Chuyên gia nhận định Triều Tiên lựa chọn tàu ngầm và SLBM để tăng cường răn đe hạt nhân

Các chuyên gia vào ngày 25/5 đánh giá Triều Tiên nhiều khả năng tăng cường năng lực hạt nhân qua việc ra mắt tàu ngầm mới hoặc tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM).

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thị sát tàu ngầm mới được đóng tại địa điểm bí mật. Ảnh: AFP

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thị sát tàu ngầm mới được đóng tại địa điểm bí mật. Ảnh: AFP

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 24/5 cho biết Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã triệu tập cuộc họp của Quân ủy Trung ương Đảng lao động Triều Tiên, thảo luận “chính sách mới để tăng cường răn đe hạt nhân”.

Theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), thông báo từ KCNA thu hút sự chú ý tới cảnh báo được Triều Tiên đưa ra vào cuối năm 2019 rằng nước này sẽ ra mắt “vũ khí chiến lược mới” có thể dẫn tới một "động thái gây sốc thực sự".

Các chuyên gia cho rằng có khả năng đó là SLBM hoặc tàu ngầm. Trong khi đó, tình báo Hàn Quốc cho biết đã giám sát chặt chẽ động thái của Triều Tiên chuẩn bị cho việc ra mắt tàu ngầm mới mà nước này từng tiết lộ hồi tháng 7/2019.

Tàu ngầm nói trên dự kiến có trọng lượng 3.000 tấn và mang theo được 3 tên lửa SLBM. Có thông tin tàu ngầm mới này đang được đóng tại căn cứ hải quân ở Sinpo.

Đầu tháng 5, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc cho biết đã phát hiện tàu ngầm 2.000 tấn lớp Gorae và thiết bị phóng tên lửa dưới nước tại xưởng đóng tàu Sinpo.

Hiện tại, Triều Tiên được cho sở hữu 70 tàu ngầm, trong đó có 20 tàu ngầm lớp Romeo 1.800 tấn. Nhưng hầu hết những tàu ngầm này được đánh giá đã lỗi thời và không phù hợp.

Triều Tiên cũng từng thử nhiệm thêm tên lửa phóng từ tàu ngầm mới nhất Pukguksong-3, sau lần thử nghiệm đầu tiên vào tháng 10/2019. Bộ tham mưu liên quân Hàn Quốc, Pukguksong-3 là tên lửa tầm trung và trong cuộc thử nghiệm vào tháng 10/2019 đã bay được 450 km.

Theo cơ quan tình báo Hàn Quốc, Triều Tiên đã phát triển 2 tên lửa lớp Pukguksong với tầm bắn khoảng 1.300km.

SLBM có độ chính xác thấp hơn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và mang theo đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn. Tuy nhiên, SLBM có thể được triển khai để tấn công đáp trả hạt nhân đột xuất.

Nhà phân tích Shin Jong-woo tại Diễn đàn An ninh Quốc phòng Hàn Quốc nhận định: “SLBM sẽ gây đe dọa không chỉ với an ninh khu vực mà cả toàn cầu bởi tên lửa này phóng từ dưới nước và khó phát hiện”.

Các chuyên gia nhận định rằng động thái mới nhất tăng cường năng lực hạt nhân của Triều Tiên dường như muốn gây thêm áp lực với Mỹ và đẩy mạnh kỷ luật trong tổ chức quân đội Triều Tiên thay vì là lời cảnh báo về động thái khiêu khích.

Kể từ tháng 6/2018, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã gặp nhau 3 lần. Kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai ở thủ đô Hà Nội ngày 28/2, hai bên đã không có tuyên bố chung do những khác biệt liên quan tới mức độ Bình Nhưỡng sẵn sàng giải trừ hạt nhân và Washington nới lỏng trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Ngày 24/5, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un đã chủ trì Hội nghị mở rộng của Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên để thảo luận về tình hình phát triển toàn diện, kiện toàn bộ máy, nâng cao sức mạnh của các lực lượng vũ trang Triều Tiên, trong đó có vấn đề tăng cường khả năng răn đe hạt nhân.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un đã chủ trì Hội nghị mở rộng lần thứ tư của Quân ủy Trung ương (CMC) 7 và một trong những nội dung nổi bật nhất được ông nhắc tới đó là việc kêu gọi “tăng cường hơn nữa khả năng răn đe hạt nhân của đất nước” và “đặt các lực lượng vũ trang chiến lược vào thế sẵn sàng chiến đấu cao”.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/chuyen-gia-nhan-dinh-trieu-tien-lua-chon-tau-ngam-va-slbm-de-tang-cuong-ran-de-hat-nhan-20200525174212634.htm