Chuyên gia Nga: Dùng TCĐT tấn công tàu Mỹ là...ý tưởng tồi

Xin giới thiệu bài viết với tiêu đề trên của chuyên gia Nga Xergey Marzhetsky để có cách nhìn khác về các vụ việc có liên quan đến tàu Mỹ và Su-24.

Bài đăng trên “Bình luận quân sự” cùng một số báo Nga khác ngày 2/2/2021.

Chủ đề các tàu chiến Mỹ thường xuyên ra vào Biển Đen và phản ứng đáp trả của lực lượng Bộ đội Đường không- Vũ trụ Nga là một trong những chủ đề nóng nhất tại nước ta (Nga).

Cuộc "đối đầu" với tàu khu trục "Donald Cook" đã “đẻ ra” một loạt câu chuyện hoang đường ngấm sâu vào đầu độc giả.

Nhưng một khi những quan chức cấp cao kha khá ở Nga có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng cũng bắt đầu lên tiếng bàn luận một cách nghiêm túc về vấn đề này, chúng ta buộc phải vò đầu bứt tai.

Những người đó đã huyên thuyên những điều gì vậy?

Người đầu tiên "nổi lên" trên đấu trường này là Yuri Shvytkin, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng Duma (Hạ viện) Quốc gia. Vị nghị sĩ này đòi phải "có biện pháp đáp trả thích đáng" trước việc các tàu Hải quân Hoa Kỳ thường xuyên ra vào Biển Đen.

Bởi vì, theo ông “Phó” này, ngay bản thân việc Mỹ cho tàu của mình vào Biển Đen đã là một sự khiêu khích. (Vì) Hoa Kỳ không liên quan gì đến vùng biển này.

Buộc phải tự hỏi, không hiểu ngài có trình độ hiểu biết trong một lĩnh vực thuộc đúng thẩm quyền của mình này đến mức độ nào?

Theo Công ước Montreux về quy chế các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, thì nước Mỹ, với tư cách không phải là một cường quốc Biển Đen, vẫn có quyền đưa những tàu chiến có các thông số kỹ thuật như các thông số kỹ thuật của các tàu khu trục "Donald Cook" và "Porter" đến Biển Đen trong tối đa 21 ngày.

Nước Nga, rất tiếc, không phải là chủ sở hữu độc quyền đối với toàn bộ Biển Đen; chúng ta chia sẻ Biển Đen với nhiều quốc gia khác là đồng minh của Mỹ trong khối NATO.

Đây là một chân lý hiển nhiên và không hiểu ở đây ông đại biểu dân cử Shvytkin muốn nói đến động thái khiêu khích hoặc vi phạm nào của người Mỹ.

Chúng ta tiếp tục bàn tiếp những gì liên quan đến cái gọi là "khiêu khích". Một nhân vật khác, nếu cứ căn cứ theo chức vụ và cấp bậc quân hàm thì lẽ ra phải rất chuyên nghiệp, nhưng lại làm chúng ta ngạc nhiên cũng không kém.

Phó Đô đốc Piotr Svyatashov, cựu Tham mưu trưởng Hạm đội Biển Đen Hải quân Nga, trong một cuộc phỏng vấn mới đây với NSN có tuyên bố rằng chúng ta cần phải "không được sợ nữa", và cần phải "nhe nanh của chúng ta", phải "chấm dứt những lần ra vào Biển Đen ngang ngược (của các tàu chiến Mỹ):

Xin hỏi (phó đô đốc): chúng ta (Nga) sợ cái gì? Có những phương pháp đủ sức ngăn chặn mối đe dọa trong vùng lãnh hải chúng ta: chiến tranh vô tuyến điện tử và rất nhiều thứ khác nữa. Không cần phải sợ gì cả- sự nghiệp của chúng ta là chính nghĩa.

Đến đây thì tôi muốn bàn luận một cách chi tiết hơn về chủ đề này. "Sự nghiệp của chúng ta là chính nghĩa" ấy cụ thể là như thế nào?

