Chuyên gia, nhà quản lý, DN tìm cách gỡ khó cho nhập khẩu lúa mì

Chiều nay (5.10), Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức buổi Tọa đàm 'Lúa mì và chuyện nhập khẩu của doanh nghiệp Việt'.

7 tháng đầu năm 2018, khối lượng và giá trị lúa mì nhập khẩu là 3,13 triệu tấn, tương ứng 743 triệu USD, tăng 2,2% về khối lượng và tăng 16,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Những nguồn cung cấp lúa mì lớn là Mỹ, Nga, Úc, Canada...

Ngoài việc nhập khẩu lúa mì để tiêu thụ trong thị trường nội địa, chúng ta xuất trở lại vào các nước trong khu vực ASEAN dưới dạng bột mì cho giá trị tốt.

Từ lần đầu phát hiện cỏ “cirsium arvense” có trong lúa mì nhập khẩu, đã có những quan điểm khác nhau, thậm chí tranh cãi về việc chấp nhận cho lúa mì có cỏ này được nhập hay không được nhập vào Việt Nam.

Vậy loại cỏ này là loại cỏ gì, liệu có độc hại hay không? Liệu có cần thiết buộc phải tái xuất? Làm sao để ngành lúa mì phát triển bền vững?

Cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp sẽ cùng ngồi lại nêu quan điểm tại Tọa đàm “Lúa mì và chuyện nhập khẩu của doanh nghiệp Việt”.

3h00

Đại diện Ban Biên tập báo NTNN/Dân Việt tặng hoa cho các khách mời. Ảnh: Đàm Duy

3h05

Nhà báo Nguyễn Văn Hoài - Phó Tổng Biên tập báo NTNN/Dân Việt phát biểu khai mạc: Trước hết, tôi thay mặt Ban Biên tập Báo NTNN/Dân Việt, xin chào mừng và chúc mừng đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, nông nghiệp, các doanh nghiệp, các đồng nghiệp đã có mặt tại buổi Tọa đàm hôm nay.

Với tiêu chí sát cánh cùng nông dân Việt, sát cánh với nông nghiệp Việt, thời gian qua, Báo đã phối hợp với nhiều đơn vị, cơ quan chức năng tổ chức nhiều buổi tọa đàm, diễn đàn lớn về nhiều lĩnh vực nhằm truyền tải các chủ trương, chính sách của Nhà nước cũng như kiến nghị, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người nông dân cũng như doanh nghiệp. Buổi tọa đàm hôm nay cũng không nằm ngoài mục đích đó.

Các nước thu hoạch lúa mì theo diện rộng, cả cánh đồng.

Như chúng ta đã biết, 7 tháng vừa qua, các doanh nghiệp đã nhập khẩu gần 3,13 triệu tấn bột mì với kim ngạch khoảng 750 triệu USD. Loại nguyên liệu này đã giúp phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, gần đây, chúng tôi nhận được phản ánh của một số đơn vị về những khó khăn do thông tin một số lô hàng có cỏ Cirsium arvense mà có thể buộc phải tái xuất hoặc ngưng nhập.

Làm sao để công tác kiểm dịch thực vật nâng cao được hiệu quả, làm sao để đảm bảo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng?

Với cách đặt vấn đề đó, Tọa đàm Lúa mì và chuyện nhập khẩu của doanh nghiệp Việt được coi là dịp để cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng ngồi lại với nhau, cùng chia sẻ và tìm ra giải pháp khả dĩ cho vấn đề.

3h10

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Văn Hoài phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm. Ảnh: Đàm Duy

3h15

8 tháng nhập 3, 6 triệu tấn

Việt Nam là nước có thế mạnh về lúa gạo, như báo cáo có thể thấy, sản lượng lúa mì nhập khẩu khá lớn, đại diện Cục Bảo vệ thực vật có thể cho biết, chúng ta nhập lúa mì về chủ yếu để làm gì không, thưa ông?

Ông Lê Sơn Hà - Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tôi xin trả lời. Chúng ta cũng có sản xuất được lúa mì nhưng không đáng kể và chưa đáp ứng được mong đợi. Một vài địa phương phía Bắc có trồng lúa mì nhưng hiệu quả không cao. Chúng ta buộc phải nhập khẩu lúa mì để làm thực phẩm cũng như làm nguyên liệu cho chăn nuôi, thủy sản...

