Chuyên gia nhi khoa tại Mỹ khuyên có nên cắt bao quy đầu không?

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng, hiện công tác tại Phòng khám Nhi MD KIDS PEDIATRICS, TP Irving, Texas (Hoa Kỳ), cho rằng quan niệm cắt bao quy đầu ở trẻ tùy thuộc vào nền văn hóa mỗi nước.

E dè khi cắt bao quy đầu

Chị Nguyễn Thị Lệ (Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự con trai chị 2 tuổi. Cháu thường xuyên kêu đau vùng kín. Chị Lệ vạch ra xem thì phát hiện đầu dương vật của bé sưng to, nhiều cặn trắng nên đưa bé đi kiểm tra ở một phòng khám.

Bác sĩ cho biết bé bị hẹp bao quy đầu và đóng cặn gây viêm bao quy đầu. Chị Lệ được khuyên nên cắt bao quy đầu cho bé. Tuy nhiên, về nhà hai vợ chồng chị đắn đo không biết có nên thực hiện cắt bao quy đầu cho con không.

Dù bác sĩ đã hướng dẫn chị cách nong bao quy đầu cho con nhưng vẫn không có tác dụng. Hai tháng, bé bị nhiễm trùng tiểu hai lần nên mỗi lần mẹ sờ vào bao quy đầu để nong là bé lại khóc thét.

Có nên cắt bao quy đầu cho trẻ không? - Ảnh minh họa: Internet

Có nên cắt bao quy đầu cho trẻ không? - Ảnh minh họa: Internet

Rất nhiều bà mẹ đều e dè khi nói đến cắt bao quy đầu cho trẻ. Đặc biệt sau trường hợp của nhiều bé ở Hưng Yên năm 2017 bị sùi mào gà. Nguyên nhân do quy trình cắt bao quy đầu ở một phòng khám tư của y sĩ thì. Vấn đề này trở thành nỗi ám ảnh với nhiều phụ huynh có con trai.

Không riêng gì chị Lệ và các bậc phụ huynh ở Việt Nam, bác sĩ Hưng cho biết ngay cả ở Mỹ, ông cũng gặp nhiều trường hợp cha mẹ đưa con đi khám người thì đồng ý cho cắt bao quy đầu, người thì không đồng ý cắt bao quy đầu cho bé. Đa số các bà mẹ đều e ngại với việc cắt bao quy đầu. Bác sĩ Hưng phải giải thích cho từng trường hợp bệnh nhi và người nhà.

Về mặt y khoa, không bắt buộc phải cắt bao quy đầu. Bác sĩ Hưng cho rằng dù không cắt thì da quy đầu cũng tự tách ra khi trẻ 4-5 tuổi, có trường hợp sẽ lâu hơn cho tới vị thành niên nhưng hầu hết sẽ tách rời và tuột xuống được. Chỉ cần biết cách vệ sinh mỗi ngày là được.

Lợi và hại của cắt bao quy dầu - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ Hưng cho biết tại Mỹ, việc cắt bao quy đầu cho bé là chuyện bình thường. Trẻ sơ sinh trai trong hai tuần đầu sẽ được bác sĩ nhi khoa trong bệnh viện và ngoài phòng khám cắt bao quy đầu.

Theo bác sĩ Hưng, thủ thuật tương đối đơn giản, mất khoảng 15-20 phút, có 3 phương pháp khác nhau, mỗi phương pháp đều có lợi và hại khác nhau.

Chuyện cắt da quy đầu phụ thuộc vào văn hóa, màu da, tôn giáo. Người da trắng hầu hết là cắt bao quy đầu, nam giới da đen cũng cắt rất nhiều.

Lợi và hại của cắt bao quy đầu

Về mặt y khoa, bác sĩ Hưng cho biết cắt bao quy đầu có nhiều lợi ích với trẻ.

Thứ nhất,dễ vệ sinh vì cắt bao quy đầu đi vệ sinh sạch sẽ hơn. Tuy nhiên khi da quy đầu đã tuôt được, trẻ được hướng dẫn cách vệ sinh mỗi ngày thì hoàn toàn không có vấn đề gì.

Thứ hai, giảm nhiễm trùng tiểu: Thật ra lợi ích này nhỏ nhoi, bản chất nhiễm trùng tiểu ở bé trai vô cùng hiếm do niệu đạo dài, nên cắt hay không cắt cũng không khác mấy.

"Tôi không nhớ lần cuối tôi gặp nhiễm trùng tiểu trên bé trai là lúc nào nữa. Thông thường bé trai nhiễm trùng tiểu là do có dị dạng bất thường ở đường tiểu chứ không như ở bé gái", bác sĩ Hưng chia sẻ.

Thứ ba, giảm lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục. Tuy nhiên việc phòng ngừa các bệnh này chủ yếu là tình dục an toàn, dùng bao cao su.

Thứ tư, giảm nguy cơ ung thư dương vật

Song song với lợi ích, nguy cơ của cắt bao quy đầu cũng có nhiều rủi ro. Cụ thể, tình trạng chảy máu, đặc biệt khi cắt quá ngắn (thường gặp nhất), nhiễm trùng, cắt quá ngắn hay chừa lại quá nhiều

Lành vết cắt không bình thường gây dị dạng dương vật. Nhiều trẻ cắt xong vẫn có nguy cơ tái dính.

Nguy cơ cũng hiếm gặp, thường nhất là chảy máu kéo dài, hay được xử trí bằng băng ép với dung dịch epinephrine giúp co mạch, hầu hết là kiểm soát được trừ khi có rối loạn đông máu.

Bảo Lâm

Nguồn PNSK: https://phunusuckhoe.vn/chuyen-gia-nhi-khoa-tai-my-khuyen-co-nen-cat-bao-quy-dau-khong-c21a313973.html