Chuyên gia nói gì về tên lửa Kh-101 của Nga

Tên lửa hành trình Kh-101 có thể được sử dụng làm cơ sở để tạo ra tên lửa liên lục địa mang thiết bị hạt nhân, theo chủ tịch Viện hàn lâm các vấn đề địa chính trị, ông Konstantin Sivkov cho biết.

Máy bay mang tên lửa chiến lược Tu-95MS trong cuộc tấn công vào các cơ sở của IS ở biên giới các tỉnh Hama và Homs ở Syria

Máy bay mang tên lửa chiến lược Tu-95MS trong cuộc tấn công vào các cơ sở của IS ở biên giới các tỉnh Hama và Homs ở Syria

Trước đó, Tổng giám đốc Tập đoàn vũ khí tên lửa chiến thuật, ông Vladimir Obnosov cho biết cho đến nay tầm bắn của tên lửa Kh-101 của Nga là không có đối thủ. Ông khẳng định như vậy khi trả lời câu hỏi liệu Nga có thể chống lại được loại tên lửa mà quân đội Mỹ mới thử nghiệm gần đây với tầm bắn xa lên tới hàng ngàn km sau khi Washington rời khỏi Hiệp ước INF hay không.

“Dữ liệu về tên lửa Kh-101 đã được biết đến từ lâu, nó đã được đưa vào sử dụng, kể cả ở Syria. Tên lửa có phạm vi độc đáo và vượt xa so với những gì người Mỹ có. Tên lửa này có thể được phát triển thêm và từ đó sẽ tạo ra câu trả lời bất đối xứng dành cho người Mỹ... Cho đến nay không ai có vũ khí như vậy", Sivkov nói với RIA Novosti.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết vào đầu tháng 8 rằng các mối đe dọa thực sự đối với Nga liên quan đến việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước về các tên lửa tầm trung và tầm ngắn sẽ được chống lại một cách đáng tin cậy bằng các phương tiện hiện có của Liên bang Nga. Trong số đó, các tên lửa trên không như "Kh-101" và "Kinzhal", trên biển như "Kalibr", cũng như các hệ thống đầy hứa hẹn bao gồm các hệ thống siêu âm như "Zircon".

Hiệp ước INF đã hết hạn vào ngày 02 tháng 8. Washington tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận và cáo buộc Nga vi phạm lâu dài hiệp ước. Về phần mình, Moscow bác bỏ mọi cáo buộc. Đầu tháng 7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một đạo luật đình chỉ hiệp ước. Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ hoàn toàn tuân thủ Hiệp ước INF.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lưu ý rằng Moscow có những nghi vấn rất nghiêm trọng đối với Washington liên quan đến việc thực thi hiệp ước của chính người Mỹ. Theo ông, các cáo buộc của Mỹ vi phạm Hiệp ước INF là không có cơ sở.

Hiện tại, hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3) được ký năm 2010 là hiệp ước giới hạn vũ khí duy nhất còn tồn tại giữa Nga và Hoa Kỳ. Thỏa thuận hết hạn vào tháng 2 năm 2021, cho đến nay chính quyền Mỹ vẫn chưa công bố liệu Washington có ý định gia hạn hay không.

Trước đó, Cố vấn của Tổng thống Mỹ về An ninh Quốc gia John Bolton cho biết START-3 khó có thể được gia hạn vì nó có sai sót. Đến lượt mình, Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẵn sàng thảo luận về vấn đề này. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mong muốn thực hiện thỏa thuận hạt nhân ba bên mới giữa Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tại Bắc Kinh, ý tưởng này đã bị từ chối.

Theo Ria.ru

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/chuyen-gia-noi-gi-ve-ten-lua-kh101-cua-nga-4034428-d.html