Chuyên gia nói gì về việc doanh nghiệp bị phân biệt đối xử nếu không trả chi phí 'lót tay'?

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hàng trăm doanh nghiệp bị phân biệt đối xử nếu không trả chi phí ngoài khi thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu chứng tỏ mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ vẫn chưa đạt hiệu quả.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra ngày 8/1 vừa qua, một thông tin "gây sốc" đã được công bố: Có tới 15% trong tổng số 3.061 doanh nghiệp được khảo sát, tương đương 459 doanh nghiệp cho rằng bị phân biệt đối xử nếu không trả chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu.

Hình thức phân biệt đối xử đối với doanh nghiệp phổ biến nhất là kéo dài thời gian làm thủ tục (93%). Ngoài ra, 69% phản hồi cho rằng doanh nghiệp có thể bị gây khó khăn trong lần làm thủ tục sau. Các hình thức phân biệt khác bao gồm yêu cầu giấy tờ, chứng từ không theo quy định (48%) và thái độ không văn minh lịch sự (41%).

Thông tin này đã ngay lập tức tạo nên làn sóng tranh cãi rất lớn trong giới chuyên gia và dư luận về hiệu quả thực chất những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nội gặp khó bởi quy định khống chế lãi vay theo Nghị định 20

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, những kiến nghị của doanh nghiệp chứng tỏ mặt bằng chung của việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa đạt hiệu quả, chưa thực chất như mong muốn của Chính phủ, đội ngũ cán bộ quản lý vẫn còn hành doanh nghiệp.

Theo bà Lan, chi phí của doanh nghiệp hiện đang rất cao không chỉ ở lĩnh vực xuất nhập khẩu như con số mà báo cáo của VCCI đã nêu mà còn tại nhiều lĩnh vực khác. Chính phủ đang đặt ra mục tiêu giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng thực chất mọi chi phí vẫn đang tiếp tục được đẩy tăng lên từ các loại thuế, phí.

Mặt khác, thời gian vừa qua, Chính phủ vẫn đang đẩy mạnh cắt giảm giấy phép con, các bộ như Bộ Công thương, Bộ Xây dựng được đánh giá là tích cực trong việc cắt giảm. Tuy nhiên, số liệu về việc có đến 15% doanh nghiệp được khảo sát bị phân biệt đối xử nếu không trả chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu cho thấy việc cắt giảm điều kiện kinh doanh của bộ này mới chỉ trên lý thuyết, hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Còn đối với Bộ Xây dựng, trên thực tế, các thủ tục đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước cũng đang gặp rất nhiều vướng chưa được tháo gỡ, bà Lan nhận định.

Chính phủ cần mạnh tay, quyết liệt hơn nữa

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vai trò của việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng trong sự phát triển của các doanh nghiệp là rất quan trọng.

Bài học trong năm 2018 vừa qua là những "giấy phép con" trong xuất khẩu gạo từ 2010 yêu cầu các doanh nghiệp căn cứ vào số lượng xuất khẩu phải có kho hàng đã được Bộ Công thương xóa bỏ. Qua đó khiến cho các doanh nghiệp tập trung vào đầu tư, cải thiện chất lượng sản phẩm để nâng giá gạo thay vì cố gắng xuất khẩu thật nhiều về số lượng như trước đây. Kết quả là giá gạo Việt Nam năm 2018 đã cao hơn trước.

Đó thực sự là một thành công của Chính phủ, bởi nếu chỉ "chăm chăm" vào xuất khẩu với giá rẻ, chất lượng kém, ngành gạo sẽ càng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

Để tiếp tục đạt được những thành tựu rõ nét hơn trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian tới, bà Lan cho rằng, Chính phủ cần có tầm nhìn dài hạn hơn cho những năm tiếp theo, đưa ra những quy định rõ ràng hơn, trao quyền cụ thể cho các bộ để tránh việc các bộ đùn đẩy trách nghiệm cho nhau, cuối cùng không ai chịu trách nghiệp trực tiếp.

Quan trong hơn, Chính phủ phải đặt ra thêm một quy định mới là nếu các bộ không cắt giảm các điều kiện kinh doanh theo quy định, Chính phủ sẽ chủ động cắt giảm, không chờ các bộ.

"Trao quyền cho các bộ trong việc cắt giảm giấy phép con là cần thiết nhưng phải có thời hạn cho các bộ, bao lâu thì các bộ phải giải quyết chứ không phải duy trì cả chục năm trời, bị thúc ép bao nhiêu mới chịu cắt giảm, chịu thay đổi" bà Lan nhấn mạnh.

Bà Lan cho rằng, làm thật mới bứt phá được, còn nếu chỉ hứa hẹn cam kết thì không đủ. Nghị quyết 01, 02 vừa qua cũng đưa ra nhiều mục tiêu phát triển kinh tế trong năm 2019 nhưng chưa có những điều khoản thực sự mạnh mẽ.

Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, nếu không kiên quyết cắt giảm các điều kiện dinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, Chính phủ sẽ chỉ "trói tay người mình, ưu đãi cho người ngoài, FDI sẽ tiếp tục phát triển, trong khi doanh nghiệp trong nước vẫn bị bỏ mặc".

Kết quả là động lực của tăng trưởng kinh tế trong nước là khối doanh nghiệp tư nhân không được tạo điều kiện phát triển và nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phụ thuốc vào khối các doanh nghiệp nước ngoài, bà Lan nhấn mạnh.

Thu Phương

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chuyen-gia-noi-gi-ve-viec-doanh-nghiep-bi-phan-biet-doi-xu-neu-khong-tra-chi-phi-lot-tay-1547110128138.htm