3h20

Ông Phan Thông Cường – Công ty Việt Nam kỹ nghệ bột mỳ. Ảnh: Đàm Duy

Ông Phan Thông Cường - Công ty Việt Nam kỹ nghệ bột mì chia sẻ: Với Việt Nam, nguồn lương thực chính là lúa gạo. Còn với các nước phương Tây, nguồn nguyên liệu là lúa mì. Trước năm 1975, Việt Nam có nhà máy bột mì lớn nhất Đông Nam Á đó là Nhà máy bột mỳ Bình Đông sản xuất với sản lượng 1.000 tấn mỗi ngày.

Lúa mì làm ra bột mì, sản xuất mì ăn liền, bánh kẹo. Khi nhịp sống ngày càng phát triển, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng bột mì tăng lên kéo theo tiêu thụ lúa mì của Việt Nam tăng.

3h30

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Đàm Duy

Số liệu mới nhất, ước tính khối lượng nhập khẩu lúa mì trong tháng 8.2018 đạt 581.000 tấn với kim ngạch đạt 136 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu mặt hàng này trong 8 tháng đầu năm 2018 lên hơn 3,6 triệu tấn, với trị giá 877 triệu USD, tăng 8,71% về khối lượng và tăng 24,71% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

3h25

Ông Phan Thanh Hiếu - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bột mì Bình An: Ngày nay, nước ta đang hội nhập sâu và rộng với kinh tế toàn cầu nên nguồn thực phẩm ngày càng đa dạng hóa. Do đó, nhu cầu bột mì ngày càng cao. Ngoài việc làm nguyên liệu sản xuất mì ăn liền, bánh mì, bánh ngọt...bột mì còn được sử dụng để chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm. Ngành sữa cũng có nhu cầu sử dụng bột mì đáng kể. Tiêu thụ bột mì trên thị trường Việt Nam ngày càng tăng, lúa mì đang dần trở thành nguồn nguyên liệu có sức cạnh tranh và khó thay thế.

3h35

Chuyên gia nông nghiệp, vi sinh học Nguyễn Lân Hùng: Cirsium arvense gần như không độc

Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng chia sẻ tại tọa đàm: Gần đây, tôi cũng có biết được thông tin có một số lô hàng lúa mì nhập khẩu về Việt Nam có chứa cỏ Cirsium arvense và có nguy cơ buộc phải tái xuất thậm chí ngưng nhập từ cơ quan kiểm dịch thực vật. Tôi tò mò tìm loại cỏ này thì khá vất vả. Câu hỏi là vì sao chúng ta lại bắt tái xuất? Để làm rõ câu hỏi này tôi muốn hỏi Cục Bảo vệ thực vật rằng: Việt Nam đã có sự cố từ cỏ này chưa? Cỏ này đã mọc ở Việt Nam hay chưa? Đã ảnh hưởng gì tới sản xuất nông nghiệp chưa?

Nếu chúng ta đột ngột cấm thì doanh nghiệp sẽ thiệt hại ra sao, chúng ta đã lường trước chưa?

3h40

Ông Lê Sơn Hà.

Ông Lê Sơn Hà - Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục Bảo vệ thực vật):Nếu tìm hiểu về loại cỏ này bằng tiếng Việt sẽ khá khó nhưng nếu tìm kiếm bằng tiếng Anh sẽ cho ra nhiều kết quả. Cục Bảo vệ thực vật có lý do để cấm loại cỏ này vì chúng có nguy cơ gây hại tới môi trường và ảnh hưởng tới sản xuất.

6 tháng qua, từ khi một số lô hàng lúa mì có chứa cỏ Cirsium arvense, chúng tôi đã phải huy động anh em kiểm dịch thực vật cùng với doanh nghiệp giám sát. Cục chúng tôi cũng đang làm việc với các cơ quan hữu quan tại một số nước yêu cầu họ phải đáp ứng theo yêu cầu của nước nhập khẩu là phải làm sạch loại bỏ cỏ này trước khi xuất đi.

Theo tôi, các doanh nghiệp cần phải thay đổi nhà cung ứng lúa mì, chuyển sang những thị trường khác như Braxin, Kazakhstan...

