Chuyên gia Nga đồng ý hợp tác sửa cầu Thăng Long

Tại cuộc họp hôm qua (6/9), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu lập dự án tổng thể để sửa chữa triệt để...

Chuyên gia Nga có thể hợp tác khảo sát thực tế trạng thái lớp mặt cầu Thăng Long vào cuối tháng 9 - Ảnh: Tạ Tôn

Chuyên gia Nga có thể hợp tác khảo sát thực tế trạng thái lớp mặt cầu Thăng Long vào cuối tháng 9 - Ảnh: Tạ Tôn

Đề xuất 5 phương án thí điểm

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đã liên hệ với công ty và chuyên gia Nga và được trả lời có thể hợp tác khảo sát thực tế, xem xét trạng thái lớp mặt cầu vào cuối tháng 9. Phía Nga nêu vấn đề, nếu Việt Nam ứng dụng đề xuất của Nga, Việt Nam có thể tự thực hiện hoặc nhờ công ty của Nga.

"Cần có giải pháp căn cơ để sửa chữa cầu một lần. Chúng ta đã thử nghiệm quá nhiều lần, không thể cứ “vá” mãi mặt cầu. Nên đề nghị với Thủ tướng xây dựng dự án kiểm định sửa chữa tổng thể cầu Thăng Long và hợp tác với chuyên gia Nga."

Ông Ngô Thịnh Đức
Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường VN

Cũng theo ông Huyện, ngoài các giải pháp hợp tác với Nga và tiếp tục thực hiện nghiên cứu của tư vấn JICA, tổng cục đề xuất thí điểm 5 giải pháp: Giải pháp 1: Không động đến bản thép, chỉ làm lại kết dính bằng keo epoxy kết hợp cài đá như Liên Xô (cũ) đã làm, sau đó thảm bê tông nhựa có cốt sợi thủy tinh; Giải pháp 2: Sửa lại bản trục hướng, làm lại kết dính bằng keo epoxy kết hợp cài đá như Liên Xô (cũ) đã làm sau đó thảm bê tông nhựa có cốt sợi thủy tinh; Giải pháp 3: Cho hàn lưới thép trên bản thép mặt cầu, sau đó làm lớp dính bám bằng nhựa nóng và thảm bê tông nhựa; Giải pháp 4: Hàn các neo đinh và tăng cường trên mặt bản thép trược hướng bằng một lớp bê tông tính năng cao dày 5cm có lưới cốt thép, sau đó thảm bê tông nhựa. Giải pháp 5: Sử dụng lớp dính bám bằng keo epoxy Tyfos và cấy đá dăm trên mặt lớp keo tạo nhám chống trượt.

“Trong khi chờ phía Nga nghiên cứu, đề nghị cho phép Tổng cục Đường bộ VN thí điểm 10-30m theo giải pháp 1 hoặc giải pháp 5. Nếu kết quả tốt sẽ là giải pháp dự phòng nếu giải pháp của chuyên gia Nga và các giải pháp khác không thực hiện được”, ông Huyện nói.

Đã sửa phải bền vững trên 10 năm

Với cây cầu có tuổi thọ trên 30 năm, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Hà Nội và cả nước, Bộ trưởng cho rằng: “Thời gian qua, đã có nhiều đợt sửa chữa mặt cầu nhưng so với kỳ vọng của xã hội và so với thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đảm bảo êm thuận. Chúng ta cũng mong muốn sửa chữa triệt để, mặt cầu êm thuận để phục vụ nhân dân đi lại an toàn. Nếu không có giải pháp căn cơ, hư hỏng mặt cầu Thăng Long sẽ tiếp diễn”, Bộ trưởng nêu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc tổ chức nghiên cứu dự án sửa chữa căn cơ cầu Thăng Long nói chung và mặt cầu nói riêng là yêu cầu bắt buộc đối với ngành GTVT. “Giải pháp sửa chữa lần này phải khắc phục bền vững, ít nhất là từ 10 năm trở lên. Những giải pháp đề xuất phải đảm bảo được mục tiêu này mới được xem xét, các đề xuất mang tính chất thử nghiệm sẽ không thực hiện. Các giải pháp không đáp ứng được yêu cầu trên, các đơn vị tham gia phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nói và yêu cầu phải chọn được tổ chức tư vấn có uy tín, kinh nghiệm về lĩnh vực cầu thép và phải có những dự án chứng minh được tính hiệu quả.

Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ VN phối hợp với Cục Đường sắt VN kiểm định lại tổng thể toàn bộ cầu để đánh giá những biến động của kết cấu cầu. Vụ Hợp tác Quốc tế phối hợp với Tổng cục Đường bộ VN mời các chuyên gia, doanh nghiệp đã xây cầu của Nga sang trao đổi kinh nghiệm sửa chữa. “Cần lập dự án sửa chữa cầu Thăng Long, trên cơ sở làm việc với chuyên gia, doanh nghiệp của Nga. Đồng thời xin Chính phủ cho phép lập dự án đầu tư sửa chữa cầu Thăng Long một cách tổng thể để đảm bảo mục tiêu sửa chữa xong bền vững trên 10 năm; Cùng đó, kiến nghị Chính phủ đưa vào chương trình hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực giao thông giữa Việt Nam và Liên bang Nga”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Trần Duy

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/chuyen-gia-nga-dong-y-hop-tac-sua-cau-thang-long-d270921.html