Chuyên gia phân tích nguyên nhân bé bị tử vong trên xe

Theo GS, TS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, trường hợp cháu bé tử vong nghi do bị bỏ quên trên xe tuyến của trường Gateway có thể do nhiều nguyên nhân phối hợp nhưng nguy cơ sốc nhiệt là khá lớn.

Cụ thể, GS. TS Nguyễn Gia Bình phân tích, trong môi trường đóng kín dẫn đến tình trạng trẻ thiếu ô xy và tăng CO2. Khi trẻ thiếu ô xy, CO2 tăng dần mà không có thông gió sẽ ảnh hưởng tới chuyển hóa của cơ thể. "Song với thể tích xe Fordtransit, khả năng thiếu ô xy không lớn nên đây có thể không phải là nguyên nhân chính dẫn tới việc tử vong của cháu bé”, GS Bình cho hay.

Trẻ bị nhốt trong xe ô tô kín nguy cơ tử vong rất lớn.

Theo GS Bình, nguy cơ lớn nhất dẫn tới việc tử vong của cháu bé có thể do bị sốc nhiệt. Cụ thể, trong môi trường bị đóng kín, nhiệt độ trong xe ô tô tăng cao.

Mặt khác, trong trường hợp này, cháu bé ở trong xe một mình có thể gặp hoảng loạn về mặt tâm lý. Khi đó, việc tiêu thụ năng lượng của cháu bé còn nhiều hơn. Nguyên nhân khác nữa là cháu bé đã ăn sáng chưa, nếu chưa ăn sáng, dẫn tới đói lả đi và có thể hạ đường huyết cũng có thể gây tử vong.

“Trường hợp cháu bé tử vong do nhiều yếu tố phối hợp, nhưng nguyên nhân lớn có thể là do sốc nhiệt”, GS. Bình cho biết.

Ở một khía cạnh khác, PGS.TS. Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích, khí thải của ống khói hở tạo cơ hội cho khí CO và CO2 tràn vào bên trong ô tô, khiến nạn nhân bị ngạt, dẫn tới tử vong.

Khuyến cáo với các phụ huynh để tránh các tai nạn thương tâm, GS Bình cho rằng, nhiều gia đình bật điều hòa trong phòng ngủ kín, không có thông gió là một sai lầm. Khi đó, thể tích CO2 trong phòng sẽ tăng lên, ôxy giảm đi dẫn tới ảnh hưởng giấc ngủ, gây mệt mỏi vào sáng sớm.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình đi ô tô chặng đường dài cũng không chú ý lấy khí trời để thông khí. Vì thế, nếu các gia đình lưu thông bằng ô tô nên khoảng một giờ đồng hồ phải mở cửa kính để thay đổi không khí trong xe.

Cũng theo GS. Bình, khi đỗ xe ô tô, mọi người nên đỗ dưới bóng râm. Đặc biệt, các bậc phụ huynh không nên để con trong ô tô trong thời gian dù ngắn để tranh thủ mua đồ vì thực tế, ngồi trong ô tô có điều hòa làm mát không khí trong xe, nhưng ô xy trong xe sẽ giảm dần do đóng kín cửa, không tốt cho sức khỏe.

"Và để sơ cứu người bị sốc nhiệt tại chỗ cần phải cởi bỏ quần áo, quạt mát, đắp khăn ướt, nếu có nước lạnh sẽ tốt hơn, cho nạn nhân uống nhiều nước", chuyên gia này khuyến cáo.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng sau vụ tai nạn thương tâm của cháu bé vừa qua, các bậc phụ huynh cần trang bị những kiến thức tự vệ cần thiết cho trẻ để các bé hiểu và có thể áp dụng khi chẳng may bị bỏ quên trong ô tô đóng kín với 4 kỹ năng sau:

Dạy trẻ bình tĩnh: Thông thường sau khi tỉnh giấc, phát hiện chỉ có một mình trên xe bị đóng kín cửa, trẻ sẽ có xu hướng sợ hãi, hoảng hốt, khóc, la hét… Tuy nhiên, hành động này sẽ khiến lượng oxy khan hiếm trên xe hết nhanh chóng, đồng thời các bé có thể hít phải lượng lớn khí thải CO2. Thêm vào đó lớp kính dày, cách âm, trẻ có gào khóc cũng rất khó để người đi đường chú ý. Do vậy, việc dạy trẻ giữ bình tĩnh bước đầu là điều vô cùng quan trọng trước kỳ chờ đợi một may mắn có người phát hiện kịp thời.

Dạy trẻ bấm còi xe: Cấu tạo của còi xe luôn có điện thường trực. Do đó, nếu thấy ô tô đã đóng kín cửa, trên xe không còn ai thì bé hãy chạy tới phần vô lăng, bấm còi xe. Dù xe đã tắt máy nhưng còi xe vẫn kêu và người bên ngoài sẽ phát hiện ra bé đang ở trong xe.

Dạy trẻ mở cửa sổ của xe: Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, dù xe bị đóng kín và tài xế đã khóa xe thì khi ở trong xe vẫn hoàn toàn có thể mở được cửa sổ của xe để kêu cứu. Do đó, có thể dạy trẻ cách mở cửa sổ để bé có thể nhờ sự trợ giúp từ bên ngoài.

Dạy trẻ gọi điện thoại cho người thân: Phụ huynh nên dạy trẻ sử dụng điện thoại di động và cho bé học thuộc số điện thoại của bố, mẹ, cô giáo để trẻ có thể chủ động liên lạc trong tình huống cấp bách. Nếu được trẻ thông báo sớm thì người lớn có thể can thiệp nhanh chóng để cứu trẻ.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/chuyen-gia-phan-tich-nguyen-nhan-be-bi-tu-vong-tren-xe-109423.html