3h50

Ông Lê Sơn Hà: Tôi xin trả lời, đối tượng của kiểm dịch là những thực vật chưa có tại thị trường Việt Nam và có khả năng gây thiệt hại cho nên chúng tôi mới kiểm soát chặt như vậy để ngăn chặn.

Thị trường nhập khẩu lúa mì chính trong 8 tháng đầu năm 2018 là Nga, chiếm 53% thị phần; Australia chiếm 25%, Canada chiếm 9%, Mỹ chiếm 4% và Brazil chiếm 2%.

3h55

Ông Lê Sơn Hà: Từ đầu năm tới nay, mỗi ngày, chúng tôi đã phải huy động hơn 30 cán bộ kiểm dịch đi bốc dỡ và tiêu hủy các lô hàng có cỏ Cirsium arvense. Chúng tôi cũng khó mà ngày nào cũng dàn quân ra như vậy.

Bất đắc dĩ, chúng tôi phải làm việc với các đơn vị hữu quan của Nga, Canada... và yêu cầu họ cho lọc bỏ bên đó trước khi xuất đi và thấy rằng tình hình có khả quan hơn.

4h05

Tiến sĩ Trần Duy Khanh: “Đừng nên thấy khó quản là cấm”

Tiến sĩ Trần Duy Khanh - chuyên gia nông nghiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC gọi điện cho ban tổ chức và kết nối qua điện thoại tới Tọa đàm

Cirsium arvense hay còn gọi là cây kế đồng. Đây là một loài cỏ dại, cạnh tranh dinh dưỡng với một số cây trồng khác. Là một loài thực vật thuộc chi Cirsium trong họ Cúc, có chiều cao 30-100 cm.

TS Trần Duy Khanh

“Theo như QCVN 01 - 163: 2014/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy trình giám định cây kê đồng (Cirsium arvense (L.) Scop.) là dịch hại kiểm dịch thực vật.

Việc bắt buộc các đơn vị phải tái xuất ngay những lô vật thể chứa loại cây này phải cân nhắc từng trường hợp. Nếu là lô hạt giống có lẫn hạt cây kế đồng thì biện pháp bắt buộc trả lại nơi xuất xứ, tôi đồng ý. Nhưng nếu là là hạt cây kế đồng lẫn trong hạt lúa mỳ nhập khẩu thuộc lô hàng dùng để sản xuất thức ăn gia súc hay nghiền thành bột mì thì phải xử lý thật linh hoạt

Hiện tại, làm gì có quy định nào rõ là “lô lúa mì làm hạt giống hay lô lúa mỳ dùng sản xuất thức ăn trong khi hiện nay, chúng ta nhập khẩu lúa mì để làm nguyên liệu chứ không trồng lúa mì

Những lô hàng lúa mỳ có lẫn một số hạt cây kế đồng dùng để chế biến sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc sản xuất bột mỳ, chỉ cần tăng năng lực giám sát, giám sát chặt quá trình chế biến là ổn. Tóm lại, cùng một lô hàng, nhưng mục đích sử dụng khác nhau, phải có cách xử lý khác nhau. Không nên khiên cưỡng, cứng nhắc mà gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

3h58

Đông đảo các nhà báo, phóng viên tới tham dự buổi Tọa đàm.

Ông Lê Sơn Hà: Không phải doanh nghiệp không có lựa chọn. Chúng ta phải nêu rõ trong hợp đồng ràng buộc, yêu cầu đối tác phải lọc sạch trước khi xuất khẩu hàng sang Việt Nam. Đương nhiên, có thể làm tăng chi phí nhưng vì lợi ích lâu dài phải thực hiện.

4h10

Cục Bảo vệ thực vật đã lấy ý kiến chuyên gia trước khi đề xuất cấm

Ông Lê Sơn Hà: Chúng tôi rất trân trọng ý kiến của Tiến sĩ Trần Duy Khanh. Thật ra, chúng tôi đã tính đến tất cả những yếu tố rồi. Nhưng vì nguy cơ nên chúng ta phải kiểm soát, có thể phải cấm. Chúng ta ủng hộ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng cũng phải làm theo pháp luật, không thể làm khác quy chuẩn. Chúng tôi cũng đã lấy ý kiến của các chuyên gia chứ không phải tự ý.

