Chuyên gia phân tích về tranh cãi H'Hen Niê 'chiếm dụng văn hóa'

Bộ ảnh áo tắm của H'Hen Niê và Bảo Ngọc gây tranh luận vì màu da nâu sậm. Công chúng cho rằng hai người mẫu có hành vi chiếm dụng văn hóa.

Những ngày qua, bộ ảnh tắm được thực hiện trong studio của Hoa hậu Hoàn vũ H'Hen Niê và top 10 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 Ngô Bảo Ngọc trở thành chủ đề tranh cãi trên các nền tảng mạng xã hội.

Phần lớn ý kiến cho rằng hai người mẫu có hành động blackfishing - một dạng của hành vi chiếm đoạt văn hóa - khi nhuộm da nâu sậm và tạo kiểu tóc giống phụ nữ ở châu Phi.

Trao đổi với Zing, tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê, giảng viên khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng không phải lúc nào sự bắt chước, sử dụng văn hóa, màu da của một cộng đồng khác cũng đều bị quy kết là hành vi chiếm dụng văn hóa.

"Chiếm dụng văn hóa hay không tùy thuộc vào việc người đó khai thác một cách phù hợp hay không, có gây phản cảm hoặc xúc phạm cộng đồng mà họ sử dụng văn hóa không", tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê nêu quan điểm.

H'Hen Niê không coi thường khi thể nghiệm màu da nâu sậm

Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê nói khi theo dõi bộ ảnh áo tắm của H'Hen Niê và Ngô Bảo Ngọc với màu da nâu sẫm và kiểu tóc giống phụ nữ ở châu Phi, cô không xem đó là hành động chiếm dụng văn hóa, hạ thấp người da đen.

Tiến sĩ cho rằng: "Người Việt Nam khá cởi mở, hòa đồng và tôn trọng người da đen. Về Bảo Ngọc, tôi không theo dõi nhiều. Nhưng H'Hen Niê tôi có quan sát và tin rằng cô ấy trân trọng sự đa dạng văn hóa, tôn trọng các cộng đồng khác mình và thể nghiệm màu da nâu sậm trong bộ ảnh của cô ấy không có ý hạ thấp hay coi thường người da đen".

 H'Hen Niê và Ngô Bảo Ngọc gây tranh cãi vì màu da nâu sậm trong bộ ảnh áo tắm. Ảnh: @hhenie.

H'Hen Niê và Ngô Bảo Ngọc gây tranh cãi vì màu da nâu sậm trong bộ ảnh áo tắm. Ảnh: @hhenie.

Cô nói thêm: "Tôi nhìn nhận việc bắt chước thuộc tính màu da của một cộng đồng khác theo một cách cởi mở. Trên thế giới, người dân cộng đồng này vẫn bắt chước những nét văn hóa của cộng đồng khác. Có những sự bắt chước phản cảm, tạo nên sự xúc phạm đối với cộng đồng bị bắt chước, nhưng không phải cứ bắt chước, sử dụng nét văn hóa, thuộc tính văn hóa,... của một cộng đồng khác thì lập tức bị quy kết là hành vi chiếm dụng văn hóa. Việc chiếm dụng văn hóa còn tùy thuộc vào động cơ, thái độ, cách thức của việc bắt chước, sử dụng các yếu tố văn hóa".

Cùng quan điểm, anh Sohaniim (dân tộc Chăm, Ninh Thuận) - tư vấn của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) - cho biết việc bắt chước màu da không phải là vấn đề để quy kết H'Hen Niê và Ngô Bảo Ngọc chiếm dụng văn hóa.

"Theo quan điểm của tôi, bắt chước màu da không phải vấn đề để lên án ai đó. Thế giới loài người, nền văn minh, văn hóa luôn va chạm nhau để tạo nên sự tiếp biến. Thuật ngữ chiếm dụng văn hóa cần nhìn vào nội dung biểu hiện, người sử dụng chất liệu văn hóa có tác động gì đến chủ thể văn hóa bị chiếm dụng không. Nếu chúng ta gộp chung tất cả vấn đề 'sáng tạo' hay 'bắt chước' là chiếm dụng đó thì chỉ là tấn công một cách cực đoan", anh Sohaniim chia sẻ với Zing.

Anh Sohaniim trao đổi thêm việc ủng hộ hay lên án bộ ảnh của Hen Niê và Ngô Bảo Ngọc phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, anh cho rằng khi tiếp nhận bộ ảnh và đưa quan điểm, khán giả nên nhìn vào thông điệp của hai người mẫu thông qua bộ ảnh, hiệu ứng. Điều quan trọng nhất, bộ ảnh kể trên có tạo thêm định kiến hoặc ảnh hưởng gì đối với người da đen hay không.

Ranh giới giữa chiếm dụng và khai thác văn hóa

Trên thế giới, nhiều ngôi sao như người mẫu Kendall Jenner, Kim Kardashian, Iggy Azalea, Rita Ora, Ariana Grande, Gigi Hadid... từng bị chỉ trích vì hành vi nhuộm da nâu, tạo kiểu tóc giống người châu Phi.

Tại Việt Nam, không ít người mẫu từng nhuộm da khi thực hiện các bộ ảnh hoặc xuất hiện ở sự kiện giải trí.

Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê cho rằng: "Việc khám phá văn hóa khác là điều khá tự nhiên. Chúng ta nên khuyến khích những thể nghiệm, trao đổi văn hóa để cổ vũ sự đa dạng các biểu đạt văn hóa. Người nghệ sĩ không nên bị ám ảnh bởi nỗi sợ chiếm dụng văn hóa. Tuy nhiên, khi sử dụng chất liệu văn hóa khác, cần có sự thận trọng và nên có một quy trình bài bản".

Iggy Azalea từng bị chỉ trích vì hành động blackfishing. Ảnh: CNN.

"Để tránh xảy ra rủi ro, khi sáng tạo, nghệ sĩ nên tham vấn các chuyên gia, thu nhận ý kiến, phản hồi của cộng đồng liên quan... để tối ưu hóa kết quả sáng tạo, giảm thiểu hiệu ứng tiêu cực gặp phải khi sử dụng những yếu tố văn hóa của một cộng đồng khác", cô nói thêm.

Anh Sohaniim chia sẻ để phân biệt hai khái niệm "giao thoa, tiếp biến văn hóa" và "chiếm dụng văn hóa" cần căn cứ vào bối cảnh lịch sử, cách thức sở hữu những cái chung của cộng đồng.

"Việt Nam trong bối cảnh hiện đại, xu hướng tiếp cận ra thế giới càng nhiều, tinh thần cởi mở tiếp cận từ bên trong cũng không ít. Nhiều nghệ sĩ thay vì trước đây đi tìm cái mới bên ngoài để phát triển, nay họ đã quay vào bên trong, tìm thấy tài nguyên màu mỡ ở các tộc người để làm nền tảng phát triển là một điều đáng khích lệ. Tôi luôn cổ vũ cho việc tiếp biến và sáng tạo. Nghệ sĩ nếu lấy chất liệu từ văn hóa tộc người khác, không nên đề cao tinh thần sở hữu mang tính cá nhân và luôn luôn tôn trọng văn hóa thuộc cộng đồng", tư vấn của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) phát biểu.

Tâm An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gia-phan-tich-ve-tranh-cai-h-hen-nie-chiem-dung-van-hoa-post1348071.html