Chuyên gia Nga giải thích vì sao 'lá chắn thép S-300' của Ukraine không đáng sợ

Thông tin quân đội Ukraine điều động hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300V1 tới sát Donbass đã thu hút sự quan tâm lớn từ báo chí Nga.

Truyền thông Ukraine mới đây cho biết, quân đội nước này đang gấp rút điều động cùng lúc 5 tổ hợp S-300 gần giới tuyến ngừng bắn phía Đông Nam, chính quyền Kiev tỏ ra thực sự lo ngại về sự can thiệp của không quân Nga.

Một nguồn tin từ Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine khẳng định khẩu đội S-300V1 với đầy đủ thành phần đã được triển khai gần Kramatorsk, cùng với Buk-M1 sẽ phải tạo ra một chiếc ô phòng không bất khả xâm phạm trước cuộc tấn công vào Lugansk và Donetsk.

Cần nói thêm rằng thông tin về việc tăng cường các tổ hợp phòng không tầm xa và tầm trung thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Ukraine.

Năm 2018, có báo cáo cho rằng một phần tổ hợp S-300 với nhiều sửa đổi khác nhau đã được đưa tới Mariupol. Tuy nhiên tung tích của những hệ thống nói trên vẫn chưa được biết cho đến gần đây.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-300V1 được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 100 km. Ngoài ra, đạn đánh chặn 9M83 của Ukraine có khả năng bắn trúng tên lửa đạn đạo chiến thuật bay với tốc độ 3.000 m/s.

Quân đội Ukraine rõ ràng đang có kế hoạch che đậy cơ sở hạ tầng chỉ huy và quân nhân một cách đặc biệt cẩn thận. Kiev cũng muốn bảo vệ mình khỏi tên lửa hành trình và thậm chí cả tên lửa đạn đạo.

Mặc dù thực tế là phe ly khai miền Đông thiếu máy bay chiến đấu hoặc tên lửa, nhưng tại Kiev, họ nói thẳng trên thực tế có nguy cơ xảy ra một cuộc không kích lớn từ Nga.

Trước tính hình trên, chuyên gia quân sự Alexei Leonkov đến từ tạp chí "Kho vũ khí của tổ quốc" cho biết: “Kiev thực sự sợ hãi lực lượng hàng không vũ trụ Nga. Nếu để Nga tham gia vào một trận chiến với lực lượng mặt đất thì không thể tránh khỏi những tổn thất".

"Tuy nhiên hoạt động tại Syria đã cho thấy việc sử dụng máy bay chiến đấu, bao gồm cả tên lửa hành trình hóa ra lại khá hiệu quả, trong khi thực tế lại giảm thiểu tổn thất đi nhiều”.

“Nhưng hy vọng của quân đội Ukraine đặt vào các hệ thống phòng không của họ là vô ích. Chúng sẽ không thể chống chọi lại cuộc tấn công của lực lượng hàng không vũ trụ Nga".

Theo chuyên gia Leonkov, nguyên nhân chính là do kinh nghiệm chiến đấu phong phú của các phi công Nga và sự lạc hậu của vũ khí trang bị trong biên chế quân đội Ukraine.

Ông Leonkov nói rõ: “Hầu hết tất cả các hệ thống phòng không ở Ukraine đều là di sản từ thời Liên Xô, và sau khi Liên bang tan rã, một số giai đoạn Ukraine đã hợp tác với Nga”.

"Nhưng sau năm 2014, hợp tác bị cắt và chưa rõ các hệ thống phòng không của Ukraine được bảo dưỡng ra sao. Điều này không quá tệ, nhưng vấn đề chính là thiếu vắng hoạt động huấn luyện chiến đấu, vốn giúp phát hiện, theo dõi và tiêu diệt mục tiêu".

"Theo một số báo cáo, việc huấn luyện như vậy chỉ mới bắt đầu gần đây, gần như trước khi nỗ lực tổ chức cuộc tấn công tổng lực nhằm vào Donbass".

Chuyên gia Alexei Leonkov giải thích thêm: "Trắc thủ không chỉ phải phát hiện thứ gì đó, nhấn các nút bấm mà còn phải có khả năng bắn hạ, làm việc với những khí tài phát hiện".

"Tổ hợp phòng không là một sản phẩm kỹ thuật phức tạp, nó chẳng phải khẩu súng trường tấn công Kalashnikov và cũng không phải là một cỗ máy thần kỳ sẽ tự làm mọi thứ cho bạn”.

“Bắn và quên chỉ là phương châm của các trắc thủ phòng không dày dặn kinh nghiệm, trong khi lực lượng vũ trang Ukraine không được như vậy".

"Phải thực hiện hàng loạt loạt công việc, trong đó hiệu quả cần phát huy trong quá trình huấn luyện và chiến đấu, nếu không mọi thứ đều vô ích”.

“Ví dụ cuộc chiến ở Libya, Syria hay mới đây là tại Nagorno-Karabakh, tên lửa phòng không chẳng phải là thuốc chữa được bách bệnh'', chuyên gia quân sự Leonkov tóm tắt.

Tuy vậy giới phân tích quốc tế cũng nhắc lại sự kiện năm 2008, khi tổ hợp Buk-M1 được Ukraine cung cấp cho Gruzia đã bắn hạ 5 chiến đấu cơ Nga chỉ trong 8 ngày, bao gồm cả oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3, cho nên còn quá sớm để Moskva coi thường phòng không Ukraine.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/anh-chuyen-gia-nga-giai-thich-vi-sao-la-chan-thep-s-300-cua-ukraine-khong-dang-so-post461803.antd