4h15

Ông Phan Thông Cường - Công ty Việt Nam kỹ nghệ Bột mì: Thưa ông Hà, các nguồn thay thế, doanh nghiệp đã nghĩ đến rồi (Brazil, Argentina). Vấn đề ở đây không phải giá, mà chất lượng nguồn lúa đó có thay thế được sản phẩm của Nga hay Canada hay không.

Chúng tôi trực tiếp sản xuất nên khẳng định luôn là không thay thế được cho Nga và Canada mà nguồn lúa mì từ những nước mà ông Hà nói chỉ nhập để pha trộn một phần. Lúa của Brazil, Argentina không nhiều, không phải năm nào cũng nhập được vì có năm họ không xuất khẩu chỉ tiêu thụ trong nước.

Thậm chí, chúng tôi đã đặt vấn đề với các nhà xuất khẩu như bên Nga, Canada rằng quy định Việt Nam không được nhập khẩu lúa mì có cỏ Cirsium arvense, họ rất ngạc nhiên và bảo thẳng rằng họ không bán cho chúng tôi nữa. Nói thì dễ nhưng thực hiện rất khó.

4h20

Ông Phan Thanh Hiếu - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bột mì Bình An: Tôi xin nói thẳng, ngay bây giờ, chúng ta thực hiện việc cấm nhập lúa mì có cỏ Cirsium arvense, các doanh nghiệp sẽ không thể tìm được nguồn nguyên liệu ít nhất là trong vài năm tới.

Tôi cũng chia sẻ thêm, công ty chúng tôi nhập lúa mì từ Liên bang Nga, nhập về và thử lọc, bóc tách thì cho kết quả khá tốt.

4h25

"Nếu cấm đột ngột, chúng tôi sẽ đống cửa nhà máy mất"

Ông Phạm Bình Nguyên - Phó Giám đốc Công ty bột mì Vinafood 1: Lúa mì chia làm 3 loại: Tốt, Trung bình và dưới trung bình. Những nước có chất lượng lúa tốt, trung bình là Úc, Mỹ, Canada, dưới trung bình của Nga, Nam Mỹ. Nếu phối trộn giữa chất lượng tốt, trung bình và dưới trung bình tạo ra các loại bột khác nhau.

Nếu nói về lúa lẫn cỏ, hầu như các loại lúa của Mỹ, Canada, Úc đều lẫn cả. Nếu cấm không được nhập nữa, lúa chất lượng tốt không có, doanh nghiệp chúng tôi biết phải làm sao.

Đó là chưa kể, giá lúa của Úc sẽ lên rất cao bây giờ mà cấm tiệt thì chúng tôi đóng cửa.

4h28

Ông Phạm Bình Nguyên: Hệ lụy dễ dàng trông thấy là chúng ta không thể sản xuất các loại bột như nhu cầu của thị trường. Việc hạn chế nguồn cung dẫn đến sản xuất ra các loại bột thấp cấp, các loại bột khác sẽ bị hạn chế, giá nguyên liệu cao, ta chặn đường xuất khẩu của chính ta.

Giá nguyên liệu tăng lên, xuất khẩu không đáp ứng đủ các loại bột mì thì ngay đến bột mì cũng sẽ phải nhập khẩu. Nhu cầu trong nước có, nhà máy có nhưng ta lại phải nhập khẩu, rất đau.

Sao Cục Bảo vệ thực vật không đưa ra con số thống kê tác hại cụ thể nếu có của cỏ Cirsium arvense với nông nghiệp các nước như nước Nga chẳng hạn?

4h30

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng: Cục Bảo vệ thực vật có thể cho biết, đã có nơi nào tại nước ta, cỏ Cirsium arvense mọc thành cây chưa?

Ông Lê Sơn Hà trả lời: Chúng tôi làm thí nghiệm và thấy loại cây này mọc rất dễ và chúng tôi làm công tác kiểm dịch để không có loại cây này mọc, chứ nếu mọc thì kiểm dịch không còn tác dụng.

Nếu để một hạt nảy mầm thì sau một năm có thể lan rộng hàng mấy ha. Thế nên, chúng tôi cử cán bộ đến từng điểm bốc dỡ hàng để kiểm soát, giám sát các lô hàng có chứa loại cỏ này, cố gắng giám sát để không cho nó phát tán ra ngoài. Đó cũng chính là lý do chúng tôi đề xuất tái xuất những lô hàng có cỏ này vì chúng tôi không đủ nhân lực giám sát mãi được.

