Chuyên gia Mỹ: Tàu ngầm hạt nhân Liên Xô còn thua xa Mỹ, Trung Quốc không có cửa thắng

Mới đây trên tạp chí dành cho các nhà khoa học nguyên tử (Bulletin for Atomic Scientists), chuyên gia Owen Cote đã có bài phân tích cơ hội thắng lợi của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc trước Mỹ trong trường hợp nổ ra chiến tranh toàn diện.

 Hiện nay Hải quân Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh mẽ cho các tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo (SSBN) thế hệ mới, đây là quân át chủ bài của họ trong trường hợp nổ ra chiến tranh toàn diện.

Hiện nay Hải quân Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh mẽ cho các tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo (SSBN) thế hệ mới, đây là quân át chủ bài của họ trong trường hợp nổ ra chiến tranh toàn diện.

Mỗi chiếc SSBN của Trung Quốc được tổ chức biên chế tương đương một lữ đoàn tên lửa chiến lược bố trí trên mặt đất, cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng này.

Những tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ mới của Trung Quốc với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa JL-3 được nhận định có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho nước Mỹ.

Điều này sẽ khiến cho giới chức quốc phòng Hoa Kỳ phải chùn tay không dám gây chiến với Trung Quốc nếu không muốn phải hứng chịu một kết cục thảm khốc.

Tuy nhiên hạm đội tàu ngầm chiến lược của Trung Quốc có thực sự đáng sợ như những gì họ đang "lên gân" tuyên bố, điều này đã được chuyên gia Owen Cote làm rõ.

Ông Cote cho rằng trên thế giới chỉ có Mỹ là quốc gia duy nhất sở hữu hạm đội tàu ngầm chiến lược đủ tin cậy để trở thành phương tiện tấn công hạt nhân chủ lực.

Mỹ chính là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai SSBN, trong thời gian đầu họ nhận thấy rằng với kích thước kềnh càng, chúng sẽ bị đối phương phát hiện từ rất xa thông qua sonar thụ động để kịp đối phó.

Những cải tiến kỹ thuật liên tục sau đó đã khiến cho tàu ngầm chiến lược của Hải quân Mỹ trở nên cực kỳ yên tĩnh, gần như vô hình tuyệt đối trước hệ thống định vị thủy âm của đối phương.

Chưa dừng lại đó, nhờ những kinh nghiệm trong quá trình hoàn thiện SSBN của mình mà Hải quân Mỹ đã xây dựng được nhiều biện pháp để phát hiện tàu ngầm chiến lược Liên Xô cực kỳ hiệu quả.

Chuyên gia Owen Cote cho rằng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, SSBN của Mỹ gần như vô hình trước hệ thống trinh sát đáy biển của Liên Xô, trong khi ở chiều ngược lại thì phương tiện này của đối thủ lại rất dễ nhận biết từ xa.

Để khắc phục nhược điểm, Hải quân Liên Xô bắt buộc thực thi chiến thuật "pháo đài", đó là huy động cả hạm đội gồm tàu mặt nước, tàu ngầm tấn công, máy bay hải quân để bảo vệ SSBN trong những chuyến ra khơi.

Phương án này tỏ ra quá tốn kém, hơn nữa việc "trống giong cờ mở" như vậy vô tình lại càng làm lộ hành tung của tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Liên Xô nhiều hơn.

Sau khi điểm qua vài nét nêu trên, chuyên gia Owen Cote nhận định rằng khoảng cách công nghệ giữa SSBN của Mỹ và Trung Quốc hiện nay còn lớn hơn so với Liên Xô trước kia.

Điều đó có nghĩa là mọi tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc đều sẽ bị Mỹ phát hiện từ rất sớm - ngay khi nó rời cảng - để đưa ra biện pháp đối phó phù hợp.

Để an toàn, tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc sẽ chỉ hoạt động gần bờ chứ không dám ra xa, cũng đồng nghĩa với việc chẳng thể nào đe dọa lãnh thổ nước Mỹ mà chỉ gây hại tới các căn cứ giữa biển của họ mà thôi.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-chuyen-gia-my-tau-ngam-hat-nhan-lien-xo-con-thua-xa-my-trung-quoc-khong-co-cua-thang/796587.antd