Nếu một tàu khu trục Mỹ hoặc bất kỳ tàu khu trục nước ngoài nào khác đang ở trong vùng biển quốc tế theo đúng các điều khoản của Công ước Montreux, thì về mặt pháp lý, đó là quyền chính đáng của họ.

Hạm đội Biển Đen và Bộ đội Đường không - Vũ trụ Nga có quyền chặn hoặc tấn công nó chỉ trong trường hợp nó xâm nhập lãnh hải của chúng ta.

Khi đó, có thể nổ súng cảnh cáo hoặc tiến hành “xô mạn tàu”, hoặc thậm chí có thể đánh chìm nếu nó xâm phạm đường biên giới biển của chúng ta, không tuân lệnh dừng lại và có hành vi hung hãn.

Cả “Donald Cook” và “Porter” đều không hành xử như vậy, và cũng không hề có ý định làm như vậy.

Trong bối cảnh đó, cần phải quay lại chủ đề đã trở nên nhàm chán là "mô phỏng các cuộc tấn công đường không" và "các cuộc tấn công (bằng phương tiện) tác chiến điện tử" vào các tàu của Hải quân Mỹ.

Có nhiều người cho rằng vào năm 2014, một chiếc Su-24 của chúng ta đã "hạ gục" hệ thống “Aegis” của tàu khu trục "Donald Cook" Mỹ bằng tổ hợp tác chiến điện tử "Khibina", và sau đó 27 thành viên của thủy thủ đoàn tàu này đã nộp đơn xin xuất ngũ. Rất tiếc, đây là một huyền thoại hiển nhiên.

Chiếc máy bay Nga quả thực là đã bay vòng quanh con tàu này nhiều lần, nhưng tất cả những phần còn lại của câu chuyện rất có thể là do một “nhà báo” nào đó nghĩ ra, và sau đó câu chuyện được nghĩ ra này đã được phát tán rộng rãi trên các phương tiện truyền thông cả trong nước Nga và ngoài nước vì tính “hấp dẫn” của nó.

Nhưng, rất có thể, may mà trên thực tế đã không có cuộc tấn công điện tử nào. Nếu mở trang web của tập đoàn nhà nước "Rostec" chuyên sản xuất vũ khí, thì thấy rằng nói chung là họ không coi việc sử dụng hệ thống tác chiến điện tử là "hành vi hiếu chiến".

Mặc dù trên thực tế chiến trường, các phương tiện tác chiến điện tử đang trở thành một loại vũ khí hoàn chỉnh có khả năng “làm mù” và “chế áp” đối phương, nhưng tác chiến điện tử chủ yếu vẫn mang tính chất phòng thủ.

Tuy nhiên, bản thân chiến tranh điện tử cũng là một loại hình đấu tranh vũ trang, do đó, việc sử dụng các phương thức tác chiến điện tử chống lại tàu chiến nước ngoài đang hoạt động trong vùng biển quốc tế, như Phó Đô đốc Svyatashov đòi phải làm, có thể sẽ bị thủy thủ đoàn tàu “đối phương tiềm năng” coi là hành động xâm lược với tất cả những hậu quả tất yếu kèm theo.

Kết luận được rút ra sẽ không mấy dễ chịu và không làm vừa lòng các nhà “yêu nước cấp tiến”: các tàu khu trục của Hải quân Mỹ đang có mặt tại Biển Đen trên cơ sở pháp lý, và chúng ta đơn giản là không “đẩy đuổi” chúng khỏi Biển Đen.

Tuy vậy, cũng không có gì gây khó cho chúng ta trong việc “phô trương” những khả năng chiến đấu của mình bằng cách điều đến để “chào đón” các tàu “đối phương” không chỉ những chiếc Su-24 đã trở nên quá quen thuộc với họ, mà còn cả máy bay mang tên lửa tầm xa Tu-22M3, cũng như những chiếc MiG-31K mang tên lửa đạn đạo phóng từ trên không “Kinzhal” đang đóng quân ở phía Nam nước Nga ta.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/chuyen-gia-nga-dung-tcdt-tan-cong-tau-my-lay-tuong-toi-3427373/