Chuyên gia: Mỹ có thể làm trung gian giữa Nhật, Hàn để đảm bảo ổn định

Trong bối cảnh bất ổn đang gia tăng, các nhà phân tích đang tự hỏi liệu chính quyền ông Trump có thể thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc để cải thiện sự ổn định khu vực hay không.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, DC.. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, DC.. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Yonhap, trong bối cảnh bất ổn đang gia tăng ở Đông Bắc Á sau sự đổ vỡ của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên gần đây, các nhà phân tích đang tự hỏi liệu chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể thúc đẩy quan hệ hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc để cải thiện sự ổn định khu vực hay không.

Những tranh cãi giữa hai nước đồng minh của Mỹ về các vấn đề bồi thường cho người lao động thời chiến và sự cố trên biển hồi tháng 12/2018 liên quan đến Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản (MSDF) và Hải quân Hàn Quốc đã cản trở mối quan hệ ba bên này. Chìa khóa để thúc đẩy, dường như, là khả năng ông Trump sẽ đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hai nước láng giềng này, như người tiền nhiệm Barack Obama đã làm trong quá khứ.

Chuyên gia cố vấn Kelly Magsamen, Phó Giám đốc Trung tâm vì sự Tiến bộ của Mỹ phụ trách về an ninh quốc gia và chính sách quốc tế, cho rằng: "Nỗ lực quản lý liên minh quan trọng nhất mà Mỹ nên thực hiện ngay bây giờ là làm việc để cải thiện quan hệ giữa Seoul và Tokyo, có thể đang ở mức xấu nhất kể từ khi hai bên khôi phục quan hệ vào năm 1965."

Ông Magsamen nhấn mạnh: "Điều đó sẽ đòi hỏi nỗ lực cao và nhất quán của Mỹ, trong đó cả ở cấp lãnh đạo."

Đề cập đến khả năng Mỹ làm trung gian hòa giải giữa Nhật-Hàn, phó giáo sư khoa học chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington, ông Mike Mochizuki cho biết: "Một số người hoài nghi về việc liệu chính quyền Trump có thể giải quyết vấn đề này một cách khéo léo như chính quyền Obama đã từng làm hay không." Và vị chuyên gia này quả quyết: "Nhưng tôi nghĩ rằng sự cần thiết phải làm điều đó lúc này thậm chí còn lớn hơn so với thời chính quyền của ông Obama."

Trong khi đó, bình luận về mối quan hệ đang ngày càng căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Benjamin Self, Phó Chủ tịch Quỹ Maureen và Mike Mansfield - một tổ chức của Washington chuyên ủng hộ các mối quan hệ Mỹ-châu Á, nhấn mạnh: "Khi tôi xem xét ai là người có lợi từ căng thẳng Nhật Bản-Hàn Quốc, đối với tôi đó dường như chính là Bắc Kinh."

Cùng với những căng thẳng gia tăng về vấn đề bồi thường cho người lao động Hàn Quốc bị ép lao động khổ sai cho các công ty Nhật Bản trong thời kỳ đô hộ của Nhật Bản ở bán đảo Triều Tiên 1910-1945, Washington ngày càng lo ngại về sự xấu đi trong quan hệ quốc phòng Tokyo-Seoul - một diễn biến có thể làm suy yếu nỗ lực của Mỹ để đối phó với hoạt động tăng cường quân sự và sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Giới chức quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc đã cáo buộc nhau gây nguy hiểm cho nhân viên của họ kể từ khi Nhật Bản tuyên bố hồi tháng 12/2018 rằng một tàu hải quân Hàn Quốc đã khóa radar điều khiển hỏa lực vào một máy bay của MSDF trên biển Nhật Bản./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-my-co-the-lam-trung-gian-giua-nhat-han-de-dam-bao-on-dinh/562900.vnp