Chuyên gia Nga: Mỹ đã quen được tất cả sùng bái!

Chuyên gia Nga chỉ ra những dấu hiệu đáng báo động đối với Mỹ, quốc gia bị đánh giá là đã quen được tất cả sùng bái.

Bắt bài “đòn gió” của Mỹ?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper mới đây công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm mở rộng lực lượng Hải quân Mỹ với một loạt tàu chiến, tàu ngầm và máy bay không người lái nhằm đối phó với thách thức hàng hải ngày càng lớn từ Trung Quốc.

Ông Esper cho biết cuộc rà soát toàn diện về sức mạnh hải quân Mỹ đã đưa ra một kế hoạch, theo đó Lầu Năm Góc sẽ mở rộng hạm đội của Mỹ lên hơn 355 tàu từ 293 chiếc hiện nay. Kế hoạch này, đòi hỏi phải bổ sung hàng chục tỷ USD vào ngân sách của Hải quân Mỹ từ nay đến năm 2045, nhằm mục tiêu duy trì ưu thế so với các lực lượng hải quân Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper

Phát biểu tại tổ chức nghiên cứu Rand ở bang California, ông Esper khẳng định: “Hạm đội tương lai sẽ cân bằng hơn về khả năng tạo ra những tác động chết người từ không trung, trên mặt biển và dưới mặt biển”. Kế hoạch này nhằm mục đích tạo ra một đội tàu có nhiều khả năng sống sót hơn trong một cuộc xung đột cường độ cao, để thể hiện sức mạnh và sự hiện diện của Mỹ, đồng thời thực hiện những cuộc tấn công chính xác ở khoảng cách rất xa.

Theo Bộ trưởng Esper, những nỗ lực trên là bước tiếp theo trong chiến lược hiện thực hóa hạm đội tương lai của Mỹ và sẽ là một sự thay đổi lớn đối với phương thức tiến hành chiến tranh hải quân trong tương lai.

Bình luận về những phát biểu trên, hãng Sputnik của Nga dẫn lời các chuyên gia cho rằng động thái này là nỗ lực gây áp lực đối với Trung Quốc, đồng thời là đòn tuyên truyền nhằm vào cử tri Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Hải quân Mỹ

Mỹ sẽ tăng cường tiềm năng hải quân của mình với các tàu nổi không người lái và tàu tự hành, tàu ngầm, máy bay trên boong và các công nghệ hiện đại khác. Chuyên gia Alexei Mukhin - Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin Chính trị, một trong những tổ chức tư vấn hàng đầu của Nga - đã gọi tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là sự khoa trương tuyên truyền nhằm gây ấn tượng với Trung Quốc.

Chuyên gia Nga nói: “Mục tiêu chiến lược của Mỹ là kiềm chế các quốc gia khác để tiếp tục tỏ ra hùng mạnh. Hiện giờ, Mỹ đang khua vũ khí hòng tạo ra ảo tưởng sức mạnh. Họ cho rằng sự khoa trương này sẽ gây ấn tượng với các đối thủ, trước hết là Trung Quốc".

Theo ông Mukhin, Tổng thống Trump cần thể hiện sức mạnh quân sự ngay bây giờ bởi vì chính sách đối với Bắc Kinh mà ông theo đuổi trước đây đã không mang lại kết quả như mong muốn, nhưng điều đó đã khiến tình hình xung quanh thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung trở nên phức tạp. Giờ đây, cuộc biểu dương sức mạnh quân sự sẽ bắt đầu.

Tuy nhiên, ông Mukhin dự đoán rằng những động thái như vậy sẽ có tác dụng ngược lại, bởi đơn giản là Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng quân sự trong khu vực để đáp trả Mỹ.

Trung Quốc đang đầu tư lớn cho lực lượng hải quân

Bên cạnh đó, ông Mukhin nhận định tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cũng hướng tới các đồng minh của Mỹ. Ông nói: “Các đồng minh đang nhìn Mỹ và hoài nghi về việc Washington sẽ bảo vệ họ. Công việc của ông Esper là gây ấn tượng với các đồng minh. Chẳng hạn, trong giai đoạn này, Đức và Nhật Bản đang rất nghiêm túc làm mọi việc vì chủ quyền và vị thế của họ trên thế giới. Và đây là những dấu hiệu đáng báo động đối với Mỹ, quốc gia đã quen được tất cả sùng bái".

Dẫn chứng được ông Mukhi đưa ra là ngay cả Australia cũng nghi ngờ việc họ hoàn toàn có thể dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh. Ông coi việc Australia tăng ngân sách quân sự là tín hiệu cho thấy sự hiện diện của các căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ Australia sẽ không còn phù hợp.

