Chuyên gia nói gì về dự toán ngân sách nhà nước?

Tại buổi tọa đàm do Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) tổ chức ngày 29/10, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao việc Bộ Tài chính công khai, minh bạch báo cáo dự toán NSNN 2019 để lấy ý kiến các tổ chức và người dân.

Các chuyên gia tham dự tọa đàm.

Người dân có quyền góp ý về dự toán

Chia sẻ về sự minh bạch NSNN, ông Phạm Đình Cường-,nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, hiện có 3 văn bản quan trọng tác động đến vấn đề công khai NSNN là: Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công và Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Như vậy khi công bố một tài liệu nào đó thuộc về NSNN sẽ chịu sự điều chỉnh bởi 3 luật này.

Cũng theo ông Cường, Bộ Tài chính đã thực hiện đúng quy định của Luật NSNN về vấn đề công khai ngân sách. Mỗi người dân đều có quyền tiếp cận và đưa ra ý kiến về dự toán NSNN hàng năm của Chính phủ. Cho nên về mặt thực hiện, thì việc công bố và lấy ý kiến các tổ chức, người dân về dự toán NSNN năm 2019 của Bộ Tài chính là bước tiến lớn.

Lấy dẫn chứng, ông Cường cho biết, cách đây 30 năm, tất cả kể cả đại biểu Quốc hội khi nhận được tài liệu dự toán NSNN của Chính phủ trình đều đóng dấu là tài liệu cần thu hồi. Còn nay, đã công khai ngay cả trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính là bước tiến rất lớn. Chính phủ đã rất cố gắng trong việc công khai, và bản thân chúng ta cần đồng hành cùng Chính phủ để tiềm hiểu thêm. “Tôi tin rằng, bức tranh công khai NSNN ngày càng sáng” – ông Cường nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm này, theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, đây là năm thứ 2 vấn đề NSNN được thảo luận công khai, minh bạch. Điều này là rất tích cực. Từ khi thực hiện Luật NSNN 2015 chúng ta đẩy mạnh việc công khai, minh bạch cũng như tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhìn vào công tác thu ngân sách năm nay có thể thấy, dù mới đi qua hơn 9 tháng nhưng kết quả thu dự ước có khả năng vượt so với dự toán QH giao. Tuy nhiên, kết quả thu nsnn trong 2 tháng cuối năm vẫn còn nhiều biến động, nhất là khi thu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chưa chắc chắn như giá dầu thô, đất, số thu từ nội lực nền kinh tế … Điều đó, đòi hỏi các cơ quan nhà nước cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, sát sao trong 2 tháng còn lại của 2018.

Huy động thuế, phí không nhiều

Theo báo cáo công khai dự toán NSNN năm 2019 Chính phủ trình Quốc hội, dự toán NSNN năm 2019 được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6,6-6,8%, giá trị GDP dự kiến khoảng 6,17 triệu tỷ đồng, giá dầu thô 65 USD/thùng. Theo đó, dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2019 vào khoảng 1.411,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% so ước thực hiện năm 2018. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 23%GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 20%GDP.

Trong khi đó, bội chi NSNN năm 2019 là 222 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,6%GDP. Đến hết năm 2019, dự kiến nợ công bằng khoảng 61,3%GDP, nợ Chính phủ 52,2%GDP, nợ nước ngoài quốc gia bằng khoảng 49,9%GDP.

Đóng góp ý kiến về bản báo cáo này, TS. Vũ Sỹ Cường, Chuyên gia tài chính công và ngân sách, Học viện Tài chính đặt câu hỏi: “Gánh nặng về thuế, phí của Việt Nam hiện nay nhiều hay ít?”

Liên hệ quốc tế, TS. Vũ Sỹ Cường cho hay: Tại Thụy Điển, tỷ trọng thuế, phí chiếm tới 35-40% GDP, còn Việt Nam tỷ lệ huy động vào NSNN qua các năm từ 23-24%, trong đó từ thuế, phí dao động trong ngưỡng 18-20%, chưa đạt chiến lược thu từ ngành Thuế. Mặt khác, theo ông Cường trong dự toán ngân sách 3 năm gần đây, số thu từ thuế, phí có xu hướng giảm, trong khi chiến lược của ngành Thuế là tăng lên.

Thực tế số thu từ thuế và lệ phí trong GDP năm 2017 là 22,7%, năm 2018 là 19%, năm 2019 giảm xuống 18,7%. Thuế phí là nguồn thu quan trọng nhất nhưng xu hướng đang giảm rõ rệt.

“Đây là một rủi ro rất lớn về dài hạn cho ngân sách. Hiện nay, ngân sách lại đang được bù đắp bằng những nguồn thu không bền vững như đất đai, tài nguyên, bán tài sản doanh nghiệp..., trong khi chúng ta liên tục trì hoãn xây dựng các loại thuế” – vị chuyên gia này nhận định.

Ở khía cạnh khác, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương tỏ ra lo ngại về vấn đề chi thường xuyên hiện nay. Hiện chi NSNN cho bộ máy hành chính của nước ta còn quá cồng kềnh, trùng lắp, thậm chí nhiều khoản chi không cần thiết, quá sức chịu động của nền kinh tế.

Ông dẫn chứng, theo quy định của Liên Hiệp quốc, một chuyên gia phải bay quá 8 tiếng/ngày mới được chi vé hạng thương gia; riêng Ngân hàng Thế giới yêu cầu số giờ bay phải quá 5-7 tiếng mới được hưởng chế độ này. Trong khi đó, ở Việt Nam, từ cấp Thứ trưởng khi bay từ Hà Nội vào TP. HCM đã được hưởng chế độ bay thương gia.

Mặt khác, theo TS Lê Đăng Doanh, Việt Nam đang hội nhập, tham gia các FTA rất sâu rộng. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn thu thuế nhập khẩu đang giảm mạnh. Hiện tại,nguồn thu lại đang dựa quá nhiều vào đầu tư nước ngoài (khoảng 72%), trong khi giá trị gia tăng thu về lại rất hạn chế. Có thể sản lượng xuất khẩu cao làm tăng GDP nhưng chưa chắc ngân sách đã tăng được tương ứng.

Trong khi đó, thu từ dầu thô lại không bền vững, sản lượng dầu thô đang có xu hướng giảm do tìm mỏ mới rất khó khăn nên vẫn phải khai thác các mỏ cũ. Do đó, tình hình thu ngân sách từ nguồn này cũng đang có biến động, cần phải thích nghi.

Ông Doanh đề xuất thêm cần xem xét lại khoản thu thuế từ các hộ kinh tế gia đình, vì khoản thu này hiện chưa bình đẳng, tương xứng, trong khi đó tỷ lệ chiếm khá lớn trong GDP. Bên cạnh những biện pháp tăng thu, cần phải giảm chi để không tạo áp lực quá lớn đến ngân sách, trong đó phải giảm chi thường xuyên.

Nga Phạm

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ngan-sach-nha-nuoc-ngay-cang-minh-bach.aspx