Chuyên gia Nga phân tích về hành trình cứu nước của Bác Hồ

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911/5-6-2021), GS, TSKH Vladimir Nikolaevich Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint-Petersburg (Liên bang Nga), đã dành cho Báo Quân đội nhân dân Điện tử cuộc phỏng vấn về hành trình tìm đường cứu nước của Người trên đất nước Xô viết trong giai đoạn 1923-1924 và 1933-1938.

Phóng viên (PV):Với tư cách là chuyên gia nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin ông cho biết ý nghĩa lịch sử của việc Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ngày 5-6-1911?

Chuyên gia Kolotov: Tôi cho rằng, đây là một trong những thời điểm mang tính bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử lâu đời của Việt Nam. Giới tinh hoa Việt Nam lúc đó cho thấy sự suy đồi và không có khả năng bảo vệ lợi ích dân tộc trong điều kiện tình hình mới. Chế độ thuộc địa thì phát triển hưng thịnh, còn giới trí thức yêu nước thì không hẳn trong tình trạng bế tắc về tư tưởng, mà đúng hơn là bế tắc về lý luận. Điều này đã kìm hãm hoàn toàn bất kỳ khả năng nào có thể xây dựng một chiến lược thực chất để tiến hành công cuộc kháng chiến có tổ chức. Lúc đó, một số người cho rằng, chế độ thuộc địa phải tự nó phát triển đất nước Việt Nam, còn số khác thì tin rằng, Nhật Bản sẽ giải phóng Việt Nam. Khi tư tưởng kháng chiến được xây dựng dựa trên những mâu thuẫn về mặt lý luận, thì không thể có hy vọng nào cho chiến thắng. Trong bối cảnh như vậy, việc ra đi tìm đường cứu nước là lối thoát đúng đắn duy nhất mang tính chiến lược. Chỉ ngạc nhiên rằng, một chàng trai trẻ trong thời điểm đó lại có thể ra một quyết định rất đỗi đúng đắn. Bởi, để hiểu được bản chất cơ bản của chế độ và xác định được phương hướng cải biến chế độ thực dân phong kiến, thì cần phải vượt ra ngoài khuôn khổ của nó. Chính người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành đã làm được điều đó, đã vượt ra ngoài khuôn khổ của chế độ, tìm ra phương pháp chính trị và khoa học hiện đại để cải biến chế độ, rồi trở về nước sau 30 năm hoạt động để lãnh đạo cách mạng giành độc lập cho Tổ quốc.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (thứ 2 bên phải) tham gia mít tinh đoàn kết quốc tế tại Liên Xô năm 1923. Ảnh tư liệu.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (thứ 2 bên phải) tham gia mít tinh đoàn kết quốc tế tại Liên Xô năm 1923. Ảnh tư liệu.

PV:Ông có đánh giá như thế nào về khoảng thời gian đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở Liên Xô lần đầu năm 1923-1924 và giai đoạn 1933-1938, đặc biệt là thời gian trước và sau khi Người làm việc tại Quốc tế Cộng sản?

Chuyên gia Kolotov: Những năm 1923-1924, Hồ Chí Minh đã sử dụng những cơ hội có được để tham gia vào Quốc tế Cộng sản có trụ sở đặt tại Moskva và tiếp thu những kiến thức tiến bộ về lý luận chính trị (chủ nghĩa Mác-Lênin) và phương pháp chính trị (cách mạng vô sản và khởi nghĩa vũ trang). Việc tiếp cận những kiến thức này đã mở ra cơ hội tiềm năng nhằm giải phóng Việt Nam sau này. Chính trong giai đoạn này, Người đã bắt đầu lôi kéo một cách có hệ thống những người xuất thân từ Việt Nam vào học tại Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông. Lúc bấy giờ, Hồ Chí Minh đã hiểu được tầm quan trọng của công tác cán bộ. Sau đó, Người được Quốc tế giao những nhiệm vụ giúp Người có cơ hội nhận biết được sự nguy hại của sự rập khuôn chính trị. Ý tôi muốn nói đến những ý đồ hợp nhất các hệ tư tưởng vốn không thể hợp nhất được. Đây là kinh nghiệm rất quý giá mà sau này được chỉnh lý và vận dụng một cách sáng tạo trong quá trình chuẩn bị Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam. Thời gian ở Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã bắt tay vào việc xuất bản báo chí cách mạng và đào tạo cán bộ trong khuôn khổ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Thời gian đó, công việc đầu tiên của Người là phổ biến trong nước hệ tư tưởng mới của Cộng sản và thành lập mạng lưới các tổ chức cách mạng bí mật. Hoạt động này đã dẫn đến việc thống nhất các tổ chức đảng đầu tiên và ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 tại Hồng Kông.

