Chuyên gia: Nga đang xây 'lâu đài cát' ở Trung Đông, nỗ lực ở Syria và Libya có thể sẽ sụp đổ?

Dựa trên bài học lịch sử về việc Ai Cập dưới thời Tổng thống Anwar Sadat 'quay lưng' với Liên Xô, sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria có thể sẽ không kéo dài mãi mãi.

Ngày 1/6, tổ chức Middle East Institute (MEI) đăng tải bài viết nhan đề: "Russia’s involvement in the Middle East: Building sandcastles and ignoring the streets" (tạm dịch: Nỗ lực can thiệp của Nga ở Trung Đông: Hành động xây "lâu đài cát" mà bỏ qua thực tế) của nhà phân tích Dmitriy Frolovskiy.

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn khách quan của một tổ chức phân tích có uy tín, lý giải nguyên nhân sâu xa của quyết định can thiệp vào khu vực Trung Đông của Moscow, chúng tôi xin lược dịch bài viết.

Chính sách "trở lại Trung Đông" của Nga

Cuộc chiến giá dầu mỏ và bế tắc trong việc giải quyết tình trạng chiến tranh ở Syria những tháng đầu năm 2020 cho thấy sự "mong manh dễ vỡ" trong vai trò mà Nga đang cố gắng thể hiện ở Trung Đông.

Nỗ lực xây dựng mối quan hệ cá nhân với các nhà lãnh đạo khu vực của Moscow có thể đã có hiệu quả nhất định, nhưng về lâu dài, chiến lược này chưa thể "thể chế hóa" mối quan hệ giữa Nga và các quốc gia trong khu vực.

Việc thiếu một chiến lược "rút lui" rõ ràng khỏi các cuộc can thiệp quân sự và việc đánh giá thấp các yếu tố biến động trong khu vực có thể khiến người Nga trở thành "con tin" của những "thành công" mà trước nay họ vẫn tự hào.

Đã 5 năm trôi qua kể từ khi Nga bất ngờ can thiệp vào chiến tranh Syria và kết cục chưa rõ ràng của nó vẫn tiếp tục "đánh đố" các nhà phân tích trong nhiều năm nữa. Tuy nhiên cách thức tiếp cận vấn đề của Moscow có thể giúp dự đoán một phần tương lai khu vực.

Cường kích Su-34 của Không quân Vũ trụ Nga (VKS) tại căn cứ không quân Khmeimim, Syria.

Cường kích Su-34 của Không quân Vũ trụ Nga (VKS) tại căn cứ không quân Khmeimim, Syria.

Chính sách đối ngoại của Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin là tập trung vào việc "xây dựng cầu nối" với các nhà lãnh đạo ở Trung Đông.

Với sự "phong phú" hay nói cách khác là cạnh tranh liên tục của chính trị Trung Đông, các lãnh đạo nói trên đã tỏ rõ sự chào đón đối với Nga, một "thế lực đang trỗi dậy" trong bối cảnh "lộn xộn" của khu vực.

Ký ức về vai trò cường quốc mang tầm thế giới của Liên Xô và mối đe dọa của các nhóm vũ trang cực đoan như IS đã mở đường cho việc Nga trở lại Trung Đông.

Nói cách khác, đối với các quốc gia Trung Đông, Nga được coi là một đối trọng của Mỹ, một cường quốc mới nổi với lập trường chống phương Tây và phong trào "Mùa xuân Arab".

"Con dao hai lưỡi"

Tốc độ hòa nhập của người Nga vào môi trường an ninh ở Trung Đông là điều vô cùng ấn tượng nhưng cách thức tiếp cận cá nhân của Nga với các đối tác hoạt động như một "con dao hai lưỡi" cho thấy khả năng duy trì vị thế khá mong manh của Moscow.

Có thể ví dụ bằng cuộc chiến giá dầu vẫn đang tiếp diễn chỉ 1 năm sau những "cái bắt tay" của lãnh đạo Nga - Arab Saudi.

Đồng minh duy nhất của Nga là Syria cũng không ngoại lệ, truyền thông Nga vào tháng 4/2020 thể hiện sự bất mãn ngày càng tăng giữa Moscow với Damascus và Tehran.

Dựa trên bài học lịch sử về việc "quay lưng" với Liên Xô của Ai Cập dưới thời Tổng thống Anwar Sadat, sự hiện diện quân sự của Moscow ở Syria có thể sẽ không kéo dài mãi mãi.

Mặc dù nhận được sự hỗ trợ của Nga, tuy nhiên quan điểm giải quyết chiến tranh của chính phủ Damascus hoàn toàn khác Moscow.

