Chuyên gia nói gì về chấn thương của cầu thủ Đỗ Hùng Dũng?

'Nếu tiến triển liền xương tốt và có phương án tập phục hồi chức năng phù hợp thì việc trở lại thi đấu đỉnh cao là hoàn toàn có thể', GS.BS.TS Trần Trung Dũng chia sẻ.

Tối qua (23/3) trong trận đối đầu giữa TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội FC, cầu thủ Đỗ Hùng Dũng dính chấn thương nặng sau pha va chạm với Hoàng Thịnh.

Theo thông tin mới nhất Hùng Dũng đã bị gãy 1/3 xương cẳng chân phải sau cú vào bóng thô bạo của Ngô Hoàng Thịnh. Kết quả chụp X-quang đã chỉ ra là cả phần xương chày (xương chính) và xương mác (xương phụ) đều bị gãy bởi tác động của ngoại lực.

Trong sáng nay 24/3, ca phẫu thuật cho Đỗ Hùng Dũng được thực hiện tại Bệnh viện Vạn Hạnh, TP.HCM. Ca mổ đã được thông báo là thành công tốt đẹp.

Hùng Dũng giơ tay ra dấu hiệu “OK” để trấn an người hâm mộ.

Hùng Dũng giơ tay ra dấu hiệu “OK” để trấn an người hâm mộ.

Chấn thương của Hùng Dũng đã khiến HLV, đồng đội và người hâm mộ vô cùng lo lắng. Theo HLV Chu Đình Nghiêm: "bóng đá là đối kháng, biết rằng phải mạnh mẽ và quyết liệt nhưng xin đừng vào bóng triệt hạ ác ý. Hãy cố gắng giữ cho đôi chân của đồng nghiệp, bởi đó là cần câu cơm của nhau".

Nói về chấn thương của Hùng Dũng, một bác sĩ từng đi theo đội tuyển Việt Nam cho biết: "Nếu xét về mức độ nghiêm trọng, có lẽ gãy xương dễ hồi phục hơn chấn thương đứt toàn bộ dây chằng. Tuy nhiên, chấn thương của Dũng thuộc loại nặng, đòi hỏi trình độ ê kíp phẫu thuật cho anh phải rất cao. Sau đó, Dũng cần phải được điều trị đúng cách. Nếu kết hợp được các yếu tố với nhau thì có thể từ 3 - 6 tháng, Dũng có thể đi lại, tập nhẹ được.

Hùng Dũng đau đớn sau pha vào bóng nguy hiểm của Hoàng Thịnh. Ảnh: TP

Theo bác sĩ Dương Tiến Cần của bệnh viện Y học Thể thao Việt Nam cho biết, gãy xương chày và xương mác nói cách khác là bị gãy ống đồng. Nếu Hùng Dũng chỉ bị tổn thương xương mác thì không nghiêm trọng. Tuy nhiên, gãy cả xương chày thì lại là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Hùng Dũng có thể cần tối thiểu 6 tháng để bình phục chấn thương và mất thêm 6 tháng nữa mới có thể tập luyện trở lại. Ít nhất Hùng Dũng phải mất một năm nghỉ thi đấu để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, Hùng Dũng cũng cần một nghị lực lớn để quên đi ám ảnh chấn thương khi trở lại sân cỏ.

Chia sẻ với PV, GS.BS.TS Trần Trung Dũng - Trưởng Phân môn Chấn thương Chỉnh hình Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, quá trình liền xương không phải là quá trình đơn giản và nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Việc phục hồi khi gãy xương chân cần phải có thời gian nhất định để cho việc liền xương cũng như tập vận động để cho bệnh nhân trở lại sinh hoạt bình thường cũng như tham gia các hoạt động thể thao.

Theo bác sĩ Dũng, thời gian bao lâu, nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Điều này hoàn toàn có thể hy vọng bởi y học ngày càng phát triển. Và điều vô cùng quan trọng là nếu tiến triển liền xương tốt và có phương án tập phục hồi chức năng phù hợp thì việc trở lại thi đấu đỉnh cao là hoàn toàn có thể.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/chuyen-gia-noi-gi-ve-chan-thuong-cua-cau-thu-do-hung-dung-20210324145021823.htm