Chuyên gia Mỹ: Hải quân Mỹ hãy liệu mà tránh xa tàu ngầm Nga nếu không muốn rước họa

Chuyên gia Bradford Dismukes cảnh báo rằng, Mỹ và đồng minh nhất thiết phải học cách kiềm chế khi có ý định đe dọa các tàu ngầm của Nga.

Theo tạp chí Forbes (Mỹ), thời Chiến tranh Lạnh, Hải quân Mỹ từng lên kế hoạch triển khai các tàu ngầm tấn công vào vùng biển bắc lạnh giá, tại đây chúng sẽ săn lùng và bám đuôi các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) của Liên Xô.

Nếu chiến tranh nổ ra ở châu Âu, các tàu ngầm Mỹ sẽ đánh chìm các tàu ngầm Liên Xô bên trong cái gọi là "pháo đài" của chúng trong tích tắc. Ý tưởng này còn được gọi là kế hoạch "chống pháo đài" hay tác chiến chống ngầm chiến lược.

Thế nhưng, theo một cựu quan chức hải quân Mỹ, đồng thời là một nhà khoa học-chính trị, đây là một ý tưởng tệ hại của 40 năm trước và nó vẫn sẽ là ý tưởng tệ hại trong bối cảnh hiện nay.

Cụ thể, trong bài phân tích đăng trên ấn phẩm Naval War College Review, chuyên gia Bradford Dismukes cảnh báo rằng, trong trường hợp hạm đội Mỹ và đồng minh tái cân nhắc cách thức đối phó với lực lượng hải quân của Nga, họ nhất thiết phải học cách kiềm chế khi có ý định đe dọa các tàu ngầm của Moscow.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei của Nga. Ảnh: TASS

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei của Nga. Ảnh: TASS

"Mỹ nên tránh đe dọa các SSBN của Nga trong hầu hết tất cả các tình huống có thể nhận thức được" – ông Dismukes nêu quan điểm, đồng thời cho biết, việc thực thi nhiệm vụ tác chiến chống ngầm chiến lược trong bối cảnh hiện nay sẽ trở thành một trong những trường hợp hiếm gặp mà ở đó, thất bại sẽ mang lại hệ quả tốt đẹp hơn là thành công.

Ý tưởng "chống pháo đài" được hình thành từ đầu những năm 1970, khi Liên Xô đưa vào biên chế các tàu ngầm lớp Delta trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân SS-N-8. Các tên lửa SS-N-8 có thể tấn công các mục tiêu cách xa 9.000km, cho phép tàu ngầm Delta thực hiện các đợt tuần tra răn đe ở biển Barents và Bắc Băng Dương.

Việc chỉ hoạt động ở gần cảng nhà cho phép các tàu ngầm Liên Xô luôn nằm trong phạm vi bảo vệ của các máy bay tuần tra trên bộ và tàu chiến tầm ngắn. Sự bảo vệ này giúp duy trì năng lực tấn công trả đũa cho Liên Xô trong trường hợp bị đánh phủ đầu.

Duy trì năng lực tấn công trả đũa là chìa khóa để các bên răn đe lẫn nhau. "Các tàu ngầm răn đe hạt nhân chiến lược, cũng như ý tưởng ‘pháo đài’ trên biển’ đã được đánh giá là 2 thành phần trọng tâm trong năng lực tấn công trả đũa của Nga" – NATO cho biết trong một bản khảo sát năm 2017.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định kế hoạch NATO lo ngại rằng Liên Xô có thể xâm lược Na Uy và Thụy Điển để bảo vệ các vùng biên của pháo đài.

"Có dự đoán cho rằng Liên Xô sẽ tìm cách biến Biển Baltic trở thành ‘ao làng’ của mình" – chuyên gia phân tích quân sự người Na Uy Kristen Amundsen nói với tờ New York Times năm 1986.

Do đó, liên minh này đã lên kế hoạch tấn công các pháo đài của Nga. Hải quân Mỹ đã nâng cấp hạm đội tàu ngầm chuyên cho nhiệm vụ này và xúc tiến chương trình phát triển các tàu ngầm lớp Seawolf với mức chi phí đắt "khủng khiếp" để chuyên cho các nhiệm vụ tấn công tại những vùng có băng bao phủ.

Tàu ngầm USS 'Connecticut' lớp Seawolf của Mỹ trồi lên khỏi lớp băng trên biển Beaufort. Ảnh: Hải quân Mỹ

Những nỗ lực này của NATO đã làm suy yếu năng lực răn đe hạt nhân lẫn nhau. Thật may, Chiến tranh Lạnh đã kết thúc trước khi ý tưởng về tác chiến chống ngầm chiến lược "phát huy" được hoàn toàn những tác động gây mất ổn định của nó.

Tuy nhiên, 30 năm sau, Nga đang hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm của họ trong bối cảnh mối quan hệ với NATO tiếp tục leo thang. Để đáp trả, Hải quân Mỹ cũng đang tăng cường năng lực triển khai tàu ngầm tới các vùng biển xa phía bắc.

"Đối diện với thực tế này, các nhà hoạch định của Nga khó có thể tin rằng Mỹ có ý định tránh xa các tàu ngầm SSBN của họ", ông Dismukes nói, và điều đó có thể khiêu khích Nga tấn công chính tàu ngầm của Mỹ, dẫn tới những hệ lụy gây leo thang.

QS

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/chuyen-gia-my-hai-quan-my-hay-lieu-ma-tranh-xa-tau-ngam-nga-neu-khong-muon-ruoc-hoa-82020198153727212.htm