Chuyên gia Phạm Chi Lan: 'Chúng ta có thể biến nội lực thành sức mạnh cho nền kinh tế Việt Nam'

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, từng bước, chúng ta có thể biến nội lực thành sức mạnh cho nền kinh tế Việt Nam.

Bức tranh nhiều "sắc hồng" của nền kinh tế Việt Nam

Theo báo cáo mới đây của CIEM, Việt Nam đã trải qua một năm 2018 với những bước chuyển mình tương đối lớn trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi ở mức cao. Môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định: lạm phát được kiểm soát, cán cân thương mại thặng dư ở mức kỉ lục, thâm hụt ngân sách nhà nước ổn định, nợ công giảm không đi kèm với gia tăng áp lực lạm phát. Quan trọng, nền kinh tế vĩ mô tiếp tục được củng cố, dư địa điều hành tiền tệ và tài khóa vẫn được duy trì ngay cả trong bối cảnh kinh tế Việt Nam được đánh giá là có thể gặp nhiều cú sốc từ bên ngoài.

Hoạt động của doanh nghiệp (DN) trong quý IV/2018 có sự cải thiện, số DN thành lập mới tăng 6,81%, tổng số vốn đăng ký tăng tới 63,68%. Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm các chi phí không cần thiết và cắt giảm các điều kiện, thủ tục Kinh doanh là minh chứng cho cải thiện sức khỏe của khu vực DN. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP) và CMCN 4.0 có thể tạo thêm xung lực cho cải cách và tiếp cận nguồn lực (kỹ năng, công nghệ, vốn) từ bên ngoài.

Tuy nhiên, theo CIEM, Việt Nam cần tiếp tục xử lý thách thức mang tính căn bản về chất lượng thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Đặc biệt, vấn đề làm thế nào để chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) phải chấm dứt hoặc giảm tình trạng hai nền kinh tế trong một quốc gia, trong đó đầu tư nước ngoài vẫn vượt lên dẫn dắt, ngược lại khu vực kinh tế trong nước vẫn 'lẹt đẹt' là một bài toán không hề đơn giản?

Biến nội lực thành sức mạnh...

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Đi tìm lời giải cho bài toán trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, đối với đầu tư nước ngoài, quan trọng nhất là chúng ta định hướng lại cách thức khuyến khích như thế nào, chọn cái gì đáng khuyến khích thì khuyến khích, tuyệt đối không khuyến khích 'tràn lan'.

Hơn nữa, về mặt bằng ưu đãi, chuyên gia nhấn mạnh "tôi không thể chấp nhận được việc ưu đãi nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhà đầu tư trong nước trong cùng một lĩnh vực", cái đó là chúng ta hoàn toàn làm ngược. Cụ thể, khi tham gia đàm phán từ WTO trở đi, người ta luôn luôn đòi hỏi nguyên tắc đầu tiên đó là: chờ đợi nhà đầu tư nước ngoài được đối xử tốt tương tự như đối với DN trong nước. Nhưng Việt Nam thì đang ngược lại, đang phải cố gắng đối xử tốt với DN trong nước như đối xử với DN nước ngoài?

Do đó, chúng ta phải thực sự xem xét lại nếu muốn dựa vào nội lực nhiều hơn, muốn khuyến khích cho khu vực tư nhân trong nước phát triển được một cách bền vững hơn. Các biện pháp thay đổi về tư duy, chính sách do Chính phủ ban hành là hoàn toàn hợp lí, tuy nhiên, việc rà soát với khu vực đầu tư nước ngoài nếu có quá nhiều ưu đãi so với DN Việt Nam thì chúng ta nhất thiết phải giảm xuống. Những 'ưu đãi thừa' thậm chí có thể gây ra vấn nạn về môi trường, đối xử với lao động...

Để điều chỉnh vấn đề này, một mặt, chúng ta phải tăng khả năng hỗ trợ cho DN nhà nước, một mặt giảm những chênh lệch bất hợp lí giữa DN nhà nước và với khối đầu tư nước ngoài. Chuyên gia nhấn mạnh bằng cách đó mới có thể thu hẹp được khoảng cách và làm cho nội lực tăng lên so với việc chúng ta dựa vào ngoại lực quá nhiều. Thay vì lo lắng quá nhiều bởi các biến động bên ngoài, chúng ta nên lo tăng cường nội lực cho mình, và "tôi tin tưởng rằng, từng bước, chúng ta có thể biến nội lực thành sức mạnh cho nền kinh tế Việt Nam".

Ngọc Xen

Ngọc Xen

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/chuyen-gia-pham-chi-lan-chung-ta-co-the-bien-noi-luc-thanh-suc-manh-cho-nen-kinh-te-viet-nam-d154028.html