Các chuyên gia Mỹ coi việc hiện đại hóa đường băng ở Hmeimim là "một thắng lợi địa chính trị và quân sự quan trọng của Nga trong khu vực" và nhắc lại máy bay Tu-22M3 đã được sử dụng tích cực ở Syria trong các năm 2015, 2016, 2017 để tấn công quân khủng bố.
Chúng từ Nga bay đến Syria sau khi vượt qua không phận Iran và Iraq, nhưng chỉ mang theo được một lượng bom hạn chế do phải ưu tiên tải trọng cho nhiên liệu để có thể bay trở về.
Trong một thời gian ngắn vào năm 2017, máy bay ném bom Tu-22M3 đóng tại căn cứ không quân Hamadan của Iran. Nhưng sau đó Tehran thông báo rằng Nga sẽ phải ngừng sử dụng căn cứ không quân của họ.
Và bây giờ Tu-22M3 đã xuất hiện ở Hmeimim, nhưng gần như tại đây không còn mục tiêu nào cho chúng khi các nhóm phiến quân đã tan rã, tuy vậy có vẻ Moskva đang đặt ra những nhiệm vụ khác cho chiếc oanh tạc cơ này.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, các phi hành đoàn của Tu-22M3 "sẽ có được kỹ năng thực chiến trong khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện ở các khu vực địa lý mới trong chuyến bay trên vùng trời Địa Trung Hải".
Hồi tháng 2, ấn bản The Drive của Mỹ nhận xét máy bay ném bom Nga được trang bị tên lửa hành trình, bay từ căn cứ không quân Hmeimim sẽ gây nguy hiểm cho các mục tiêu ở châu Âu từ một hướng mới đó là phía Nam.
Không chỉ có vậy, máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3 đóng tại Syria chắc chắn sẽ "phản ứng hiệu quả hơn đối với các cuộc khủng hoảng và những tình huống không lường trước được ở Trung Đông và Bắc Phi".
Như Chủ tịch Ủy ban Trung ương của công đoàn quân nhân toàn Nga, Đại tá Oleg Shvedkov cho biết, việc triển khai 3 máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 tại căn cứ không quân Hmeimim nhằm theo đuổi một số mục tiêu:
Thứ nhất, Quân đội Nga ở Trung Đông đã sử dụng gần như toàn bộ các loại vũ khí, nhờ vào việc hiện đại hóa đường băng tại sân bay Hmeimim, giờ đây có thể bố trí oanh tạc cơ mang tên lửa siêu thanh ở đó.
Thứ hai, Nga đã lên kế hoạch lắp đặt các loại tên lửa mới trên Tu-22M3, bao gồm cả loại siêu thanh. Và Địa Trung Hải - có tính đến mật độ lực lượng hải quân của các đối thủ - sẽ là một trong những khu vực triển khai quan trọng nhất.
Thứ ba, với sự trợ giúp của Tu-22M3, Quân đội Nga có thể kiểm soát không chỉ Biển Địa Trung Hải, mà còn tất cả các căn cứ của NATO đặt tại Nam Âu, cũng như Bắc Phi.
Điều cần nói nữa là ông Shvedkov từng phục vụ trên các tàu ngầm của Liên Xô và Nga, là một sĩ quan của lực lượng tàu ngầm Hạm đội Phương Bắc, ông ta đã thực hiện nhiệm vụ ở Biển Địa Trung Hải, do vậy vị chuyên gia này rất hiểu giá trị khi Tu-22M3 tới đây.
“Một trong những mối đe dọa chính đối với tàu ngầm Nga là máy bay chống ngầm P-3C Orion của Mỹ và Nimrod của Anh. Chúng tôi mong muốn có một số phi cơ đủ mạnh hiện diện ở khu vực này".
"Nếu Tu22M3 được trang bị tên lửa siêu thanh, chúng sẽ trở thành trợ thủ đắc lực cho tàu ngầm của chúng ta trong cuộc chiến chống tàu mặt nước và trên hết là chống lại các nhóm tấn công tàu sân bay của kẻ thù tiềm tàng”, chuyên gia này cho biết.
Sau khi hiện đại hóa, Tu-22M3 đã trở thành một máy bay mới, nó có thể sử dụng tên lửa Kh-32 có vận tốc Mach 5 và tầm bắn 1.000 km, được trang bị đầu đạn hạt nhân cực mạnh, đủ để xóa sổ cả nhóm tấn công tàu sân bay.
Các phương tiện truyền thông Nga cũng đưa tin rằng Tu-22M3 sẽ được trang bị tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal như loại đã được đưa vào trang bị và đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu thử nghiệm trên máy bay MiG-31K tại Quân khu phía Nam.
Những tên lửa này giống như Kh-32, có khả năng tấn công cả vật thể đứng yên và tàu nổi thuộc nhiều lớp khác nhau, trong khi lực lượng vũ trang Mỹ và các nước NATO khác chưa có đủ phương tiện để chống lại vũ khí siêu thanh.
"Nhờ có vũ khí mới, tiềm năng hiện đại hóa của Tu-22M3 là rất lớn, chiếc máy bay ném bom này cùng với Tu-160 và Tu-95 sẽ đảm bảo ưu thế của hàng không tầm xa chiến lược Nga", chuyên gia Shvedkov nhấn mạnh.
Bạch Dương