Chuyên gia Nga: Mỹ-Ukraine lạc điệu khi viện trợ quân sự

Theo chuyên gia chính trị học Nga Semyon Uralov, Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine nhưng mục tiêu của hai bên không trùng nhau.

Theo Kyiv Post, tàu Ocean Glory của Mỹ được thiết kế để vận chuyển hàng hóa và thiết bị quân sự đã vào cảng Odessa vào tối thứ Tư. Chiếc tàu chở khoảng 350 tấn quân trang, cụ thể là 35 xe bọc thép HMMWV.

Chuyến tàu đến Ukraine sau khi Lầu Năm Góc cam kết sẽ cung cấp 150 triệu USD thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) - đảm bảo nước này đạt được tiến bộ lớn trong cải cách quốc phòng.

Tên lửa Javelin trong quân đội Ukraine.

Tên lửa Javelin trong quân đội Ukraine.

Dự thảo ngân sách quốc phòng Mỹ được cả hai viện Quốc hội nhất trí thông qua khoản hỗ trợ 250 triệu USD sẽ được phân bổ vào năm tài chính 2021 để thúc đẩy cải cách quốc phòng của Ukraine.

Nhận định về việc Mỹ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, chuyên gia Semyon Uralov cho rằng, Washington và Kiev đang chơi một "trò chơi" xung quanh viện trợ quân sự, trong đó mục tiêu của hai bên không trùng khớp với nhau.

Mỹ cung cấp thiết bị quân sự để thúc đẩy giới lãnh đạo Ukraine tiếp tục đối đầu với Nga. Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên gia Uralov, Kiev đang chạy theo các mục tiêu khác trong trò chơi này.

"Giới tinh hoa cầm quyền Ukraine có một số mục tiêu trong tình huống này. Thứ nhất, 'bán ảo tưởng' về nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp với Nga, đồng thời tránh cuộc xung đột trực tiếp, vì họ hiểu rõ xung đột này sẽ kết thúc như thế nào. Mục tiêu thứ hai, lợi dụng những lời cảnh báo về nguy cơ chiến tranh với Nga để nhận những gói vay mới cho quân đội.

Và mục tiêu thứ ba là xây dựng một công cụ quyền lực chống lại chính công dân của họ, cả ở các vùng lãnh thổ không do Kiev kiểm soát và trên toàn lãnh thổ Ukraine nói chung. Vì vậy, tôi coi tất cả những điều này là các yếu tố trong trò chơi lâu dài", chuyên gia Semyon Uralov nói.

Hồi đầu tháng 2/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố chính quyền Joe Biden sẵn sàng viện trợ quân sự cho Kiev, bao gồm cả vũ khí sát thương.

Nga nhiều lần nhấn mạnh rằng, việc cung cấp vũ khí cho Kiev sẽ làm leo thang xung đột ở Donbass. Nhiều chính trị gia châu Âu cũng lên tiếng phản đối cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Trong đó, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là các biện pháp phản tác dụng và cực kỳ rủi ro không giúp thoát khỏi khủng hoảng.

Mặc dù mục đích của Mỹ và Ukraine có phần khác nhau nhưng Kiev vẫn rất hy vọng vào những gì được Washington cung cấp. Tuy nhiên hi vọng càng lớn, Ukraine lại đối diện với thất vọng càng nhiều. Nhìn vào những gì họ nhận được, đó là các xe quần áo, radar đã cũ, xuồng cao tốc cao su, trang thiết bị tối thiểu cho quân đội.

Vũ khí mạnh nhất Ukraine đã nhận từ Mỹ được ghi nhận đến lúc này là tên lửa chống tăng Javelin. Nhưng theo khẳng định của Kiev, đây là hợp đồng mua bán chứ không phải chuyện Mỹ cho không. Tất cả vũ khí và trang thiết bị này dù rất cần với Kiev nhưng nó không đủ giúp nước này mạnh hơn trong cuộc đối đầu với Nga có thể xảy ra.

Để có thể giành lợi thế trong cuộc nội chiến mà họ phát động tại miền Đông vày với đối thủ mạnh hơn, Kiev sẽ cần tới xe tăng, máy bay, vũ khí hạng nặng... cụ thể là những thứ có thể giết được người, và giết người hàng loạt.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky vừa ký ban hành "Luật Ngân sách Quốc gia" và theo đó, trong năm tới, nền kinh tế nước này sẽ suy thoái 4,3%, và lạm phát ở mức 13%. Thu nhập ngân sách ở mức 475,240 tỷ Hryvna, dự chi 527,194 tỷ Hryvna, thâm hụt ngân sách ở mức 63,67 tỷ.

Trước đó, cựu Tổng thống Poroshenko cũng tuyên bố sẽ sử dụng 5% ngân sách cho chi tiêu quân sự và an ninh. Điều này đồng nghĩa với việc dù Ukraine có thâm hụt ngân sách bao nhiêu, lạm phát bao nhiêu, thì họ vẫn quyết tâm theo đuổi cuộc chiến với người miền Đông đến cùng.

Nó được thể hiện qua tuyên bố của ông Zelensky trước Quốc hội nước này hồi giữa tháng 12 rằng "dù đói cũng phải mua súng". Tuy nhiên, Ukraine đang gánh khoản nợ 73 tỷ USD, và những khoản nợ này đang đẩy quốc gia Đông Âu bên bờ vực phá sản bất kỳ lúc nào.

Để thoát cảnh phá sản, Ukraine đã đồng ý bán hàng nghìn doanh nghiệp quốc doanh cho các tổ chức tiền tệ, tài chính của Mỹ. Điều này cho thấy, để theo đuổi được cuộc chiến với người miền Đông, hay nói cách khác là không thể cho Nga có được vùng đệm Donbass rộng lớn, Ukraine buộc phải phụ thuộc vào sự tài trợ chiến phí và vũ khí từ những nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ.

Đó là lý do vì sao khi nhận được những chuyến hàng viện trợ đầu tiên, Ukraine đã như mở cờ trong bụng. Bởi họ nhìn thấy rõ hơn bao giờ hết những lời hứa của Mỹ có khả năng trở thành hiện thực và đây cũng là mục tiêu khá khác nhau giữa Mỹ và Ukraine khi thực hiện những gói viện trợ kiểu này.

Thanh Hà

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chuyen-gia-nga-my-ukraine-lac-dieu-khi-vien-tro-quan-su-3429738/