Chuyên gia nêu giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống. Vì vậy, để phát triển kinh tế tuần hoàn một cách tốt nhất, cần có các giải pháp cụ thể.

Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 với mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường, thì việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là hướng đi hoàn toàn đúng đắn. Trong đó, kinh tế tuần hoàn được hiểu là mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trong tiến trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt.

Công nghệ tái chế nhựa. Ảnh minh họa.

Công nghệ tái chế nhựa. Ảnh minh họa.

Ông Phương cho biết, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế. Vì vậy, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững.

"Việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống. Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Còn theo TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), để phát triển kinh tế tuần hoàn một cách tốt nhất, cần có các giải pháp cụ thể. Theo ông Hiệp, trước tiên chúng ta cần nhận thức đúng đắn thế nào là kinh tế tuần hoàn để từ đó đầu tư tăng cường cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Cần ứng dụng công nghệ mới, nghĩa là chúng ta sẽ đưa các công nghệ vào để xử lý tái chế, biến rác thải, thải bỏ thành nguyên liệu đầu vào của chu trình sản xuất khác; Bên cạnh đó, cần có hệ thống chính sách, cơ chế bài bản áp dụng cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các đơn vị giải pháp và cho người tiêu dùng.

“Đã có rất nhiều nước phát triển có kinh nghiệm trong việc này, chúng tôi đã trực tiếp đi thăm mô hình kinh tế tuần hoàn của Đài Loan, riêng trong tái chế họ đã có rất nhiều luật quy định về tái chế, từ vấn đề tái chế về thiết bị y tế, tái chế về công nghiệp, nông nghiệp,... họ có những bộ luật giúp cho doanh nghiệp thực hiện theo quy định pháp luật”, ông Hiệp chia sẻ.

Ông Hiệp cũng cho rằng cần có những kế hoạch triển khai giải pháp về kinh tế tuần hoàn cho từng ngành nghề cụ thể bởi mỗi ngành, lĩnh vực thường có đặc thù riêng như công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, y tế,… Cuối cùng, ông Hiệp nhấn mạnh, việc phát triển kinh tế tuần hoàn không phải việc của một quốc gia, mà là của nhiều quốc gia; không phải của một bộ ngành mà là của nhiều bộ ngành; không phải việc của một tổ chức mà là nhiều tổ chức. Chúng ta cần có sự kết nối của cộng đồng để đưa mô hình kinh tế tuần hoàn vào đời sống.

Phương Mai

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/chuyen-gia-neu-giai-phap-thuc-day-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-tai-viet-nam-d179976.html