4h32

"Rất hiểu khó khăn của doanh nghiệp"

Ông Lê Sơn Hà:Giải pháp mà ông Phan Thanh Hiếu - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bột mì Bình An chia sẻ rất hiệu quả nhưng tôi thấy cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Vì sao? Trước khi đưa vào nhà máy xử lý, nghiền bột, đốt tạp chất, chúng ta còn phải vận chuyển từ cảng biển. Lỡ may có ngọn gió nào đó thổi hạt hay hạt bám vào người bốc vác, vận chuyển ra ngoài thì sao.

4h35

Ông Lê Sơn Hà:Tôi biết việc kiểm dịch, loại bỏ, ngăn chặn loại cỏ này sẽ tạo ra những ảnh hưởng tới việc làm của người lao động và doanh nghiệp. Tuy vậy, chúng ta đành phải hi sinh để ngăn ngừa những nguy cơ khác. Chúng tôi đã họp với đại diện các nước, liên tục gửi văn bản để họ hiểu rõ nguyên tắc và xuất khẩu hàng hóa đúng quy định. Chúng tôi rất hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, rất mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp tuy vậy nhiệm vụ của chúng tôi là vậy.

4h48

"Không dễ tìm nguồn thay thế trong ngày một ngày hai"

Ông Lim Pang Boon – Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất bột mỳ VIMAFLOUR: Trước đây, lúa mỳ của Canada và lúa mỳ từ Mỹ đã nhập khẩu nhiều năm vào Việt Nam sao ta không phát hiện được? Thái Lan, Indonesia họ không cấm cây cỏ này sao ta lại cấm.

Việc không quản được là cấm khiến doanh nghiệp chúng tôi rất sốc. Nếu cấm và không thể tìm được nguồn thay thế, chúng tôi sẽ đóng cửa hết nhà máy. Hệ lụy rất lớn.

4h50

Ông Phan Thông Cường: Cỏ dại có trong ngô hay trong một số nông sản khác không? Chúng ta biết lúa, ngô nhiều thứ khác đều trồng trên đồng và thu hoạch cả cánh đồng. Cục bảo cấm lúa mì nhưng nếu ngô có cỏ lại cấm ngô tiếp vậy câu chuyện phải xử lý ra sao?

Ông Lê Sơn Hà:Ngô chưa phát hiện, đậu Hà Lan, chúng tôi đã phát hiện, đậu tương cũng đã phát hiện. Úc quy định những hạt ngô ngọt xuất khẩu sang Mỹ phải làm sạch cỏ này Riêng bã đậu nành không nhiễm, hạt cỏ đã bị triệt tiêu hết.

Chỉ có một số thị trường nhập khẩu lúa mì tăng mạnh cả về khối lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2017 là Mỹ và Nga. Trong 8 tháng đầu năm 2018, thị trường Nga về lượng tăng hơn 35 lần và về trị giá tăng hơn 41 lần. Tương tự, Mỹ tăng lần lượt hơn 15 lần và 14 lần.

4h55

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng: Tôi rất thương doanh nghiệp, hiểu cho cả yêu cầu của Cục Bảo vệ thực vật. Nhưng tôi thiết nghĩ, những lo ngại của đại diện Cục Bảo vệ thực vật chưa diễn ra, chưa thấy cỏ này mọc ở nước ta. Vì vậy, Cục Bảo vệ thực vật làm sao có lộ trình, giãn quy định để cho doanh nghiệp tìm được đối tác, bạn hàng, thị trường cung cấp lúa mì khác.

Bà Lê Vũ Quỳnh Trang - Giám đốc Công ty Cổ phần Lúa Vàng: Tôi đã lắng nghe ý kiến của các anh, các bác trong cuộc tọa đàm và xin phép có một số ý kiến bổ sung như sau: Thứ nhất, phải khẳng định là hạt lúa mì không thể trồng được trong điều kiện khí hậu Việt Nam nên chúng ta buộc phải nhập khẩu lúa mì.

