Chuyên gia Nga: Pantsir-S1 thất bại nặng nề tại Syria buộc Tor-M2U phải nhanh chân 'cấp cứu'

Chuyên gia quân sự Nga Viktor Murakhovsky mới đây đã có một bài viết trong đó công bố thông tin chấn động về hiệu suất tác chiến tồi tệ của các tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 được triển khai tại Syria.

Kể từ khi Nga bắt đầu đưa quân tham chiến tại Syria, cùng với những tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 thì hệ thống Pantsir-S1 tầm thấp cũng có mặt tại Damascus ngay từ những ngày đầu.

Truyền thông Nga từng ca ngợi Pantsir-S1 lên đến tận mây xanh vì đã đảm nhiệm tốt vai trò cận vệ cho S-400 cũng như bảo vệ an toàn cho các căn cứ quân sự.

Pantsir-S1 được thông báo đã bắn hạ vô số mục tiêu tấn công đường không bao gồm máy bay không người lái, đạn rocket phóng loạt cũng như đạn cối nhắm vào căn cứ Nga.

Không chỉ có vậy, trong tay Quân đội Syria thì các tổ hợp Pantsir-S1 cũng phát huy tính năng tác dụng cực tốt khi tiêu diệt rất nhiều tên lửa hành trình của Mỹ hay Israel.

Tuy nhiên hiệu suất tác chiến cao đến mức bất thường của Pantsir-S1 đã dẫn tới không ít nghi ngờ, nhất là sau khi Nga phải cấp tốc tăng cường tới căn cứ Hmeimim thêm các tổ hợp Tor-M2U cũng chuyên đánh tầm thấp.

Ban đầu nhiều ý kiến cho rằng việc Nga đưa thêm Tor-M2U tới Syria chỉ nhằm mục đích thử nghiệm vũ khí hay tăng cường thêm độ vững chắc cho các căn cứ quân sự, tuy nhiên sự thật có vẻ không đơn giản như vậy.

Đại tá Viktor Murakhovsky - Chuyên gia quân sự - Tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva của Nga mới đây đã có một bài viết gây chấn động về hiệu suất tác chiến thực tế của Pantsir-S1 tại Syria khi chống lại các máy bay không người lái cảm tử của phiến quân.

Theo đó, hiệu suất tác chiến của tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 do Tula sản xuất chỉ đạt 19%, trong khi con số này ở Tor-M2U của Izhevsk lại đạt tới 80%.

Ông Murakhovsky cho rằng Pantsir-S1 triển khai ở Syria không nhìn thấy các mục tiêu bay chậm ở độ cao thấp như UAV, radar của nó thậm chí còn nhầm lẫn chim biển cỡ lớn với máy bay, gây rối loạn cho kíp điều khiển.

Trước tình hình trên, vào tháng 4/2018, Bộ Quốc phòng Nga đã phải ra quyết định điều động thêm Tor-M2U tới căn cứ Hemimim. Ngay khi triển khai, Tor-M2U đã cho thấy lỗi tai hại của Pantsir-S1 đã được khắc phục.

Hiệu quả thực chiến giữa hai tổ hợp cũng được so sánh chi tiết, trong ngày 1/7/2018, Tor-M2U bắn rơi 4 UAV ở độ cao 3 km bằng 5 đạn tên lửa, còn Pantsir bắn rơi 3 máy bay nhưng lại sử dụng tới 13 tên lửa.

Trong 1 tuần tiếp theo, Tor-M2U bắn rơi thêm 7 UAV bằng 9 tên lửa, còn Pantsir-S1 chẳng hạ được chiếc nào. Trong nửa cuối tháng 7/2018, Tor-M2U tiếp tục tiêu diệt 7 UAV với 9 tên lửa, trong tháng 8/2018 là 8 UAV với 9 tên lửa.

Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2018 tới tháng 10/2018, Tor-M2U đã bắn rơi tổng cộng 80 mục tiêu với khoảng 100 tên lửa sử dụng, cùng thời gian đó Pantsir-S1 chỉ đạt hiệu quả 19%.

Như vậy có thể thấy rằng đối với mục tiêu tương đối đơn giản nhưng hiệu quả tác chiến của Pantsir-S1 khác rất xa những gì Nga vẫn quảng cáo, điều này cũng làm liên tưởng đến những "chiến công" mà phòng không Syria báo cáo liệu có phải là sự thật.

Hiện tại Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra phản hồi chính thức về bài viết của chuyên gia Viktor Murakhovsky, tuy nhiên đây vẫn là một số liệu tham khảo rất có giá trị.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-chuyen-gia-nga-pantsirs1-that-bai-nang-ne-tai-syria-buoc-torm2u-phai-nhanh-chan-cap-cuu/788656.antd