Chuyên gia Nga chê đạn siêu tốc Mỹ chậm

Theo chuyên gia Alexei Leonkov, dù được Mỹ gọi là đạn siêu thanh nhưng vận tốc của loại đạn HVP này còn kém đạn pháo xe tăng Nga.

Nhận định trên được chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov đưa ra khi Hải quân Mỹ tuyên bố vừa thử nghiệm thành công đạn siêu thanh HVP. Cùng với đó, Mỹ đang có kế hoạch trang bị đạn siêu tốc HVP cho hải pháo 127mm trên các loại tàu chiến của lực lượng này.

Đạn HVP làm tăng khả năng tấn công chớp nhoáng các mục tiêu tầm xa, cũng như giúp chỉ huy chiến trường ra quyết định chiến đấu theo thời gian thực tốt hơn. Không những vậy, trang USNI News của Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ khẳng định, với loại đạn công nghệ cao này, sức mạnh quân sự Nga sẽ bị kiềm chế.

"Hải quân Mỹ hiện đang phát triển loại vũ khí tiềm năng mới có thể cải thiện sức mạnh của các tàu chiến trong việc tự vệ trước các tên lửa của đối phương, đó là đạn HVP", báo cáo có đoạn viết.

Dù Mỹ rất tự tin vào sức mạnh và độ tin cậy của đạn HVP, chuyên gia Alexei Leonkov cho rằng, việc Mỹ tiếp tục theo đuổi công nghệ này là sự lãng phí lớn. Theo chuyên gia Nga, việc Hải quân Mỹ cố gắng sử dụng HPV chỉ nhằm mục đích "chữa cháy" cho nguồn ngân sách khổng lồ đã được chi cho quá trình phát triển pháo ray điện từ và các thiết bị liên quan.

HPV chỉ thực sự giúp tăng sơ tốc đầu nòng, nhưng không giúp cải thiện tầm bắn. Đây không phải là yếu tố chính giúp cải thiện uy lực của pháo hạm. Ngoài ra, vị chuyên gia này còn cho rằng, việc Hải quân Mỹ gọi HPV với các tên hoa mỹ là đạn pháo siêu thanh giống như việc "khen thỏ chạy nhanh".

"Các loại đạn pháo truyền thống đã đạt tốc độ siêu thanh. Sơ tốc trung bình của các loại đạn pháo thường đạt khoảng 7.200km/h hoặc Mach 6,5. Xét ở yếu tố này, tất cả các loại vũ khí hạng nặng trên thế giới đều đang bắn đạn siêu âm", chuyên gia Nga nói.

Đồng thời ông này nhấn mạnh thêm rằng, với tốc độ đạt được của HVP, chúng thậm chí còn bay chậm hơn cả đạn được xe tăng Nga bắn ra.

Ngoài ra, loại đạn HVP của Mỹ còn tồn tại nhược điểm lớn đó là viên đạn được bắn ra chỉ bay với quỹ đạo thẳng và không hề có sự can thiệp hay tính toán về đường đạn. Chính vì vậy, chúng không hề mang lại hiệu quả chiến đấu như nhà sản xuất và Hải quân Mỹ tuyên bố. (Hòa Bình)

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/anh-nong/chuyen-gia-nga-che-dan-sieu-toc-my-cham-3432696/