Chuyên gia Nga: F-22 Mỹ 'không có cửa' khi đối đầu S-300 ở Syria

Theo quan sát viên quân sự Andrei Kotz, Lầu Năm Góc sẽ cần phải suy nghĩ không chỉ 2 lần, mà thậm chí là 10 lần, trước khi 'xuất kích dàn chiến đấu cơ hiện đại nhất của mình để tấn công các hệ thống phòng không như S-300'.

Hệ thống phòng không S-300 khai hỏa. Ảnh: Sputnik

Hệ thống phòng không S-300 khai hỏa. Ảnh: Sputnik

Việc Moscow cung cấp S-300 cho Damascus khiến giới truyền thông Mỹ suy đoán Lầu Năm Góc có thể sẽ triển khai “Ác điểu” F-22 đến tiêu diệt lá chắn tên lửa lừng danh của Nga. Cùng lúc đó, Washington hứa sẽ cung cấp thêm F-35 để tăng cường năng lực chiến đấu cho Tel Aviv.

Tuy nhiên, liệu máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Mỹ có thể qua mặt hệ thống phòng không hiện đại của Nga? Theo các nhà phân tích, thì câu trả lời là không.

Tờ Sputnik dẫn lời một số nhà quan sát quân sự cho biết Mỹ rõ ràng muốn tận dụng cơ hội này để tìm hiểu thêm về S-300 bằng cách sử dụng máy bay chiến đấu F-22.

“Chiến lược sử dụng F-22 của Mỹ cơ bản là: một hoặc một vài chiếc F-22 sẽ xâm nhập vùng phủ sóng của đối phương. Tiếp đó các máy bay bắt đầu kích hoạt hệ thống triệt tiêu sóng vô tuyến điện tử, gây nhiễu hệ thống định vị của đối phương, và không kích nhằm vào radar, bệ phóng, bộ phận chỉ huy hệ thống phòng không của quân địch”, ông Sergei Sudakov – một giáo sư tại Học viện Khoa học Quân sự Nga cho biết.

“Sau bước đầu tiên, một loạt tiêm kích hoặc máy bay ném bom khác sẽ xuất hiện để tiếp tục tấn công đối phương. Tê liệt bởi các cuộc tấn công tàng hình, hệ thống phòng không của đối phương sẽ không còn cơ hội kháng cự.”

Tuy nhiên, theo ông Sudakov, kịch bản trên sẽ chỉ diễn ra trơn tru trên giấy. Bởi thực tế, ngay cả khi các radar không nhìn thấy F-22, thì bản thân các máy bay này cũng sẽ xuất đầu lộ diện ngay sau khi kích hoạt hệ thống triệt tiêu sóng vô tuyến điện tử.

Một khi phát hiện F-22, hệ thống phòng không trên mặt đất của đối phương có thể dễ dàng định vị và phóng tên lửa đuổi theo.

Để đảm bảo an toàn, phi công F-22 có thể xác định vùng hoạt động chính xác của hệ thống phòng không đối phương. Nhưng nếu “đối thủ” là S-300 – vốn là một hệ thống di động, có thể di chuyển nhanh chóng đến một vị trí mới – thì tính năng vô hình của F-22 sẽ gần như không có tác dụng.

“Việc cho rằng F-22 có thể hoàn toàn vô hình trước hệ thống radar của S-300 hoàn toàn là cường điệu”, nhà báo quân sự Mikhail Khodaryonok, người từng có 29 năm chiến đấu trong lực lượng phòng không của Liên Xô và Nga, nhận định.

Theo ông Khodaryonok, việc giới truyền thông Mỹ ra rả về khả năng loại bỏ S-300 vào thời điểm hiện tại chỉ đơn thuần là lời nói suông.

“Đó đơn thuần là một cuộc khẩu chiến. Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng cả Mỹ và Israel sẽ không tấn công S-300 trong khi các chuyên gia Nga vẫn đang làm nhiệm vụ huấn luyện lực lượng Syria. Tuy nhiên, họ có thể sẽ tìm cách tiêu diệt S-300 ngay sau khi hệ thống này được bàn giao hoàn toàn cho quân đội Syria.”

Ông Khodaryonok thừa nhận trình độ chiến đấu của lực lượng Syria chưa đủ để vận hành một hệ thống phòng không đầy uy lực trên quy mô khắp cả nước. Không loại trừ khả năng Israel và các cường quốc phương Tây sẽ tấn công và hạ gục lá chắn S-300.

Điều này đồng nghĩa với việc Nga đang mang danh tiếng của mình như một cường quốc xuất khẩu vũ khí ra để đánh cược.

Nhằm đề phòng tình huống xấu nhất, ngoài S-300, Moscow còn cung cấp cho Syria hệ thống nhận dạng bạn – thù hiện đại, đồng thời hứa sẽ hỗ trợ tối đa trong việc phát hiện bất kì máy bay nào cố tìm cách tấn công các mục tiêu trong nước.

Theo ông Sergei Sudakov, tình hình Syria từ lâu đã trở thành một “cuộc chiến ngôn từ, với những lời đe dọa khủng khiếp nhằm che giấu mong muốn thực sự của Washington là chiếm ưu thế trước Moscow trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kì”.

“Rõ ràng là chính quyền Mỹ muốn khoe khoang trước các cử tri của mình. Nhưng mọi thứ sẽ chỉ dừng lại ở lời nói”, ông Sudakov nói, bởi bất cứ tổn thất nào của quân đội Mỹ trên chiến trường Syria cũng đều sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả bầu cử.

Cuối cùng, theo quan sát viên quân sự Andrei Kotz, Lầu Năm Góc sẽ cần phải suy nghĩ không chỉ 2 lần, mà thậm chí là 10 lần, trước khi “xuất kích dàn chiến đấu cơ hiện đại nhất của mình để tấn công các hệ thống phòng không như S-300”.

“Việc cố tìm cách duy trì danh tiếng của mình như một cường quốc quân sự là một con dao hai lưỡi. Nếu để mất một chiếc F-22, thì danh tiếng của Không quân Mỹ sẽ bị tổn hại không nhỏ.”

Minh Hạnh

Theo Sputnik News

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/chuyen-gia-nga-f22-my-khong-co-cua-khi-doi-dau-s300-o-syria-1332016.tpo