GS, TSKH Vladimir Nikolaevich Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint-Petersburg. Ảnh: Vietnam+.

Từ những việc này, chúng tôi thấy rằng, những kiến thức tiếp thu được tại Quốc tế Cộng sản đã được Người áp dụng vào thực tế, dẫn đến việc ra đời nền tảng tư tưởng của Đảng. Nền tảng tư tưởng đó được tập huấn theo nguyên tắc hoạt động bí mật và cũng có thể hoạt động trong điều kiện bí mật. Từ năm 1924, Hồ Chí Minh hoạt động ở Trung Quốc, nhưng vẫn làm việc cho Quốc tế Cộng sản, công việc này cho phép Người tích lũy kinh nghiệm thực tế từ việc vận dụng những kiến thức lý thuyết tiếp thu được trong quá trình học tập.

Thời kỳ hoạt động ở Liên Xô từ năm 1933 đến năm 1938, Hồ Chí Minh đã có vị thế hoàn toàn khác của một nhà hoạt động kinh nghiệm trong Phong trào Cộng sản quốc tế, của người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương, thoát khỏi nhà tù Anh ở Hồng Kông. Lúc đó, Hồ Chí Minh không những là nhà lý luận, mà còn là nhà thực hành đầy kinh nghiệm về chủ nghĩa Mác-Lênin. Người vừa hoạt động khoa học vừa giảng dạy, cũng như đào tạo cán bộ cách mạng cho các nước khác theo chương trình của Trường quốc tế Lênin và Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thông tin về thời gian này của Người chưa được công bố.

Như vậy, một trong những cuốn sách “Khởi nghĩa vũ trang” quan trọng nhất - đó là “kim chỉ nam” đặc biệt về lý luận và thực tiễn chuẩn bị giành chính quyền bằng vũ lực, trong đó phân tích kinh nghiệm lý thuyết và thực tiễn trong việc tổ chức các cuộc đảo chính của người cộng sản từ Thượng Hải đến Hamburg. Cuốn sách này được xuất bản năm 1930 mang bút danh là “Afred Neuberg”. Mãi đến năm 1970 mới được biết rằng, một trong những đồng tác giả của cuốn sách quan trọng này là Hồ Chí Minh. Cuốn sách được các thế hệ làm cách mạng ở nhiều nước học tập, nghiên cứu.

Bên cạnh việc phục hồi thể lực sau khi ra tù, trong thời gian ở Liên Xô từ năm 1933 đến 1938, Hồ Chí Minh đã thực hiện một công trình khoa học đồ sộ. Người thậm chí còn bảo vệ cả luận án, nhưng tình hình quốc tế lúc đó ngày càng trở nên phức tạp. Sắp nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai, và trong bối cảnh như vậy, Hồ Chí Minh cho rằng, việc trở về Việt Nam và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang còn quan trọng hơn việc bảo vệ luận án và nghiên cứu khoa học.

Tôi cho rằng, việc chuẩn bị và tổ chức thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945 hoàn toàn có thể đã được Hồ Chí Minh tính đến khi vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, cũng như bảo vệ luận án tiến sĩ trên thực tế về tổ chức khởi nghĩa vũ trang.

PV:Quãng thời gian hai lần Hồ Chí Minh ở Liên Xô có ý nghĩa quan trọng như thế nào đến sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam sau này?

Chuyên gia Kolotov: Việc tìm hiểu những thành tựu khoa học tiên tiến về lý luận và thực tiễn chính trị, cách mạng vô sản và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, thành lập tổ chức đảng chuyên nghiệp hoạt động bí mật tại Việt Nam với đội ngũ cán bộ được đào tạo và tập huấn kỹ lưỡng, cũng như việc xây dựng cương lĩnh giáo dục chính trị quần chúng đã trở thành nền tảng trong việc tiến hành Cách mạng Tháng Tám và giành độc lập ở Việt Nam năm 1945. Không phóng đại khi nói rằng, quãng thời gian Hồ Chí Minh ở Liên Xô là thời kỳ quyết định vận mệnh lịch sử của Việt Nam, một thời kỳ dù ở xa Tổ quốc, nhưng không có nó thì hoàn toàn không thể giải phóng đất nước khỏi ách thực dân.

PV: Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào tình hình thực tiễn của cách mạng Việt Nam, nhờ đó đã thực hiện thành công sự nghiệp đấu tranh giải phóng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đi lên chủ nghĩa xã hội. Theo ông, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và phát triển không ngừng, Việt Nam cần tiếp tục vận dụng như thế nào chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn giai đoạn hiện nay?

