Chuyên gia Nga tố Ba Lan nói láo vụ F-16 chặn Su-27

Giới chuyên gia Nga vừa có nhận định về thông tin tiêm kích F-16 và MiG-29 của Ba Lan đã ngăn chặn thành công Su-27 và máy bay Il-22 trên Biển Baltic.

Tình huống tiêm kích Ba Lan thực hiện ngăn chặn máy bay Nga được công bố hôm 14/4 khi Su-27 Nga đang hộ tống chiếc Il-22 trên không phận quốc tế ở Biển Baltic và hướng đến Kaliningrad.

Theo hình ảnh được công bố, tại một số thời điểm, chiếc F-16 đã phải mở rộng thiết bị hạ cánh để làm chậm tốc độ để thực hiện động tác chèn ép Il-22. Rất may mắn những động tác bay của tiêm kích Ba Lan không gây nguy hiểm cho máy bay Nga.

Tình huống F-16 Ba Lan áp sát máy bay Nga.

Tình huống F-16 Ba Lan áp sát máy bay Nga.

Máy bay Ba Lan trước đây luôn giữ khoảng cách nhất định với máy bay Nga khi thực hiện ngăn chặn, nhưng từ đầu năm 2020, dưới sự hỗ trợ của Mỹ và NATO, Ba Lan đã có hành động liều lĩnh hơn nhằm vào Nga ở Biển Baltic.

Như vậy đây là lần thứ 2 kể đầu năm 2020, chiến đấu cơ Ba Lan đã tiến hành ngăn chặn máy bay Nga dù chúng đang bay trong không phận quốc tế tại Biển Baltic.

Vụ việc trước đó diễn ra vào tháng 1 khi F-16 của Ba Lan được trang bị vũ khí đã chặn các tiêm kích Su-35 và Su-27 của Nga, khi 2 máy bay này hộ tống máy bay Tu-134 bay đến vùng Kaliningrad.

Nhận định về thông tin được phía Ba Lan đăng tải, chuyên gia của trang Avia cho rằng: "Chúng ta có thể nói về loại đánh chặn nào trong không phận quốc tế như Ba Lan nói? Có lẽ F-16 thực sự đã tiếp cận máy bay quân sự Nga.

Nhưng thật hợp lý khi cho rằng điều này được thực hiện với sự cho phép của Không quân Nga, bởi nếu không, chính tiêm kích Nga có thể đã áp chế tiêm kích Ba Lan trên không phận biển Baltic chứ không phải như họ nói".

Biển Baltic từ lâu đã trở thành điểm nóng trong mối quan hệ Nga - NATO. Tại đây Nga và NATO đã có nhiều cuộc "gặp gỡ" bất ngờ, gây chấn động. Tuy nhiên, tần suất "gặp gỡ" ngày càng tăng lên trong thời gian gần đây khiến giới phân tích phải đặt ra dấu hỏi lớn?

Rút cuộc Nga đang thực hiện một kế hoạch bí mật hay phương Tây và các nước Baltic đang chơi trò "miệng hồ chiến tranh" để đẩy Nga về sát biên giới?

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị quân sự tại MGIMO (Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moscow) Alexei Podberezkin cho rằng, NATO đang thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với các quốc gia Baltic, các cuộc tập trận truyền thống của các quốc gia Baltic trong những năm gần đây đã đạt được cường độ rất cao, quy mô của chúng đã tăng dữ dội.

Mục tiêu của các cuộc tập trận của NATO trong khu vực này là phát triển cơ sở hạ tầng hiện có hoặc xây dựng cơ sở mới để triển khai lực lượng vũ trang của các nước thuộc khối này trên lãnh thổ không chỉ ở Estonia, mà cả Latvia và Litva.

Theo nhận định của ông, khu vực giáp với biên giới tây bắc của Nga, trước hết là các nước vùng Baltic và Ba Lan - được NATO coi là khu vực ưu tiên nhất trong trường hợp bắt đầu xung đột quân sự với Nga.

Nhưng tờ The National Interest của Mỹ từng nhận định, nếu Nga tấn công các nước vùng Baltic đây sẽ là tình huống tồi tệ nhất đối với lực lượng quân đội NATO ở khu vực này cũng như quân đội NATO nói chung. Bởi lẽ, trên thực tế lực lượng liên minh ở khu vực này không đủ để nghĩ đến các cuộc tấn công hay đánh bại các lực lượng của Nga.

Trong suốt thời gian tồn tại NATO chưa bao giờ đủ tự tin tuyên bố họ có thể chống lại được các lực lượng quân đội Liên Xô trước đây và Nga hiện tại. Trong trường hợp xảy ra xung đột, NATO chỉ có thể đảm bảo và cố gắng ngăn chặn tạm thời sự phát triển của các lực lượng Nga mà thôi.

Clip F-16 và MiG-29 Ba Lan ngăn chặn máy bay Nga

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chuyen-gia-nga-to-ba-lan-noi-lao-vu-f-16-chan-su-27-3400480/