào cuộc.

Vào hôm 22/1, một chiếc máy bay ném bom chiến lược siêu âm tối tân Tu-22M3 của Không quân Nga đã gặp nạn trong lúc hạ cánh khi điều kiện bão tuyết khiến cho 3 phi công trên khoang thiệt mạng và 1 người bị thương nặng.

Thước phim ghi lại khoảnh khắc cuối cùng của chiếc Tu-22M3 trên đã được truyền thông Nga đăng tải rộng rãi và cho thấy rõ mức độ thảm khốc của vụ tai nạn trên.

Cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng Nga đã vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn trên, tuy nhiên có lẽ phải một thời gian nữa thì kết luận cuối cùng mới được công bố.

Trong khi đó các chuyên gia hàng không của các nước phương Tây đã nhanh chóng vào cuộc và gần như ngay lập tức họ đưa ra kết luận sơ bộ của chính mình.

Hầu như mọi ý kiến đều tập trung vào bộ phận hạ cánh (hay còn gọi là ILS) đã khiến chiếc Tu-22M3 trên hạ cánh "cứng" khi tiếp đất, đây là nguyên nhân chính khiến máy bay mất kiểm soát.

"Khoảng cách hạ cánh là quá cao, tốc độ lớn, trong khi phi công bị hạn chế tầm nhìn dẫn đến không thể thao tác kịp. Tôi chẳng bất ngờ khi chiếc máy bay phát nổ trong khi tiếp đất", vị chuyên gia nhận định.

Theo đó, hệ thống ILS đã gặp sự cố khi máy bay đang hạ cánh, phi công không theo dõi được kim chỉ thị của ILS để từ từ hạ thấp mũi máy bay xuống đường băng.

Phi công đã thực hiện thao tác này quá nhanh, thường thì một lần như vậy phi công sẽ hạ thấp độ cao xuống 30 m, giảm dần động cơ và kéo nhẹ mũi máy bay để giảm tốc độ.

Kết cục là chiếc máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 gặp nạn đã trượt trên đường băng, gãy đuôi, khiến cabin máy bay văng trên mặt đất trong khi phần còn lại chìm trong ngọn lửa lớn.

Có vẻ như thông qua kết luận ban đầu của các chuyên gia hàng không phương Tây thì vụ tai nạn của chiếc oanh tạc cơ Tu-22M3 phần lớn do lỗi của con người.

Tuy nhiên còn một vấn đề nữa cần phải nhắc tới đó là tại sao trong điều kiện thời tiết tồi tệ như trên mà hệ thống lái tự động của chiếc phi cơ lại không được kích hoạt.

Không quân Nga từng cho biết mọi máy bay của họ đều được trang bị hệ thống lái tự động kết nối với hạ tầng của sân bay, khi về đến nơi thì chiếc phi cơ có thể tự tiếp đất mà không cần phi công ra lệnh.

Đáng lẽ ra trong trường hợp hạ cánh vào lúc bão tuyết như vậy thì hệ thống lái tự động phải được kích hoạt, bởi vì khi đó con người không thể nhận thức hết mọi tình huống.

Thông qua sự kiện trên, có lẽ lại phải đặt câu hỏi lần nữa về những hệ thống điện tử mà Nga trang bị cho quân đội của mình.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-chuyen-gia-phuong-tay-chi-ro-nguyen-nhan-tu22m3-gap-nan-su-that-chua-noi-het/798042.antd