Chuyên gia Kolotov: Theo tôi, Việt Nam đã tìm thấy sự kết hợp tối ưu giữa lý luận và thực tiễn vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào đời sống thực tế. Sự đi chệch quá lớn về lý thuyết sẽ gây ra chủ nghĩa giáo điều, còn đi chệch về thực tiễn sẽ đánh mất nền tảng tư tưởng, cũng như đánh mất tính hệ thống và cơ sở khoa học trong hoạt động chính trị. Việt Nam cũng đã tìm thấy lập trường để thực hiện chính sách linh hoạt và mềm dẻo nhằm tăng cường vị thế và uy tín trên trường quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc (thứ 3 bên trái, hàng đứng) cùng các đại biểu dự Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản tại Moskva năm 1924. Nguồn: Sputnik.

Công lao quan trọng nhất của Hồ Chí Minh là việc Người đã “Việt Nam hóa” những thành tựu khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin và vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin để hình thành nên chế độ chính trị kiểu mới có khả năng tự tái tạo. Chế độ này đã giải quyết triệt để những vấn đề giải phóng dân tộc, đấu tranh vũ trang thống nhất đất nước và phát triển bền vững. Chúng tôi đang chứng kiến việc thực hiện chính chương trình này, vốn được bắt đầu triển khai hàng thập niên trước đây và hiện đang được những người kế tục Hồ Chí Minh thực hiện thành công sau nhiều năm Người từ trần.

“Việt Nam hóa” những kiến thức về chủ nghĩa Mác-Lênin là một bước đi hoàn toàn đúng đắn, bởi lý thuyết được xây dựng dựa trên những điều kiện khác, và để vận dụng thành công, lý thuyết đó phải phù hợp với điều kiện mới, điều mà Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh cả trong thời gian ở Liên Xô và cả sau này.

Trong điều kiện hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành bí quyết chính thống nhất của Việt Nam. Tư tưởng này giúp Việt Nam giành những thắng lợi vẻ vang trong quá khứ, và việc phát triển nó một cách sáng tạo cho phép thực hiện thành công công cuộc hiện đại hóa toàn diện nền kinh tế.

PV:Còn hai năm nữa, ngày 30-6-2023, sẽ tròn 100 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến thành phố Petrograd (nay là Saint Petersburg) - cái nôi của Cách mạng Tháng Mười Nga. Hiện chính quyền và người dân địa phương có những hoạt động ớng tới kỷ niệm sự kiện sắp tới, thưa ông?

Chuyên gia Kolotov: Hai năm bây giờ vẫn là thời gian còn dài. Chúng tôi hiện chưa có những hoạt động gì nhiều cho những ngày kỷ niệm, mà chỉ mới tiến hành công tác hằng năm về nghiên cứu di sản tinh thần của Hồ Chí Minh và việc áp dụng vào thực tiễn. Hiện chúng tôi vẫn đang thực hiện một công việc quan trọng nhất mà Hồ Chí Minh từng dạy “Vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” ngay chính tại Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint-Petersburg. Chúng tôi đang đào tạo những chuyên gia Việt Nam học chất lượng cao.

Tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint-Petersburg, lần đầu tiên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, đã xây dựng các chương trình học về Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người. Điều này cho phép nâng cao căn bản chất lượng đào tạo chuyên gia Việt Nam học tại trường chúng tôi.

Những sinh viên tốt nghiệp trường chúng tôi không những thành thạo tiếng Việt, mà còn am hiểu lịch sử, văn hóa, chính trị, kinh tế và tôn giáo của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Biết mình biết người”, vì vậy, khi hiểu đúng về Việt Nam, những chuyên gia Việt Nam học sẽ góp phần xứng đáng vào sự phát triển quan hệ tốt đẹp cùng có lợi giữa hai nước chúng ta.

Năm 2023, chúng tôi sẽ kỷ niệm không những 100 năm Ngày Bác Hồ lần đầu đến Petrograd, mà còn kỷ niệm 299 năm ngày thành lập Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint-Petersburg (1724-2023). Từ năm 2010 đến nay, Viện Hồ Chí Minh chúng tôi hoạt động rất hiệu quả và phát triển không ngừng.

Trong những năm tới, chúng tôi cũng dự kiến sẽ xuất bản bằng tiếng Nga những tác phẩm của Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay vẫn là việc tìm nguồn tài trợ để triển khai những dự án này.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

QUỐC KHÁNH (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-110-nam-ngay-bac-ho-ra-di-tim-duong-cuu-nuoc/hanh-trinh-lich-su/chuyen-gia-nga-phan-tich-ve-hanh-trinh-cuu-nuoc-cua-bac-ho-661248