Người Mỹ nói nhiều, làm...nhiều

Giữa lúc quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng, không quân Trung Quốc đã công bố một video cho thấy các máy bay ném bom H-6 có khả năng mang vũ khí hạt nhân đang thực hiện một cuộc tấn công mô phỏng vào nơi dường như là Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Đoạn video được công bố hôm 19/9 trên tài khoản Weibo của Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Đoạn video ghi lại ngày tập trận thứ hai của Bắc Kinh ở gần Đài Loan nhằm thể hiện sự tức giận trước chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach tới Đài Loan từ ngày 17-19/9.

Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc

Đoạn video dài 2 phút 15 giây của không quân Trung Quốc cho thấy các máy bay ném bom H-6 cất cánh từ một căn cứ trên sa mạc. Video này được gọi là "Thánh chiến H-6K tiến hành tấn công!". Hình ảnh video cũng cho thấy phi công đã nhấn nút và phóng một tên lửa nhằm vào đường băng ven biển chưa xác định.

Guam là nơi có các cơ sở quân sự lớn của Mỹ, trong đó có căn cứ không quân Andersan, nơi sẽ đóng vai trò chủ chốt để đối phó với bất kỳ cuộc xung đột nào trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cả Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đều chưa phản hồi với yêu cầu bình luận về đoạn video nói trên.

Về phần mình, Mỹ không chỉ thể hiện thái độ trên không gian ảo như Trung Quốc mà đang có hành động trên thực địa. Ngoài việc điều động các nhóm tàu sân bay tới khu vực, Mỹ còn có động thái đáng chú ý là đưa “thợ săn tàu chiến” E-8 Joint STARS (JSTARS) đến giám sát hải quân Trung Quốc.

Từ trái qua phải: các máy bay ném bom B-52, B-1, B-2 của Mỹ trên đảo Guam

Theo tờ Thời báo Á-Âu, chiếc E-8 JSTARS đã bị phát hiện khi quần thảo trên khu phía Nam đảo Đài Loan ở Tây Thái Bình Dương. Nó cũng đã bị phát hiện ở cách bờ biển Trung Quốc khoảng 100 dặm (160 km), khoảng cách đủ gần để do thám và giám sát các tàu chiến của hải quân Trung Quốc trong khu vực Biển Đông.

E-8 JSTARS được phát triển trên cơ sở Boeing 707 gồm 4 động cơ, được trang bị radar AN/APY với khẩu độ lớn có chức năng “nhận dạng mục tiêu di chuyển dưới mặt đất” (GMTI), qua đó có thể phát hiện các phương tiện đang chuyển động và cho phép người điều khiển thấy được những nơi mà phương tiện đang xuất hiện cũng như đích đến. Loại máy bay do Northrop Grumman sản xuất này có nhiệm vụ chuyên biệt là truy vết xe tăng.

Chức năng GMTI không chỉ giúp máy bay quét các mục tiêu trên bộ mà còn cả trên biển, với phạm vi quét lên tới 200 dặm vuông (520 km2) mỗi lần, và đã từng được triển khai trước đó ở khu vực Caribe để phát hiện các tàu buôn lậu ma túy. Theo giới phân tích, Lầu Năm Góc muốn tận dụng loại máy bay này để dò quét, phát hiện và thu thập thông tin chi tiết về các tàu chiến của Trung Quốc ở trên biển.

Không quân Mỹ hiện sở hữu khoảng 17 chiếc JSTARS, vốn từng nổi tiếng khi được sử dụng trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 bằng cách hỗ trợ các lực lượng liên minh để truy vết và tiêu diệt các xe tăng của Iraq trên sa mạc.

E-8 JSTARS giúp Mỹ nắm chắc các hoạt động của hải quân Trung Quốc

Mặc dù từng được sử dụng để dò tìm các phương tiện bọc thép trên sa mạc, song E-8 JSTARS hiện được Mỹ tăng cường sử dụng để dò tìm các tàu chiến trong khu vực. Hiện có một số lượng khá lớn các máy bay JSTARS đang hoạt động từ căn cứ khổng lồ của không quân Mỹ tại Okinawa, Nhật Bản.

Có thông tin cho rằng kể từ khi Trung Quốc quyết định phóng 2 tên lửa như một cách để đưa ra cảnh báo tới các lực lượng của Mỹ trong khu vực, Mỹ đã tăng cường triển khai quân sự cùng với các máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của Đài Loan đến các hòn đảo xa xôi ở khu vực.

Mỹ đã triển khai máy bay E-8 cùng máy bay tuần tra P-8 mới, trong đó E-8 làm nhiệm vụ dò quét các vùng biển, còn P-8 thì bay thấp hơn để dò xét các mục tiêu có thể quan sát bằng mắt.

Thái Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/chuyen-gia-nga-my-da-quen-duoc-tat-ca-sung-bai-3419347/