Chuyên gia phân tích Chiến lược năng lượng quốc gia của Liên bang Nga đến năm 2035

Chính phủ LB Nga mới đây đã thông qua Kế hoạch triển khai Chiến lược năng lượng quốc gia đến năm 2035, có tính đến các chỉ thị của Tổng thống.

Tàu phá băng nguyên tử mạnh nhất thế giới, phục vụ tuyến đường vận chuyển dầu khí phía Bắc của Nga

Tàu phá băng nguyên tử mạnh nhất thế giới, phục vụ tuyến đường vận chuyển dầu khí phía Bắc của Nga

Kế hoạch bao gồm 130 dự án, bao trùm tất cả các lĩnh vực trong tổ hợp năng lượng - nhiên liệu, từ khai thác tài nguyên đến cung cấp điện và nhiệt cho từng hộ dân. Theo Thủ tướng Nga Mishustin, một loạt các biện pháp đã được đề xuất trong kế hoạch, trong đó có việc tăng sản lượng LNG lên 140 triệu tấn, xây dựng các trung tâm trung chuyển, lưu trữ và thương mại LNG; sản xuất hydro phát thải carbon thấp; phát triển hạ tầng sạc điện ô tô; phát triển các trữ lượng dầu khí khó thu hồi. Hầu hết các dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2023. Ngoài ra, kế hoạch còn tập trung thực hiện mục tiêu tăng sản lượng khai thác dầu khí, cũng như hình thành thị trường năng lượng chung EAEU.

Thủ tướng Mishustin hy vọng, chiến lược sẽ giúp giải quyết một số nhiệm vụ phát triển quan trọng trong trung hạn: tăng cường sản xuất dầu khí ở khu vực Đông Siberia, Viễn Đông và khu vực Bắc Cực; tăng cường sản xuất LNG; tăng thị phần thiết bị và công nghệ tiên tiến được nội địa hóa hoặc tự phát triển trong nước; mở rộng đáng kể khối lượng xuất khẩu năng lượng sang các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính phủ Nga cũng đã quyết định phân bổ 21 tỷ rúp cho việc xây dựng kênh đào kết nối Vịnh Bechevinskaya với trung tâm LNG ở Kamchatka, nơi Novatek sẽ chuyển LNG từ các tàu vận chuẩn lớp phá băng sang các tàu vận tải LNG thông thường để tiếp tục xuất khẩu sang các nước châu Á - Thái Bình Dương. Kênh đào có chiều dài 6,6 km, dự kiến được đưa vào sử dụng trong năm 2023.

Đặc biệt, trong năm trọng tâm của Chiến lược năng lượng quốc gia, LB Nga xác định tập trung xuất khẩu vào thị trường châu Á, giảm thiểu phát thải và phát triển năng lượng tái tạo.

Tatyana Mitrova - Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Giám đốc Viện nghiên cứu Năng lượng LB Nga, Vitaly Yermakov - Tiến sĩ Viện nghiên cứu Năng lượng Oxford, đã đưa ra một báo cáo tổng quát về chiến lược này.

Về sản xuất dầu thô, Nga tiếp tục phát triển trữ lượng truyền thống, khai thác hơn nữa các mỏ dầu hiện có, mở rộng tìm kiếm dầu khí ở thềm lục địa, chú trọng khu vực Bắc Cực.

Về công nghiệp khí, Nga phát triển nhanh các khu vực Yamal, Đông Siberi và Viễn Đông nhằm phục vụ xuất khẩu khí đốt sang châu Á - Thái Bình Dương và Gazprom tiếp tục đóng vai trò chủ chốt của ngành công nghiệp khí và lạc quan hướng tới chiếm lĩnh thị trường LNG. Tuy nhiên, các nhà phân tích đánh giá rằng sẽ không có cải cách nào sẽ được thực hiện với công ty độc quyền khổng lồ này của LB Nga.

Nga đang đặt cược vào lĩnh vực LNG với các tổ hợp ở Sakhalin và Yamal và Novatek dẫn đầu ngành công nghiệp này với mục tiêu đạt 80 triệu tấn LNG vào năm 2035.

Các chuyên gia cũng đặt ra câu hỏi đối với ngành năng lượng LB Nga là: với sự phụ thuộc nặng nề của Nga vào hydrocarbon như hiện nay, nước Nga sẽ có thể cạnh tranh được với thị trường năng lượng quốc tế đang chuyển đổi hay không; nước Nga có hòa nhập với quá trình chuyển đổi năng lượng, ủng hộ năng lượng tái tạo và vươn tới công nghệ tiên tiến không; Nga có sẵn sàng cạnh tranh theo cơ chế thị trường không hay sẽ duy trì tập trung hóa và kiểm soát của nhà nước như hiện nay.

Elena - Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chuyen-gia-phan-tich-chien-luoc-nang-luong-quoc-gia-cua-lien-bang-nga-den-nam-2035-614541.html