"Canh bạc" của Kremlin có thể sẽ giúp đảm bảo một số thỏa thuận sinh lợi với các chế độ quân chủ giàu có ở vùng Vịnh và tăng khối lượng giao dịch tổng thể, nhưng đây chỉ là những "phần thưởng" và không phải là động lực cho chính sách lâu dài.

Thị phần thương mại giữa các quốc gia Trung Đông và Nga vẫn còn khá thấp - chỉ chiếm khoảng 7% tổng kinh ngạch thương mại nước ngoài. Moscow cũng không được coi là đối tác thương mại lớn của hầu hết các quốc gia Trung Đông.

Sức mạnh gần như không bị hạn chế và khả năng đưa ra các quyết định quan trọng nhanh chóng của Nga đã tạo điều kiện và "san bằng" sự khác biệt về thể chế trong ngoại giao với các nước Trung Đông.

Tuy nhiên, mặt trái của nó là việc các mối quan hệ song phương mang nặng tính cá nhân của Nga không thể tự bảo vệ chính nó trước quan điểm thay đổi "như chong chóng" của các đối tác.

Nói cách khác, Moscow đã tiến vào vùng biển chưa được khám phá, và mặc dù đã xây dựng quan hệ tốt và thiết lập các liên minh, nhưng họ lại thiếu các "quyền lực mềm" để bảo vệ các mối quan hệ này khỏi sự sụp đổ.

Quan hệ vừa đối đầu - vừa hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong các vấn đề ở Trung Đông là một "bài toán khó giải" của cả hai bên.

"Tương lai ảm đạm" của quan hệ Nga - Trung Đông

Sự phụ thuộc vào mối quan hệ với các cá nhân lãnh đạo và sự thiếu hiểu biết về các chính sách ngoại giao "lá mặt - lá trái" ở Trung Đông có thể là "gót chân Achilles" của Nga trong tương lai.

Mặc dù sự tương đồng về thể chế với các chính phủ trong khu vực mang lại cho Moscow một số lợi thế nhưng Trung Đông vẫn là một "thế lực ngoại bang" đã từng gây ra cho người Nga 2 cuộc chiến tranh khủng khiếp tại Afghanistan và Chechnya.

Từ những năm 1990 của thế kỷ 20, Moscow đã phải vật lộn với phong trào ly khai ở Bắc Kavkaz và chỉ mới được ổn định trong thời gian gần đây.

Do vậy, các yếu tố không ổn định ở Trung Đông như các phong trào phản kháng trong tương lai sẽ là một "đòn chí tử" vào tham vọng của Nga.

Theo một cuộc thăm dò công chúng của tổ chức nghiên cứu Zogby tại 8 quốc gia Arab, việc cải thiện quan hệ với Nga trong thập kỷ tới là một trong những vấn đề ít nhận được sự ưu tiên.

Một mặt, điều này có thể phản ánh hình ảnh trung lập chiến lược được xây dựng cẩn thận của Nga, nhưng mặt khác nó cũng chỉ ra rằng Nga không được xem là một hình mẫu lý tưởng - hoàn toàn khác hình mẫu của các quốc gia phương Tây để người dân Arab hướng tới.

Kết quả là trong trung hạn, nhiều người Arab có thể sẽ cho rằng Nga là một thế lực hậu thuẫn các nhà lãnh đạo chuyên quyền và các chính phủ tham nhũng.

Có thể tạm thời kết luận rằng cách tiếp cận Trung Đông của Nga vẫn có thể mang lại lợi ích địa chính trị trong những năm tới, vì các dấu hiệu cho thấy sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Nga ở Libya.

Nhưng những thay đổi đang diễn ra hằng ngày trong khu vực đầy biến động này có thể biến các cuộc can thiệp của Moscow trở thành một nỗ lực tốn kém, làm tổn thương các quan hệ cả trong và ngoài nước Nga.

Middle East Institude (MEI - Viện Trung Đông) được tuyên bố là một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ đặt tại Washington DC. Tuy nhiên MEI nhận được tài trợ từ các quỹ của UAE, Arab Saudi và các công ty khai thác dầu khí và sản xuất quốc phòng Hoa Kỳ.

Dmitriy Frolovskiy là một thành viên của MEI và cũng là một nhà phân tích chính trị và nhà tư vấn về chính sách và chiến lược ở Trung Đông và Trung Á. Ngoài MEI, ông cũng là một nhà nghiên cứu của Trung tâm phân tích Carnegie tại Moscow.

Các bài viết của Dmitriy Frolovskiy thường xuyên được đăng tải trên các tổ chức truyền thông có uy tín như Foreign Policy, The Hill, Al-Jazeera, South China Morning Post.

Theo Hoài Giang/Nhịp sống Việt - Báo Tổ quốc

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/chuyen-gia-nga-dang-xay-lau-dai-cat-o-trung-dong-no-luc-o-syria-va-libya-co-the-se-sup-do/20200602085341387