Chuyên gia Nhật khuyên trẻ “dậy sớm – ngủ sớm – vận động nhiều”

(YTT) - Muốn trẻ không khóc đêm, ăn ngon và ngủ ngon, cha mẹ cần rèn luyện cho bé ngủ sớm, dậy sớm, vận động nhiều vào buổi sáng, theo các chuyên gia giáo dục và bác sĩ Nhật.

Nếu con khóc đêm, ngủ muộn, cha mẹ hãy bắt đầu bằng rèn luyện thói quen thức dậy sớm và vận động buổi sáng. Ảnh minh họa: Internet.

Có rất nhiều cha mẹ gặp phải vấn đề con khóc đêm khi trẻ còn nhỏ dưới 1 tuổi, và con không chịu đi ngủ sớm, không chịu ăn trong giai đoạn tiếp theo. Lời khuyên của các bác sĩ và chuyên gia giáo dục Nhật giúp cha mẹ giải quyết những vấn đề khó khăn này chính là cha mẹ hãy bắt đầu bằng việc luyện cho trẻ thói quen sinh hoạt có quy tắc dậy sớm, ngủ sớm, để trẻ vận động thật nhiều vào buổi sáng (khoảng thời gian từ 9-12 giờ).

Bài viết tham khảo tạp chí “AERA with BABY”, một trong những tạp chí hàng đầu về chăm sóc, nuôi dạy trẻ từ 0-3 tuổi của Nhật

Bộ não buổi sáng” rất quan trọng với sự phát triển của trẻ nhỏ.

“Bộ não buổi sáng sớm” là thuật ngữ các bác sĩ muốn ám chỉ rằng nếu được tắm ánh nắng mặt trời vào buổi sáng, được vận động nhiều vào buổi sáng (trưa) não sẽ được kích thích, tinh thần và cơ thể cũng sẽ khỏe mạnh. Bộ não của trẻ sẽ được kích thích và phát triển thông qua sự tiếp xúc của 5 giác quan như nghe, nhìn, ngửi, sờ, nếm. Đối với sự phát triển của bộ não thì thần kinh serotonin, một thần kinh quan trọng của não giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể, giấc ngủ, điều khiển cảm tình, ngoài ra nó còn nuôi dưỡng cảm xúc phong phú bởi nó giúp thay thế não cũ luôn cảm giác bất an, lo sợ bằng bộ não mới cho cảm giác an toàn, tươi trẻ hơn, lại được phát triển thông qua việc dậy sớm tắm ánh nắng mặt trời mỗi ngày.

Vận động nhiều vào buổi sáng giúp trẻ khỏe khoắn, tỉnh táo, ham học hỏi. Ảnh: Internet.

“Dậy sớm-ngủ sớm, vận động nhiều” – thói quen hàng đầu cần hình thành cho trẻ

Hãy lấy bản thân người lớn chúng ta làm ví dụ nhé. Bạn có thấy nếu hôm nào bạn dậy sớm, hít thở bầu không khí trong lành thay vì ngủ nướng ngủ vùi thì sẽ thấy hôm đó tinh thần rất sáng khoái không. Vì đồng hồ sinh học của cơ thể chúng ta một ngày chỉ có 24 tiếng, nên nếu ta bắt đầu muộn thì sẽ kết thúc muộn và tạo thành 1 vòng tuần hoàn muộn.

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng đánh thức trẻ buổi sớm lúc trẻ đang ngủ say thì thấy tội nghiệp nên thôi để trẻ ngủ thêm chút nữa cũng chẳng sao. Thế nhưng việc trẻ hình thành thói quen sinh hoạt có quy tắc và vận động nhiều ngay từ bé lại vô cùng quan trọng vì nó sẽ giúp cơ thể trẻ có đồng hồ sinh học chạy đúng nhịp, giúp trí não phát triển từ đó dẫn đến tinh thần và sức khỏe của trẻ luôn ở trạng thái khỏe khắn, vui tươi, kích thích sự tò mò ham học hỏi, và giảm bớt mè nheo nhõng nhẽo cha mẹ. Và đó cũng là lí do mà các nhà trẻ hãy mẫu giáo của Nhật luôn cho trẻ đi dạo và chơi đùa ở công viên vào buổi sớm tầm 9-10 giờ sáng. (Bản thân mình mỗi ngày trên đường đến trường đều đi qua một nhà trẻ ở trong khuôn viên trường và thấy điều này).

6 gợi ý hữu ích giúp trẻ ngủ sớm, dậy sớm, vận động nhiều

Thói quen sinh hoạt có quy tắc dậy sớm, ngủ sớm và vận động nhiều chính là chìa khóa giúp tạo ra “bộ não sáng sớm”thông qua cách luyện cho trẻ những thói quen sau:

- Hãy đánh thức trẻ dậy lúc 6g rưỡi mở rèm để ánh nắng chiếu vào.

- Ăn sáng xong thì chơi cùng trẻ những trò chơi như tập bò, để cơ thể được vận động thật nhiều

- Dẫn trẻ ra ngoài đi dạo buổi sớm (tùy thời tiết mà cha mẹ điều chỉnh việc cho trẻ đi dạo trong khoảng 9-10g).

- Đến thời kì ăn dặm thì cần cung cấp đủ dinh dưỡng.

- Buổi tối cho trẻ ngủ sớm tầm 8g tối.

- Ngoài ra nếu con bạn đã quen dậy trễ rồi mà muốn bé bắt đầu thói quen sinh hoạt có quy tắc thì thay vì ép bé ngủ sớm vào buổi tối hãy đánh thức bé dậy sớm vào buổi sáng bằng cách mở rèm để ánh nắng mặt trời chiếu vào cho mắt bé quen dần, mỗi ngày hãy đánh thức bé dậy sớm hơn 10-15 phút để tiến dần đến mục tiêu bạn đề ra.

Mời bạn đón đọc loạt bài viết về phương pháp giúp bé không khóc đêm, ăn ngon, khỏe mạnh và ngoan ngoãn của các bác sĩ và chuyên gia Nhật Bản do tác giả Nguyễn Thị Thu tổng hợp và chia sẻ.

Nguyễn Thị Thu
Yeutretho/ Seatimes

Nguồn ĐS&PL: http://www.yeutretho.com/chuyen-gia-nhat-khuyen-tre-day-som-%e2%80%93-ngu-som-%e2%80%93-van-dong-nhieu-204100.ytt