Chuyên gia Nhật: MiG-31 đối phó mọi nguy cơ tại Bắc Cực

Theo chuyên gia Tamaki Sakimura, vũ khí Nga, đặc biệt là tiêm kích MiG-31 hoạt động rất tốt trong điều kiện khắc nghiệt tại Bắc Cực.

Mở đầu bài viết, vị chuyên gia người Nhật đã rất ngưỡng mộ sức mạnh và độ tin cậy của vũ khí Nga: "Việc đảm bảo sự ổn định và an toàn cho các máy bay có người lái trong điều kiện khắc nghiệt tại Bắc Cực hiện chỉ có vũ khí Nga có thể làm được", Sakimura viết.

Nga đang tăng cường khả năng tác chiến tại Bắc Cực và những chiếc tiêm kích đánh chặn MiG-31 là một phần không thể thiếu của lực lượng Nga tại đây.

Tiêm kích MiG-31.

Tiêm kích MiG-31.

"MiG-31 có thể đối phó với hầu hết các nguy cơ từ trên không dù đó là những chiến đấu cơ tàng hình F-35A của Mỹ. Tiêm kích này cũng rất đáng sợ mới mục tiêu mặt đất khi mang theo tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal có tầm bắn cả ngàn km", chuyên gia Sakimura cho biết thêm.

Điều đặc biệt trong lời nhận xét về MiG-31 là tiêm kích này có khả năng đối phó với cả F-35. Được biết, Không quân Nga hiện vừa hoàn thành triển khai phi đội tiêm kích đánh chặn MiG-31BM tới căn cứ ở Anadyr, vùng Chukotka đối diện với bang Alaska của Mỹ.

Vùng Chukotka rất gần Alaska. Đây là khu vực có dân số ít thứ 2 của Nga với khoảng 50.500 người. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng tại đây vẫn chưa phát triển tốt. Nhiều cư dân vẫn sống bằng nghề săn bắt truyền thống và nuôi tuần lộc.

Nói về lý do sử dụng MiG-31BM chứ không phải tiêm kích thế hệ mới Su-35 cho đơn vị tại Chukotka, vị chuyên gia này cho biết: "Do MiG-31BM có tốc độ không một chiến đấu cơ nào hiện nay sánh kịp cùng với thiết kế chuyên thực hiện nhiệm vụ đánh chặn, vì vậy chiến đấu cơ này sẽ hiệu quả hơn bất kỳ tiêm kích nào cho nhiệm vụ đối phó với mục tiêu đường không tại Chukotka - nơi hệ thống đánh chặn mặt đất chưa được triển khai đủ mạnh".

Dù Nga không nói rõ những phi đội MiG-31BM được triển khai đến đây nhằm đối phó với những đối thủ nào. Nhưng giới chuyên gia cho rằng không khó để nhận ra mục đích của Nga khi khoảng cách giữa Chukotka đến Alaska rất gần.

Đặc biệt tại khu vực này của Mỹ, không quân Mỹ cũng vừa hoàn thành triển khai phi đội tiêm kích tàng hình F-35A đầu tiên. Vậy trong kịch bản xảy ra một cuộc đối đầu trên không, MiG-31BM có giành được lợi trước máy bay mới nhất của Mỹ?

Giới chuyên gia cho rằng, dù là dòng chiến đấu cơ được phát triển từ thời Liên xô nhưng MiG-31BM vẫn hội tụ đầy đủ những khả năng đủ để đánh bại bất kỳ chiến đấu cơ nào.

Với cặp động cơ turbofan đốt tăng lực lần 2 Soloviev D-30F6, MiG-31 có thể đạt tốc độ cực đại trên 3.000 km/h (tốc độ gần gấp đôi của F-35) hoặc tốc độ hành trình 2.500 km/h Mach 2,35 ở độ cao lớn, hoặc 1.500 km/h ở độ cao thấp.

Ngoài MiG-31BM hiện chỉ có máy bay trinh sát siêu thanh SR-71 và U-2 của Mỹ mới có thể bay ở độ cao hơn 20.000 m và tốc độ 2.500 km/h (chỉ SR-71). Hiện tại đây là giới hạn của máy bay quân sự.

So sánh thông số này có thể thấy rằng, chỉ riêng tính năng bay, không một máy bay chiến đấu nào trên thế giới gồm cả F-22, F-35 là đạt được trần bay và tốc độ lớn như MiG-31BM. Chính vì vậy, Không quân Nga xem MiG-31BM là tiêm kích đánh chặn số 1 thế giới hiện nay.

Được biết, MiG-31BM là phiên bản hiện đại hóa sâu rộng của dòng MiG-31 được đưa vào thử nghiệm năm 2008 và bắt đầu nâng cấp quy mô từ năm 2011. So với MiG-31 nguyên bản, hiệu quả chiến đấu của MiG-31BM tăng gấp 2,6 lần.

Việc nâng cấp chủ yếu nằm ở radar và vũ khí, tuy vậy động cơ của nó cũng được cải tiến một phần. Bằng MiG-31BM người ta đã lập kỷ lục bay liên tục 7 tiếng 4 phút, tổng quãng đường bay lên tới 8.000 km.

Phiên bản mới được trang bị radar Zaslon-M có tầm phát hiện mục tiêu trên không đến đạt gần 400 km, có thể khăng theo dõi liên tục 24 mục tiêu và dẫn đường tên lửa hạ 8 mục tiêu cùng lúc.

Ngoài ra, radar mới cho phép MiG-31BM mang theo các loại tên lửa không đối đất thông minh, bom hàng không có điều khiển. Điều mà nguyên bản MiG-31 trước đây bị hạn chế chỉ mang tên lửa không đối không và bom không điều khiển.

Loạt nâng cấp còn cho phép MiG-31BM triển khai siêu tên lửa không đối không thế hệ mới R-37 có tầm bắn 400 km, tốc độ tối đa Mach 6, rất phù hợp tiêu diệt máy bay ném bom, máy bay cảnh báo sớm và cả mục tiêu chiến lược bay tốc độ cao.

Với loạt thế mạnh vượt trội của MiG-31, giới quân sự cho rằng dòng tiêm kích này chỉ có một khiếm khuyết duy nhất đó là không có khả năng tàng hình.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/chuyen-gia-nhat-mig-31-doi-pho-moi-nguy-co-tai-bac-cuc-3428112/