Chuyên gia phân tích việc chặt chém du khách bằng hóa đơn tiếng... Tàu

Ngôn ngữ sử dụng trong hóa đơn không có một trường hợp nào ngoại lệ. Bởi vì, ngôn ngữ là một sự thể hiện chủ quyền của một quốc gia. Do đó, việc nhà hàng tự ý in hóa đơn bằng chữ nước ngoài là vi phạm quy định của pháp luật và không hợp lệ.

Như Người Đưa Tin đã đăng tải, hiện các cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng đang xác minh, làm rõ để có căn cứ xử lý (nếu có sai phạm) trong vụ việc nhà hàng Siêu Hấp (số 262B đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà) bị thực khách tố "chặt chém" giá cả và dùng phiếu tính tiền bằng ngôn ngữ Trung Quốc.

Sự việc xảy ra đã gây xôn xao dư luận địa phương. Chưa nói đến chuyện có hay không hành vi "chặt chém" giá cả dịch vụ, nhiều người rất bất bình trước việc nhà hàng này in và sử dụng phiếu tính tiền bằng ngôn ngữ Trung Quốc. Việc này, khiến thực khách Việt hoàn toàn không thể đọc, hiểu.

Cá nhân bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà khi trả lời báo chí cũng nhận định rằng, việc sử dụng phiếu tính tiền nói trên (nếu có) là rất nghiêm trọng. Bà Tâm đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh.

Bước đầu, nhà hàng Siêu Hấp cũng đã thừa nhận phiếu tính tiền bằng ngôn ngữ Trung Quốc nói trên là của đơn vị in ra. Dự kiến, ngày 28/2, lực lượng chức năng, nhà hàng... sẽ gặp mặt để làm rõ câu chuyện.

Tờ phiếu tính tiền gây xôn xao, bất bình dư luận những ngày qua ở Đà Nẵng.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chuyên gia pháp lý Mai Quốc Việt, văn phòng Luật FDVN Đà Nẵng cho biết, tờ giấy in ngôn ngữ Trung Quốc nói trên thực chất là bảng kê, phiếu tính tiền hàng hóa chứ chưa phải là hóa đơn giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, theo các quy định của pháp luật tại Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC, Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC “Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).”

“Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200 ngàn đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hóa đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế ”.

Như vậy, nhà hàng trên phải lập hóa đơn giá trị cho khách vì đã cung ứng dịch vụ ăn uống và món ăn sử dụng có giá trị hơn 200 ngàn đồng. Ngay cả khi khách hàng không lấy hóa đơn giá trị gia tăng, nhà hàng vẫn phải xuất hóa đơn. Khi lập hóa đơn giá trị gia tăng, nhà hàng phải tuân thủ các hình thức cũng như những nội dung thể hiện trong hóa đơn, như tên hóa đơn, ký hiệu, con số,.. và đặc biệt là ngôn ngữ thể hiện trên hóa đơn.

Pháp luật quy định rõ, hóa đơn phải được thể hiện bằng chữ Tiếng Việt. Cụ thể quy định tại Điều 4 Thông tư 39/2014/TT-BTC của bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP và 04/2014/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Khoản 1 Điều 3 Thông tư 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định 12/2015/NĐ-CP, sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-BTC về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thể hiện: “Hóa đơn được thể hiện bằng Tiếng Việt. Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ đó đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ nhỏ hơn chữ tiếng Việt. Dòng tổng tiền thanh toán trên hóa đơn phải được ghi bằng chữ. Trường hợp chữ trên hóa đơn là Tiếng Việt không dấu thì các chữ viết đó trên hóa đơn phải đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn”.

Nhà hàng Siêu Hấp, nơi bị tố "chặt chém" giá cả dịch vụ và sử dụng phiếu tính tiền bằng ngôn ngữ Tàu.

Cũng theo chuyên gia Mai Quốc Việt, pháp luật cũng có quy định một số trường hợp nội dung trên hóa đơn có sự tùy chỉnh theo nhu cầu hoạt động của các chủ thể kinh doanh. Tuy nhiên ngôn ngữ sử dụng không có một trường hợp nào ngoại lệ. Bởi vì, ngôn ngữ là một sự thể hiện chủ quyền của một quốc gia. Do đó, việc nhà hàng tự ý in hóa đơn bằng chữ nước ngoài là vi phạm quy định của pháp luật và không hợp lệ.

Về hình thức xử lý, chuyên gia Mai Quốc Việt cho rằng, đối với hành vi lập hóa đơn không hợp lệ nêu trên thì nhà hàng Siêu Hấp có thể bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền lên tới 4 triệu đồng, theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6; tại Điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BTC của bộ Tài chính hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn.

Ngoài ra, hóa đơn không hợp lệ của nhà hàng đã phát hành có thể bị thu hồi, hủy bỏ. Trường hợp, khách hàng không đồng ý với số tiền cũng như ngôn ngữ thể hiện trên hóa đơn đó thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện tới cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Lê Nhâm Thân

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/chuyen-gia-phan-tich-viec-chat-chem-bang-hoa-don-tieng-tau-a360226.html