Chuyên gia nhận định về ý đồ thực sự của Mỹ khi rút khỏi INF?

Việc rút khỏi một hiệp ước vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh lạnh với Nga có nghĩa là Mỹ có thể triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất ở châu Á để chống Trung Quốc, nhiều chuyên gia quân sự hôm 24-10 nhận định.

Điều đó sẽ tăng cường lựa chọn sẵn có của Quân đội Mỹ có thể thực hiện tấn công chính xác trên toàn thế giới, trong trường hợp một cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc có thể xảy ra, họ cho biết thêm.

Đánh giá được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22-10 cho biết Trung Quốc đang ráo riết tăng cường kho vũ khí khiến ông đưa ra quyết định rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), cấm tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung.

Vì Bắc Kinh không phải là một trong những bên ký Hiệp ước vào năm 1987, ông Trump tuyên bố từ bỏ hiệp ước kiểm soát vũ khí là một “lời cảnh báo cứng rắn” đối với Trung Quốc, Nga và “bất kỳ quốc gia nào khác muốn chơi trò chơi đó,” và Mỹ sẽ xây dựng kho vũ khí hạt nhân, Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của HongKong bình luận hôm 24-10.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký quyết định rút khỏi INF. Ảnh: CIS

Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích ông Trump, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẽ không sợ bị hăm dọa để tham gia hiệp ước. “Chúng tôi chú ý đến tuyên bố liên quan đến tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton về Trung Quốc trong bối cảnh Hiệp ước INF,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 23-10.

“Trung Quốc luôn thượng tôn bản chất tự nhiên của chính sách quốc phòng và bảo vệ lợi ích quốc gia riêng. Trung Quốc sẽ không khoan nhượng đối với hành vi hăm dọa từ bất kỳ nước nào,” bà Hoa cho biết thêm.

Adam Ni, một học giả nghiên cứu chính sách đối ngoại và an ninh Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết việc Mỹ rút khỏi INF sẽ tạo ra tác động đáng kể đối với cán cân quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt nếu một cuộc xung đột xảy ra, thì Washington có thể nhanh chóng triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung được phóng từ mặt đất ở châu Á để tấn công xóa sổ Bắc Kinh chỉ trong thời gian ngắn, theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.

“Mỹ hiện đã có khả năng tấn công các mục tiêu ở Trung Quốc thông qua không kích bằng máy bay chiến đấu và các hệ thống tên lửa trên biển. Việc triển khai tên lửa tầm ngầm ngắn và tầm trung đến Nhật Bản sẽ bổ sung khả năng cho Mỹ và loại bỏ lợi thế của Trung Quốc, đã được xây dựng qua nhiều thập niên,” ông Ni cho biết.

Không bị ràng buộc bởi hiệp ước vũ khí hạt nhân, Trung Quốc đã xây dựng và triển khai kho tên lửa hiện đại có thể tấn công tài sản quân sự Mỹ và đồng minh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm tàu sân bay và căn cứ không quân, tờ báo Hong Kong nhận định.

Hệ thống tên lửa DF-26 của Quân đội Trung Quốc. Ảnh: Thông tấn REUTERS

Một trong những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà Trung Quốc đang phát triển, DF-41 sẽ đặt lục địa Mỹ trong tầm bắn, trong khi các loại vũ khí hiện đại khác như máy bay siêu thanh và súng laser sẽ tăng cường mối đe dọa đối với Mỹ, nếu có một cuộc xung đột quân sự giữa 2 quốc gia.

Collin Koh, một chuyên gia an ninh hàng hải công tác tại Đại học Công nghệ Nam Dương ở Singapore phân tích việc khôi phục tên lửa tầm trung được phóng từ mặt đất cho Mỹ sự tăng cường cần thiết, không chỉ đối với tấn công hạt nhân mà còn các hoạt động thông thường khác.

“Trung Quốc đã có thể đạt được lợi thế trong khu vực về khả năng thực hiện tấn công tên lửa từ mặt đất đồng thời xây dựng các tổ hợp phòng vệ trên biển và trên không. Mỹ cần phải tăng cường áp lực để đối phó với vấn đề này, cùng với nhận thức về khả năng hạn chế hiện tại,” ông Collin cho biết.

Tuyên bố của ông Trump đã làm dấy lên quan ngại trên khắp thế giới, Hội đồng châu Âu (EC) thúc giục Mỹ và Nga tiếp tục đàm phán để duy trì hiệp ước và Bắc Kinh kêu gọi Washington cần phải “suy nghĩ kỹ,” theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.

Nhưng ông Liu Weidong, một chuyên gia về các vấn đề chính trị Mỹ đến từ Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết Mỹ sẽ chưa có khả năng xây dựng các hệ thống tên lửa tầm ngắn và tầm trung ngay cả khi nước này rút khỏi hiệp ước bởi vì một chương trình như vậy rất tốn kém.

Trúc Phạm

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vu-khi-chien-tranh/my-rut-khoi-inf-de-loai-bo-trung-quoc-nhanh-chong-neu-xung-dot-xay-ra-516540/