Chuyên gia Nga tranh luận Moscow 'bán đứng' Iran

Nga sẽ chịu hậu quả như thế nào khi trên thực tế đã 'bán đứng' Iran, đẩy nước này vào móng vuốt của Mỹ.

LTS: Xin giới thiệu bài viết và phỏng vấn các chuyên gia của phóng viên Andrey Polunhin về thông tin Nga mới từ chối bán S-400 cho Iran. Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” (Nga) ngày 1/6/2019. Các ảnh trong bài là của “Svobodnaia Pressa”.

Các khẩu đội của hệ thống tên lửa phòng không (ZRS) S-400 Тriumph . Ảnh: Valerri Sharifukin /ТАSS

Các khẩu đội của hệ thống tên lửa phòng không (ZRS) S-400 Тriumph . Ảnh: Valerri Sharifukin /ТАSS

Phần tóm tắt diễn biến sự kiện của Andrey Polunhin

Nga từ chối cung cấp (bán) cho Iran hệ thống tên lửa phòng không S-400. Tờ Bloomberg khẳng định rằng quyết định nói trên (không cung cấp S-400 cho Iran) là của đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin. Lý do dẫn đến quyết định trên, vẫn theo thông tin của cơ quan thông tấn này (Bloomberg-ND)- vì Kremlin không muốn “làm trầm trọng thêm tình hình ở Trung Đông”.

Xin lưu ý rằng, trong năm 2010, Nga cũng đã từng từ chối cung cấp các hệ thống phòng không hiện đại cho Tehran. Cụ thể, vào tháng 12/2007, Iran và Nga đã ký một hợp đồng cung cấp 5 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300-PMU-1 trị giá khoảng 800 triệu đô la.

Tuy nhiên, sau đó, trong bối cảnh quan hệ giữa Matxcova và Washington có chiều hướng ấm lên cộng với (áp lực từ) những tuyên bố phản đối gay gắt của Israel, Kremlin đã ngừng thực thi hợp đồng đã ký “để chờ làm rõ hơn bối cảnh chính trị”.

Kết quả là vào năm 2010 đó, Nga xé bỏ hợp đồng đã ký một cách rất thô lỗ: áp đặt lệnh cấm chuyển giao các tổ hợp S-300, xe chiến đấu bọc thép, máy bay chiến đấu, máy bay lên thẳng và tàu chiến cho Iran.

Nhiều người cho rằng động thái trên của Matxcova khi đó chỉ liên quan đến tính cách của Tổng thống Nga lúc bấy giờ là Dmitry Medvedev. Rất nhiều người tin rằng, nếu (lúc đó Putin làm tổng thống), thì trong tình huống như vậy, ông sẽ không “chơi khó” Iran.

Và đây - sau 9 năm, ông Putin lại cũng làm y như thế, vẫn từ chối cung cấp cho người Ba Tư (Iran) những loại vũ khí tương tự. Nói cho đúng ra thì lần này chúng ta (Nga) không tự xé bỏ thỏa thuận (vì chưa ký-ND).

Nhưng lại chính vào lúc, khi mà nguy cơ chiến tranh (bị tấn công) đang treo lơ lửng trên đầu Iran. Trong một bối cảnh như vậy, quyết định không bán S-400 (cho Iran) đồng nghĩa với việc Kremlin công khai thể hiện quyết định "rửa tay gác kiếm" (trong vấn đề Iran-ND).

Trên thực tế, vào thời điểm này thì hầu như tất cả các quốc gia hàng đầu thế giới đã cùng một lúc từ chối cung cấp bất kỳ một sự hỗ trợ công khai nào cho Iran. Vào ngày 28/5, tờ “The Wall Street Journal” đưa tin Trung Quốc đã ngừng mua dầu của Iran. Bắc Kinh quyết định như vậy ngay sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran có hiệu lực.

Tờ báo này cũng nhắc lại một thông tin khác là vào giữa tháng 5/2019, chiếc tàu chở dầu cuối cùng (tính đến ngày hôm nay) của Trung Quốc đã được bơm dầu từ một đầu mối bơm dầu trên đảo Hang ở Iran. Tuy nhiên, chiếc tàu này không về Trung Quốc mà hiện vẫn đang neo tại Indonesia.

Như vậy, Trung Quốc chỉ là nước tiếp theo bổ sung vào danh sách các quốc gia đã ngừng mua dầu trực tiếp của Iran tính đến thời điểm này. Đó là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Ý, Nhật Bản và Hàn Quốc. Còn trước đó, các nước nói trên mua của Iran (tổng cộng) 1,6 triệu thùng dầu/ngày đêm .

Về mặt lý thuyết, Matxcova có thể chìa bàn tay cứu được Iran. Matxcova có thể mua dầu Ba Tư (Iran) mà không phải ngán các lệnh trừng phạt- bằng cách vận chuyển dầu qua biển Caspian (chung với Iran). Và sau đó - tái xuất ra nước ngoài dưới mác "Made in the Russia". Có thể lấy dầu nhẹ Iran pha với dầu nặng được khai thác tại vùng Volga. Làm như vậy vẫn có thể đảm bảo được chất lượng hỗn hợp dầu xuất khẩu Nga mang tên Urals.

Nhưng câu chuyện về S-400 như vừa nói tới ở trên cho thấy rằng: sẽ không có bất cứ sự trợ giúp nào cho Iran từ phía điện Kremlin. Trên thực tế, Iran đã được chuẩn bị như một miếng thịt băm viên- cho Các lực lượng Mỹ và các đồng minh của Mỹ đem ra “nướng chả”.

Xin nhắc lại thêm: tại khu vực vùng Vịnh mới đây đã xảy ra một số vụ việc có thể đẩy cả khu vực này đến bên bờ vực chiến tranh.

Đầu tháng 5, tại cảng Fujairah (Các Tiểu vương quốc A rập Thống nhất- UAE) đã xảy ra một loạt các hành động tấn công phá hoại nhằm vào 4 tàu chở dầu của Na Uy, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Saudi. Còn vào ngày 24/ 5 sau đó, đại diện của Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Các Lực lượng Vũ trang Mỹ, Phó Đô đốc Michael Gilday, đã tuyên bố: Lầu năm góc đã có trong tay thông tin tình báo khẳng định Iran có can dự vào các cuộc tấn công tàu chở dầu, nhưng sẽ không tiết lộ thông tin chi tiết (về việc này) .

Cùng ngày hôm đó (24/5), Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng ông đã quyết định gửi thêm 1.500 quân tới Trung Đông để "đối đầu với Iran một cách hiệu quả hơn". 600 binh sỹ trong số 1.500 người này sẽ chịu trách nhiệm bảo dưỡng kỹ thuật các tổ hợp của hệ thống tên lửa phòng không Patriot.

Ngoài ra, chính quyền Trump tuy chưa có sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ- nhưng vẫn quyết bán ngay một lượng lớn vũ khí cho Jordan, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất với tổng trị giá lên tới 8,1 tỷ USD – tất nhiên, cũng là để "ngăn chặn một cuộc (tấn công) xâm lược của Iran".

Và đến đây, một câu hỏi không thể không được đặt ra: tại sao trong bối cảnh căng thẳng và khẩn trương như vậy mà Kremlin lại "giao nộp" Tehran (cho Mỹ-ND)?

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/chuyen-gia-nga-tranh-luan-moscow-ban-dung-iran-3381158/