Chuyên gia nói gì về đề án xây dựng TP. HCM thành trung tâm dịch vụ bất động sản khu vực?

Đề án 'Xây dựng TP. HCM trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước' mới chỉ là chủ trương nhưng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và giới đầu tư.

Quy hoạch theo tỉ lệ 1/500 ở quận 12 - TP. HCM

Quy hoạch theo tỉ lệ 1/500 ở quận 12 - TP. HCM

Giới truyền thông tại TP. HCM đồng loạt đưa tin ngày 4/3, UBND TP. HCM vừa họp bàn với các sở ban ngành liên quan về việc xúc tiến đề án “Xây dựng TP. HCM trở thành trung tâm dịch vụ bất động sản của khu vực và cả nước”. Trung tâm này sẽ là nơi cung cấp thông tin chính thống cho ngành bất động sản như bản đồ quy hoạch, tính pháp lý của dự án, tiến độ thực hiện dự án…

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch thành phố TP. HCM là nơi có thị trường bất động sản hoạt động sôi nổi nhất nước nên đủ điều kiện để có thể thực hiện thành công chủ trương trên.

Hiện tại, trên thị trường bất động sản của thành phố, vấn đề cung cấp thông tin chưa được quan tâm đúng mức khiến người dân và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn khi muốn tiếp cận thông tin các dự án, dẫn đến tình trạng một số chủ đầu tư cung cấp thông tin thiếu chính xác gây thiệt hại cho người dân.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM đã giao cho Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) đứng ra chủ trì xây dựng đề án.

Chia sẻ với TheLEADER, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HOREA) nhìn nhận, có vẻ giới truyền thông đang quá sốt sắng khi đưa tin hơi sớm, vì hiện tại đây mới là chủ trương, đề án này chỉ có cái tên và chưa có bất cứ nội dung - thông tin – lộ trình gì cụ thể.

Tham vọng lớn của TP. HCM là muốn trở thành nơi có thể tích hợp các loại thông tin liên quan dến thị trường bất động sản của thành phố, khu vực và thậm chí là cả nước, để có thể cung cấp cho bất cứ nhà đầu tư nào, cả trong và ngoài nước cũng như người dân, khi họ quan tâm”, ông Lê Hoàng Châu giới thiệu sơ bộ về đề án.

Theo Luật kinh doanh bất động sản, trong nhiều trách nhiệm – nghĩa vụ quản lý của cơ quan Nhà nước, Nhà nước có một trách nhiệm là “cung cấp thông tin về thị trường bất động sản” minh bạch và đầy đủ cho các chủ thể đang hoạt động trên thị trường, ông Châu cho biết.

Ngoài ra, ông Châu lưu ý, để xây dựng được trung tâm nói trên cần phải có tiền, “nếu không có ngân sách thì đừng nói đến chuyện thực hiện đề án này”.

Việc đầu tiên và quan trọng nhất khi thực hiện đề án này chính là phải xây dựng cơ sở dữ liệu đầu vào một cách khoa học bằng cách thu thập thông tin theo thời gian thực từ các nguồn chính như sở ban ngành của Nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng… để hình thành nguồn dữ liệu lớn – big data. Sau đó, bằng công nghệ, trung tâm sẽ chọn lọc - đưa ra những thông tin quan trọng và cần thiết cho các nhu cầu khác nhau từ doanh nghiệp và người dân.

Muốn làm được tất cả các điều đó, trung tâm phải có hạ tầng cơ sở thông tin tốt, các phương tiện máy móc - công nghệ hiện đại như internet băng thông rộng, máy chủ đủ mạnh… đồng thời phải có nhân sự trình độ chuyên môn cao để có thể vận hành chúng. Và, cả hai nguồn lực kể trên đều ngốn rất nhiều tiền.

Ông Châu cũng giải thích, sở dĩ ông phải nhấn mạnh về chuyện phải thu thập thông tin theo “thời gian thực” là bởi có những ví dụ trong quá khứ cho thấy đó là điều vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo tính rõ ràng – minh bạch của trung tâm dịch vụ này.

Năm 2016, 5 ngày trước khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM công bố 77 dự án đang phải thế chấp ngân hàng, Lô A3 Him Lam Riverside đã được Him Lam giải chấp, nhưng Sở không cập nhật. Sau đó, trước sự phản ánh của doanh nghiệp, 6 tháng sau Sở mới điều chỉnh. Sự kiện này đã ảnh hưởng rất xấu tới uy tín của Him Lam.

Rút kinh nghiệm từ những dự án tương tự như thế này ở bên Hàn Quốc, Nhật hay Mỹ, trung tâm nhất định phải yêu cầu các bên cung cấp thông tin theo thời gian thực.

Cũng theo ông Châu, hiện tại thành phố đã và đang thực hiện được một vài dự án nhỏ phục vụ cho đề án.

Đầu tiên, thành phố đã công bố thông tin quy hoạch chi tiết 1/2000, quy hoạch 1/500 khu vực đô thị; đây sẽ là cơ sở để sau này người dân không cần làm giấy phép xây dựng cho nhà riêng lẻ nữa, chỉ cần làm hậu kiểm.

Thứ hai, thành phố vừa chỉ đạo về việc công bố thường xuyên các dự án bất động sản bị thế chấp ngân hàng. Từ năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường làm chuyện này rồi, nhưng không thường xuyên.

Thứ ba, thành phố vừa chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các ban ngành liên quan xây dựng ứng dụng công nghệ để quản lý và cung cấp thông tin dự án đến người dân; ví dụ thông tin về tính pháp lý, về thế chấp ngân hàng, đủ hay không điều kiện để bán….

Quỳnh Như

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/chuyen-gia-noi-gi-ve-de-an-xay-dung-tp-hcm-thanh-trung-tam-dich-vu-bat-dong-san-khu-vuc-1551766675630.htm