Chuyên gia nội chỉ ra 'tử huyệt' của Olympic Việt Nam trước trận gặp Bahrain

Cựu HLV Đoàn Minh Xương cho rằng đội tuyển Olympic Việt Nam vẫn còn có những điểm yếu cần khắc phục, mà điểm yếu lớn nhất trong số đó là khả năng tận dụng cơ hội và sức bền thể lực.

Nhiều người đánh giá Olympic Việt Nam ở cửa trên so với Bahrain, nhưng đâu là những điểm yếu mà chúng ta có thể gặp nguy hiểm trước đội bóng Tây Á?

Điểm yếu lớn nhất của đội tuyển Olympic Việt Nam cho đến thời điểm này là khả năng tận dụng cơ hội. Chúng ta ghi 6 bàn qua 3 trận, trong đó có 2 trận đá với đối thủ rất yếu là Nepal và Pakistan, chứng tỏ khả năng tận dụng cơ hội cũng không cao.

Trận nào đội cũng có nhiều tình huống có thể ăn bàn, nhưng số bàn thắng thì hạn chế. Về lý thuyết, càng vào sâu trong giải, các đối thủ càng mạnh, càng nghiên cứu kỹ Olympic Việt Nam, nên nếu có cơ hội mà không kết liễu được họ, chúng ta có thể phải trả giá.

Cựu HLV Đoàn Minh Xương.. Ảnh: Trọng Vũ

Còn về sức bền thể lực thì sao, sau trận đấu với Nhật, ông đã nói về chuyện chúng ta kém sức bền hơn đối thủ?

Về điểm này thì tôi cho rằng hạn chế về sức bền thể lực của đội tuyển Olympic Việt Nam chỉ xuất hiện khi chúng ta đối đầu với đội mạnh, cỡ Nhật, Hàn Quốc, hay Trung Quốc, khi chúng ta buộc phải căng sức để đuổi theo lối chơi nhanh của họ. Riêng Bahrain không phải là đội mạnh, nên có khả năng đội bóng Tây Á không khai thác được điểm này ở đội tuyển Olympic Việt Nam.

Bahrain đang tiến bộ, trận đầu họ thua Hàn Quốc 0-6, trận thứ 2 hòa Kyrgyzstan 2-2, trận cuối vòng bảng họ thắng Malaysia 3-2. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, trận cuối Malaysia chỉ dùng đội hình dự bị để đá với Bahrain, nên không thể dùng trận đấu ấy mà đánh giá đội bóng Tây Á.

Ông Xương nhận định rằng khả năng tận dụng cơ hội của Olympic Việt Nam còn hạn chế. Ảnh: Huyền Trang

Chấn thương của Hùng Dũng có khiến Olympic Việt Nam suy yếu, vì Hùng Dũng là tiền vệ phòng ngự có phong độ tốt nhất trong số các tiền vệ trung tâm hiện có mặt tại đội tuyển?

Nói sự vắng mặt của Hùng Dũng không ảnh hưởng đến cả đội thì không đúng, vì Hùng Dũng là tiền vệ phòng ngự tốt. Tuy nhiên, tôi cho rằng HLV Park Hang Seo vẫn còn phương án khác. Trong đội vẫn còn Đức Huy có thể đá tiền vệ phòng ngự, cặp Đức Huy – Xuân Trường cũng từng chơi hiệu quả ở giải U23 châu Á cách nay nửa năm.

Tôi cũng không nghiêng về khả năng Duy Mạnh sẽ được đẩy lên đá tiền vệ trung tâm, vị trí quen thuộc của cầu thủ này vài năm trước. Bởi chẳng ai đi xáo trộn hàng hậu vệ khi hàng hậu vệ đấy đang ổn định và ăn ý.

Việc căng sức đá với Nhật Bản ở loạt trận cuối vòng bảng có gây rủi ro cho Olympic Việt Nam không, thưa ông?

Không hề! Đúng là Hùng Dũng chấn thương trong trận gặp Nhật Bản, nhưng chấn thương vốn là một phần của thể thao đỉnh cao. Ngay cả các trận đấu không có tính chất quyết định thì cầu thủ hay VĐV vẫn có thể chấn thương. Đội tuyển Olympic Việt Nam buộc phải đá quyết tâm để duy trì phong độ và trạng thái hưng phấn cho những vòng đấu kế tiếp.

Đây là giai đoạn mà bóng đá Việt Nam tham dự các giải đấu lớn với mục tiêu cố gắng đạt thành tích, thứ nhất là để tiếp cận trình độ châu lục, thứ nhì là cần chiến thắng để tạo đà tâm lý, tích lũy kinh nghiệm cho các cầu thủ, cho nền bóng đá. Chúng ta không phải Nhật Bản hay các quốc gia phát triển bóng đá hàng đầu châu Á, rằng có thể đá nhiều giải, nhiều trận đấu với nhiều mục tiêu và nhiều lực lượng khác nhau. Tầm của bóng đá Việt Nam bây giờ, đã ra sân thì buộc phải quyết tâm, có cơ hội thì quyết thắng!

Xin cảm ơn ông!

Theo Trọng Vũ

dantri.com.vn

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/chuyen-gia-noi-chi-ra-tu-huyet-cua-olympic-viet-nam-truoc-tran-gap-bahrain-211459.html