Xét tính kinh tế, chúng ta nhập khẩu hạt lúa mì để xay xát tại chỗ sẽ kinh tế hơn. Thực tế, các nhà máy xay xát cũng phải áp dụng các biện pháp, chứng chỉ để đảm bảo chất lượng bột mì thành phẩm nhằm có thể xuất lại vào thị trường châu Âu.

5h00

"Nông dân nuôi tôm sẽ ảnh hưởng"

Bà Lê Vũ Quỳnh Trang: Ngoài ra, tôi muốn bổ sung thêm, bột mì còn là thức ăn dành cho thủy sản. Chẳng hạn như thức ăn để nuôi cá, tôm. Mà hiện tại chúng ta đang tập trung sản xuất mạnh mặt hàng này để xuất khẩu, đây là nguồn thu đảm bảo đời sống của người nông dân Việt Nam.

Như vậy, với những quy định siết chặt nguồn nguyên liệu lúa mì nhập khẩu như hiện nay, theo tôi sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thức ăn cho thủy sản ngay trong quý I và quý II khi mùa vụ thả nuôi tôm sắp tới.

Về mặt chuyên môn, nguồn lúa mì cao cấp là loại đạm cao, thường có nguồn gốc từ Canada, Mỹ... Lúa mì chất lượng trung bình là có mức độ đạm trung bình từ Úc, Nga và lúa mì cấp thấp là có đạm thấp từ Brazil, Argentina.

5h05

Ông Lê Sơn Hà: Câu hỏi vì sao năm 2017, chúng tôi không phát hiện loại cỏ này mà năm nay lại phát hiện nhiều thế thì theo tôi đó là vấn đề phát sinh sinh trưởng thông thường của sinh vật Kiểu như ruộng này sạch cỏ, ruộng kia nhiều sâu bệnh, hay năm nay rầy năm sau lại không có. Ngoài ra, lượng nhập khẩu tăng cũng khiến xác suất lúa mì có chứa loại cỏ này tăng lên.

Còn chuyện Thái Lan, Indonesia không cấm mà chúng tôi tính cấm thì đó là việc của họ, chúng tôi không có ý kiến.

5h10

Ông Lê Sơn Hà: Với lo lắng của bà Lê Vũ Quỳnh Trang, tôi nghĩ việc cấm loại cỏ này hoàn toàn không ảnh hưởng tới thức ăn chăn nuôi. Dù có cấm lúa mì cũng không ảnh hưởng gì bởi hiện giờ, người ta dùng bột bã ngô, đậu tương, bột sắn, gạo... để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Chúng tôi cũng đã đàm phán với các nước rất kỹ và chia sẻ nhiều về vấn đề này. Chúng tôi cũng đang cố gắng để giảm thiểu thiệt hại ở mức cao nhất có thể.

Ông Nguyễn Văn Hoài - Phó Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phát biểu kết thúc tọa đàm:

Buổi tọa đàm của chúng ta đã diễn ra hơn 2 giờ đồng hồ với sự trao đổi cởi mở, tích cực. Ban tổ chức đã nhận được hàng chục câu hỏi từ các đơn vị tham dự. Buổi tọa đàm này cũng đã được trực tuyến trên trang nhất Báo điện tử Dân Việt. Điều này chứng tỏ đây là một vấn đề thời sự rất được quan tâm.

Vừa rồi, đại diện phía Cục Bảo vệ thực vật có khẳng định phải cấm nhập lúa mì chứa cỏ Cirsium arvense, tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng, cấm thì đơn giản nhưng phải làm sao để giảm thiểu thiệt hại của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, của người dân lao động mới là vấn đề cốt lõi cần xử trí.

Là đơn vị tổ chức buổi tọa đàm, chúng tôi đề nghị Cục nếu có thể nên có hội nghị chính thức tổ chức quy mô để lắng nghe thêm ý kiến đông đủ của cộng đồng chuyên gia, doanh nghiệp nhằm tìm ra giải pháp khả dĩ nhất.

Qua cuộc tọa đàm này, chúng tôi cũng rất chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp đang đối mặt và hi vọng các doanh nghiệp sẽ sớm tìm ra giải pháp để khắc phục khó khăn, đạt được những thành tựu mới trong kinh doanh.

Nhóm phóng viên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/chuyen-gia-nha-quan-ly-dn-tim-cach-go-kho-cho-nhap-khau-lua-mi-918794.html