Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Thái Lan, Hàn Quốc... đều áp dụng mô hình Ủy ban quản lý vốn nhà nước

Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trên thế giới, nhiều quốc gia có nền kinh tế tương đồng Việt Nam cũng sử dụng mô hình ủy ban hoặc cơ quan quản lý tài của quốc gia dưới nhiều tên gọi khác nhau và sử dụng mô hình này hết sức đắc lực.

Việc thành lập Ủy ban - một tổ chức quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với quy mô lớn là sự việc chưa có tiền lệ ở Việt Nam, do đó, một số chuyên gia cho rằng, thời gian tới sẽ phải “đương đầu” với nhiều khó khăn để hoàn thiện bộ máy, tuyển chọn công chức, xây dựng cơ chế hoạt động cho đến cơ sở vật chất- kỹ thuật…

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ chịu sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Nguồn: Internet)

Để Ủy ban vận hành hiệu quả, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban đã đề ra 6 nhóm giải pháp cần triển khai trong năm 2018 và nhấn mạnh: “Phải đổi mới, cải tiến trong cách thức tiếp nhận và triển khai. Để làm tốt vai trò quản trị và sử dụng hiệu quả, bảo toàn, phát triển và tối đa hóa giá trị vốn nhà nước, Ủy ban cần phải có đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ chuyên môn và bộ máy tổ chức hiệu quả với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ban, ngành liên quan”.

Trên thực tế, dù biết là phía trước sẽ còn không ít khó khăn khi thực hiện 6 nhóm giải pháp trên nhưng nhiều chuyên gia tài chính đều nhận định việc thành lập Ủy ban là bước đi đúng bởi khối lượng tài sản của Nhà nước đang bị phân tán, quá nhiều đầu mối quản lý khi xảy ra sai phạm không ai chịu nhận trách nhiệm giải trình trước Chính phủ, Quốc hội.

“Việc thành lập Ủy ban còn nhiều thứ phải bàn tiếp nhưng quản lý như hiện tại chắc chắn thất bại", TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương nêu quan điểm.

Theo các chuyên gia, hiện trên thế giới cũng có nhiều quốc gia có nền kinh tế tương đồng đang áp dụng mô hình Ủy ban như ở Việt Nam và họ đã thành công.

TS. Lưu Bích Hồ, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển khẳng định các nước trên thế giới quản lý theo mô hình như vậy, ngay cả Trung Quốc cũng áp dụng. Ủy ban có thể thất bại hay thành công nhưng điều cần làm là phải có cơ chế minh bạch, có sự giám sát của Quốc hội và người dân, chiêu mộ được người giỏi.

Chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho hay, trên thế giới, nhiều quốc gia có nền kinh tế tương đồng Việt Nam cũng sử dụng mô hình ủy ban hoặc cơ quan quản lý tài của quốc gia dưới nhiều tên gọi khác nhau. Một trong những lý do dẫn đến thành công trong sử dụng mô hình này là những quy định được đặt ra hết sức chặt chẽ.

“Đặc biệt, đội ngũ nhân sự được lựa chọn cho các cơ quan này đều chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, không phải tất cả các quốc gia áp dụng mô hình ủy ban, cơ quan quản lý vốn nhà nước đều thành công nhưng nhiều quốc gia cũng đang áp dụng. Chẳng hạn như Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan...đều có các ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhưng kèm theo đó là các quy định chặt chẽ. Các Ủy ban đó có thể trực thuộc Chính phủ nhưng cũng có thể báo cáo trực tiếp lên Quốc hội. Và theo tôi thấy, những cơ quan báo cáo trực tiếp lên Quốc hội thường có sự giám sát rất chặt chẽ, mang tính độc lập”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng dẫn chứng, hiện Trung Quốc cũng đang sử dụng mô hình này bởi họ sở hữu nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước, gồm cả những ngân hàng lớn như ngân hàng xây dựng, ngân hàng chính sách...

Dù vậy, một số nước châu Âu, châu Mỹ thì lại không áp dụng mô hình này, trong đó có Hoa Kỳ.

“Hoa Kỳ không sử dụng mô hình Ủy ban hay cơ quan quản lý tài sản quốc gia, nguồn vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, thay vào đó là Bộ Tài chính và Bộ Ngân khố thuộc liên bang sẽ chịu trách nhiệm quản lý. Lý do là vì Chính phủ Hoa Kỳ không sở hữu nhiều doanh nghiệp như Chính phủ Việt Nam. Tại quốc gia này, chỉ một số doanh nghiệp có vốn nhà nước như ngành bưu điện, những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh... Chính phủ Hoa kỳ cũng không sở hữu các doanh nghiệp ở các lĩnh vực như điện, năng lượng, dầu hỏa... bởi đây là các lĩnh vực tư nhân có thể đảm nhiệm”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thông tin.

Chia sẻ quan điểm về việc thành lập mô hình này, ông Nguyễn Tú Anh - Trưởng ban Chính sách Kinh tế Vĩ mô (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương-CIEM) cho biết, khi Ủy ban được thành lập, sẽ tách hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi Bộ chủ quan và chuyển sang cơ quan chuyên trách. Việc tách các doanh nghiệp nhà nước ra khỏi các bộ quản lý ngành hiện nay là một bài toán không đơn giản, đòi hỏi phải có quyết tâm rất lớn.

Cũng có ý kiến lo ngại một Ủy ban được thành lập có thể làm tăng thêm cơ quan quản lý mà lại không hiệu quả do bộ chuyên ngành có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn hơn, song ông Tú Anh cho rằng mô hình này ở thế giới đã triển khai và thành công./.

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/chuyen-gia-nguyen-tri-hieu-thai-lan-han-quoc-deu-ap-dung-mo-hinh-uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-283669.html