Chuyên gia nhận định về cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc và Mỹ

Nội dung thảo luận về Trung Quốc giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Joe Biden sẽ là phép thử cho kế hoạch 'hợp tác với đồng minh để đối trọng Bắc Kinh' của ông chủ Nhà Trắng.

Nhiều nhà quan sát dự đoán Hàn Quốc sẽ không đứng về phía Mỹ chỉ trích gay gắt Trung Quốc, Ảnh: AFP

Nhiều nhà quan sát dự đoán Hàn Quốc sẽ không đứng về phía Mỹ chỉ trích gay gắt Trung Quốc, Ảnh: AFP

Tờ Guardian (Anh) cho biết ngày 21/5, Tổng thống Moon Jae-in sẽ đến Washington DC. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki trong tháng 4 đánh giá rằng chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in sẽ “tăng cường liên minh mạnh mẽ giữa Mỹ và Hàn Quốc cùng mối quan hệ sâu sắc của hai chính phủ, người dân và nền kinh tế”.

Nhưng nhiều nhà quan sát đánh giá rằng mặc dù đề cao mối quan hệ đồng minh thân hữu nhưng không có nhiều khả năng Hàn Quốc sẽ đi theo Nhật Bản nghiêng hẳn về phía Mỹ trong hành xử với Trung Quốc.

Các nhà phân tích dự đoán Tổng thống Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ không thảo luận với người đồng cấp Mỹ về vấn đề nhạy cảm liên quan đến Trung Quốc.

Ông Ramon Pacheco Pardo tại Trường Quản trị công Brussels (Bỉ) nhận xét: “Điểm mấu chốt của cách tiếp cận từ Tổng thống Moon Jae-in là không chỉ trích công khai Trung Quốc như những đồng minh khác của Mỹ. Điều này phần nào cho thấy hạn chế của Tổng thống Biden trong việc khiến đồng minh sẵn sàng công khai chỉ trích Bắc Kinh”.

Ông Haruko Satoh tại Trường Chính sách công quốc tế Osaka (Nhật Bản) phân tích: “Nếu xảy ra cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc, Nhật Bản sẽ thể hiện năng lực cân bằng nhờ quy mô dân số và kinh tế. Trong khi đó, Seoul lại yếu thế hơn, đặc biệt là khi khá phụ thuộc vào thị trường rộng lớn của Trung Quốc”.

Đối với cả Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ đều là hai thị trường xuất khẩu hàng đầu. Tuy nhiên, kinh tế Hàn Quốc chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ Trung Quốc. Năm 2020, Trung Quốc chiếm tới 26% giá trxuất khẩu của Hàn Quốc, sau đó là Mỹ với 14,5%. Nhật Bản xuất khẩu 22% hàng hóa tới Trung Quốc trong năm 2020 và 18,5% tới Mỹ”.

THAAD từng là một trong những yếu tố gây xích mích giữa Hàn Quốc và Trung Quốc. Ảnh: AP

Trước chuyến thăm của Tổng thống Moon Jae-in đến Mỹ, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố rằng nước này sẽ gia nhập “một phần” bộ tứ kim cương (còn gọi là QUAD) bằng việc hợp tác trong diễn đàn về vaccine phòng COVID-19, biến đổi khí hậu, công nghệ mới. Tuy nhiên, Seoul không đề cập đến khía cạnh an ninh.

Bắc Kinh nhiều lần cáo buộc QUAD mang “tâm lý Chiến tranh Lạnh”. Trong khi đó, một quan chức đảng cầm quyền Hàn Quốc chia sẻ với báo chí rằng Washington từng gợi mở mời Seoul gia nhập QUAD nhưng Seoul cho rằng chỉ có thể hợp tác cùng bộ tứ kim cương theo từng trường hợp với lĩnh vực có thể đóng góp.

Cách đây 5 năm, khi Hàn Quốc đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, Trung Quốc đã có nhiều động thái được các nhà phân tích đánh giá là “đòn đáp trả về kinh tế”. Các doanh nghiệp của Hàn Quốc chịu tác động không hề nhỏ. Du khách Trung Quốc không còn đến Hàn Quốc và người dân Trung Quốc còn tẩy chay nhiều mặt hàng Hàn Quốc.

Ở thời điểm đó, Mỹ không có nhiều động thái để bảo vệ Hàn Quốc. Ông John Nilsson-Wright tại Viện Nghiên cứu Chatham House (Anh) đánh giá đó là một trong những lý do Seoul tránh đối đầu gay gắt với Bắc Kinh.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chuyen-gia-nhan-dinh-ve-cuoc-gap-giua-tong-thong-han-quoc-va-my-20210520181334572.htm