Chuyên gia nhận định khả năng Nga thay đổi Hiến pháp và Tổng thống Putin nắm quyền trọn đời

Mặc dù Tổng thống Putin không dưới một lần khẳng định sẽ không thay đổi Hiến pháp để nắm quyền trọn đời, nhưng giới chức Nga vẫn liên tục thúc giục ông chủ điện Kremlin hồi tâm chuyển ý.

Hiến pháp Nga quy định Tổng thống không được phục vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp, nên tính tới thời điểm hiện tại chắc chắn ông Putin không thể chạy đua vào chiếc ghế quyền lực vào năm 2024. Hồi tháng 3, trong cuộc phỏng vấn với NBC, nhà lãnh đạo Nga cũng từng khẳng định ông không có ý định thay đổi hiến pháp để xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ giống như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tổng thống Putin lần đầu tiên ngồi vào chiếc ghế quyền lực tại điện Kremlin năm 2000 và tiếp tục tái đắc cử 4 năm sau đó. Ông Putin không tranh cử vào năm 2008. Tới năm 2012, ông trở lại và giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử với 63,6% số phiếu ủng hộ.

Tháng 3/2018 ông Putin giành chiến thắng áp đảo và tái đắc cử Tổng thống Nga. Ngày 7/5, ông tuyên thệ nhậm chức tại Điện Kremlin, chính thức bắt đầu nhiệm kỳ thứ 4 trên cương vị tổng thống.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Getty)

Nếu chiếu theo Hiến pháp hiện hành, ông Putin sẽ rời nhiệm sở vào năm 2024 để nhường lại chiếc ghế quyền lực cho người kế nhiệm. Nhưng nhiều người Nga cho rằng cái bóng của Putin để lại sẽ lớn đến nỗi khó ai có thể thay thế vị trí của ông trên cương vị người lèo lái đất nước. Vì vậy, họ liên tục thúc giục ông xem xét thay đổi Hiến pháp.

Hiện tại, Putin có 3 lựa chọn: hoặc học theo Chủ tịch Tập Cận Bình gỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ hoặc để một người tạm thế chân ngồi vào ghế tổng thống rồi trở lại 1 nhiệm kỳ sau đó hoặc rời "ngai vương" và từ bỏ đời sống chính trị.

Bất cứ lựa chọn nào cũng mang lại rủi ro và không loại trừ khả năng chính ông Putin cũng có những toan tính khác.

Hệ thống cầm quyền của Nga trong khi phản ảnh một hình ảnh thống nhất vẫn được phân chia thành nhiều lớp lang, giữa những người theo đuổi quan điểm diều hâu an ninh và tự do kinh tế, giữa những người với quan điểm cá nhân khác biệt và giữa những lợi ích kinh doanh cạnh tranh. Khi Puin tại vị, ông giữ các lợi ích đó bình đẳng với nhau nên việc rời đi của ông chắc chắn sẽ gây ra những xáo trộn không nhỏ.

Trong cuộc họp của Đảng nước Nga Thống nhất cầm quyền hôm 26/12, các quan chức Nga tiếp tục đề cập với nhà lãnh đạo của họ về kịch bản ông linh động thay đổi Hiến pháp hiện hành để có thể tiếp tục nắm quyền, phụng sự cho đất nước.

Biên bản cuộc họp không đề cập tới phản ứng của ông Putin trước đề xuất này. Trong khi đó, thư ký báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov cùng ngày cho biết vấn đề sửa đổi Hiến pháp vẫn chưa được mang ra thảo luận.

Theo Reuters, nếu Putin thực sự muốn thay đổi Hiến pháp để ở lại điện Kremlin nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, ông sẽ cần sự đồng thuận của 2/3 lá phiếu ở Nghị viện, 3/4 ở Thượng Viện và sự phê chuẩn của 2/3 cơ quan lập pháp khu vực. Nhiều nhà phân tích cho rằng kịch bản này sẽ dễ dàng được hiện thực hóa nếu ông Putin thực sự muốn vậy bởi các đồng minh của điện Kremlin đang chiếm đa số ở các cơ quan này.

Nhưng nếu kịch bản này thực sự xảy ra, giới quan sát cho rằng chắc chắn nhà lãnh đạo Nga sẽ hứng phải làn sóng chỉ trích dữ dội từ một số cử tri, những người vốn đã bất mãn với ông từ trước đó. Họ có thể sẽ chỉ trích đó là hành vi quay lưng với nền dân chủ.

Năm 2008, vấn đề sửa đổi Hiến pháp cũng từng được đề cập tới sau khi Putin vừa hoàn thành 2 nhiệm kỳ Tổng thống và rời nhiệm sở. Vào thời điểm đó, ông bước sang một bên, để chiếc ghế tổng thống lại cho một phụ tá trung thành của mình là Dmitry Medvedev và trở thành Thủ tướng Nga. 4 năm sau, ông trở lại và "hoán đổi" vị trí với ông Medvedev.

Vào đầu tháng này, Tổng thống Putin nói rằng Hiến pháp “không phải là cấu trúc pháp lý hóa thạch, mà là một cấu trúc sống động và đang phát triển”. Trong cuộc họp báo thường niên cuối tuần trước, ông cũng cho rằng mọi thay đổi trong Hiến pháp là vấn đề cần phải được thảo luận rộng rãi.

Nhiều người lạc quan tin rằng có thể phần nào đó Putin đã bắt đầu xem xét tới khả năng nắm quyền nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Các ý kiến khác cho rằng những tuyên bố này chẳng nói lên gì nhiều.

Nhưng có một thực tế là Tổng thống Putin năm nay đã 66 tuổi, đồng nghĩa với việc ông sẽ 71 tuổi khi nhiệm kỳ thứ 4 kết thúc. Nếu ông không duy trì nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, ông sẽ 77 tuổi khi ra tranh cử vào nhiệm kỳ kế đó.

Một nguồn tin thân cận với điện Kremlin cho biết ông Putin đôi khi cảm thấy hết sức mệt mỏi nhưng phần lớn là do không hài lòng với các quan chức không đủ năng lực, lười biếng và quan liêu.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko năm 2016, lời than thở của ông chủ điện Kremlin đã vô tình lọt vào micro.

"Tôi ngủ không đủ giấc. Ngày hôm kia tôi chỉ chợp mắt được 4 tiếng, tối qua thì chỉ có 5 giờ", ông tâm sự.

Theo nhà phân tích chính trị Valery Solovei tại Viện Quan hệ Quốc tế Quốc gia Matxcơva, thực tế hiện tại ở Nga là không ai có thể trám vào vị trí mà Putin bỏ lại nếu ông rời đi vì họ chưa đủ tầm và không giành được sự tín nhiệm của một người đã nắm quyền trong gần 2 thập kỷ.

"Vì vậy, lựa chọn tốt nhất là thay đổi cơ cấu của chính phủ để đảm bảo ông Putin vẫn ở vị trí trung tâm trong việc đưa ra các quyết định", ông này phân tích.

Một khả năng khác theo ông Solovei là Matxcơva có thể nâng cấp Hội đồng Nhà nước thành một cơ quan quyền lực tối cao do ông Putin đứng đầu.

>>> Đọc thêm: Nhân vật đặc biệt được Tổng thống Putin mời thăm chuyên cơ

Song Hy

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nga-thay-doi-hien-phap-chuyen-gia-nhan-dinh-ve-kha-nang-tong-thong-putin-nam-quyen-tron-doi-d449241.html