Chuyên gia nói gì về 3 'kẻ thù' của sáng tạo và cách vượt qua?

Chúng ta đều là con người không thể thoát khỏi cảm xúc, cả tích cực lẫn tiêu cực, nhưng chúng ta có thể điều chỉnh để chúng không còn là sợi dây trói buộc, ngăn sự sáng tạo phát triển.

Đừng cố chạy khỏi các cảm xúc tiêu cực, hãy dừng lại đối măt với chúng, mọi chuyện sẽ ổn và sự sáng tạo lại quay về - Ảnh: Shutterstock

Nguyên nhân sự sáng tạo bị khóa, triệt tiêu thì nhiều nhưng trong đó có 3 trạng thái cảm xúc phổ biến, đặc biệt nguy hiểm với sự sáng tạo. Chuyên gia Kimberly Key - cựu chủ tịch bộ phận Hiệp hội Tư vấn Mỹ, cố vấn, nhà trị liệu tâm lý nghiên cứu tập trung vào các tác động toàn cầu của việc thay đổi cấu trúc gia đình - đã đưa ra phương thức thoát khỏi chúng.

1. Cầu toàn

Cầu toàn là gốc rễ của sự trì hoãn, nghi ngờ bản thân, hành vi gây hấn với bản thân, với người khác và tự phá hủy mình (self-sabotage). Niềm tin bên trong họ là lúc nào cũng phải hoàn hảo mới xứng đáng hoặc đủ tốt.

Do đó, họ tự ngược bản thân và làm khổ những người khác bằng cách đo kết quả đầu ra theo các tiêu chuẩn trên trời, không khoan dung với bất cứ điều gì kém hoàn hảo.

*Các bước để chống lại sự cầu toàn:

- Dừng lại và nắm bắt cuộc đối thoại nội tâm đang quấy rối, thúc đẩy thực hiện các tiêu chuẩn bất khả thi. Hãy tự hỏi liệu tiêu chuẩn hoặc deadline không cách nào hoàn thành ấy có đáng với sự đau buồn mà bạn đang trải qua hay không.

- Bài tập: vẽ một bức tranh hoặc làm đồ thủ công gì đó rồi phá hỏng chúng. Chú ý cách bạn cảm nhận và bất kỳ sự kháng cự hoặc khó chịu nào xuất hiện.

- Dành một chút thời gian để thư giãn toàn thân, sau khi hít thở sâu vài hơi, suy ngẫm câu hỏi: “Chuyện gì xảy ra nếu tôi không có câu trả lời và các giải pháp từ bên ngoài?”

2. Tham lam

Trạng thái cảm xúc khá ranh mãnh là lòng tham. Lòng tham có một cách ngăn chặn năng lượng sáng tạo theo cách tinh vi nhất, nhiều người không biết rằng họ đang trải qua điều đó. Các khía cạnh của lòng tham bao gồm muốn được công nhận và tin tưởng. Đó là biểu hiện của cái tôi muốn hét lên: “Hãy nhìn vào tôi đi này!”.

Tham lam làm ta không cộng tác, chia sẻ hoặc chơi tốt với những người khác. Nó tuyệt vọng và sẽ đánh cắp ý tưởng hay bất cứ điều gì có thể để nuôi dưỡng cơn đói vô tận của cái tôi. Tham lam tiếp sức cho khoe khoang và là phản đề của sự sáng tạo, vì khiến ta nghĩ không cần tìm hiểu, học tập hay phát triển thêm.

*Các bước để chống lại lòng tham:

- Tạm dừng để kiểm tra giá trị bản thân và chấp nhận bản thân. Bạn đã có thể chạm nơi bạn cho rằng mình giỏi nhất, tốt nhất, vậy có thể tìm ra chỗ nào trong bạn nghĩ rằng bạn không xứng đáng? Có giọng nói nói rằng bạn là một "kẻ lừa đảo" không? Bạn có thể cố trấn an rằng đó là một phần của bạn không? Chúng ta thường tìm kiếm bên ngoài những gì ta từ chối cung cấp cho chính mình.

- Bài tập: làm điều gì đó tốt đẹp cho người khác nhưng không để họ biết. Bạn càng thực hành việc cho đi vô danh, bạn sẽ càng hòa nhập và cảm nhận được những điều tốt đẹp mà tinh thần cao khiết trao lại cho bạn.

- Thư giãn và suy ngẫm câu hỏi: “Chuyện gì xảy ra nếu mọi thứ tôi cần đã ở có sẵn trong tôi?”

3. Thù ghét

Trạng thái cảm xúc này có thể dẫn đến độc tính cực độ đối với tinh thần và sự sáng tạo. Nó là phản đề của lòng biết ơn và dẫn đến sự phẫn nộ, ghét bỏ. Nó thúc đẩy sự bất mãn và khinh miệt đối với con người, địa điểm và hoàn cảnh sống nào đó. Sự sáng tạo không thể nảy nở trong thù oán, như kiểu thù oán là a xít phá hủy khóm hoa hồng.

Con người, địa điểm và hoàn cảnh sống có thể mang đến cho chúng ta những chông gai, thì tinh thần biết ơn lại hiểu được những chông gai và tập trung vào vẻ đẹp và hương thơm của những bông hoa.

*Các bước để chống lại sự thù ghét:

- Dành thời gian khám phá những gì làm bạn buồn bực. Xin lưu ý rằng sự thất vọng tràn trề dưới tấm mành che làm tăng thù ghét, có thể dẫn đến sự bùng nổ cảm xúc và tạo thành cơn thịnh nộ bất ngờ. Nhưng đem tổn thương và oán giận ra ánh sáng có thể giúp thúc đẩy sự hiểu biết về động cơ vô thức và kỳ vọng của chính chúng ta, dẫn đến sự tha thứ, hòa bình và lòng biết ơn bài học kinh nghiệm.

- Bài tập: viết ra tất cả những điều bạn không thích và đặc điểm của từng người, địa điểm, tình huống và điều khiến bạn bất mãn. Sau đó đào sâu xem có tìm thấy bất kỳ đặc điểm nào đó trong chính mình như vậy không. Cố gắng tha thứ cho các đặc điểm tiêu cực vừa phát hiện và sau đó viết ra tất cả các khía cạnh tích cực gắn với từng người, địa điểm, tình huống bạn đã mô tả trước đó.

- Thư giãn và suy ngẫm những câu hỏi: Sẽ ra sao nếu sự phiền toái hoặc bất công này đang dạy tôi điều gì đó? Làm thế nào tôi nhìn bằng con mắt biết ơn và biến năng lượng thù oán thành sự nhận thức và lòng trắc ẩn?

Tạ Ban

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/suc-khoe/chuyen-gia-noi-gi-ve-3-ke-thu-cua-sang-tao-va-cach-vuot-qua-1109208.html