Chuyên gia Mỹ chỉ ra hiểu lầm của Trung Quốc về quan hệ 'khăng khít' Mỹ - Đài Loan

Tờ SCMP dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao Mỹ cho biết, Mỹ và Đài Loan sẽ thiết lập cơ chế đối thoại kinh tế mới, tập trung vào các chất bán dẫn, y tế, năng lượng và các lĩnh vực công nghệ khác.

Theo nhà ngoại giao trên, những chuyến thăm gần đây, loạt thỏa thuận đã ký kết cũng như sự ủng hộ và các hợp đồng bán vũ khí của Mỹ dành cho Đài Loan không phản chiếu một sự thay đổi trong chính sách của Washington. Thay vào đó, nó chỉ mang tính "chỉnh sửa" nhằm phản ứng trước lập trường ngày càng cứng rắn của Trung Quốc.

"Chúng tôi phải hành động để khôi phục lại sự cân bằng", ông David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương phát biểu tại tổ chức tư vấn chính sách mang tên Quỹ Di sản. "Nhìn vào Hong Kong, rõ ràng, Bắc Kinh sẵn sàng làm tất cả để mở rộng hệ thống quyền lực của mình".

Theo ông Stilwell, các động thái của Trung Quốc bao gồm gia tăng tập trận quân sự gần Đài Loan, nỗ lực thuyết phục các đồng minh ít ỏi của hòn đảo quay sang công nhận Bắc Kinh, đồng thời ngăn cản Đài Bắc gia nhập các tổ chức quốc tế.

Giới chức hai bên cho hay, thông báo cuối tuần trước về việc giảm hạn chế nhập khẩu thịt bò và thịt lợn từ Mỹ - đã mở đường cho các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại song phương chính thức giữa Mỹ và Đài Loan.

Mối quan hệ Washington – Đài Bắc đang được thắt chặt trong thời gian gần đây. Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Y tế và Các dịch vụ Con người Alex Azar đã dẫn đầu một đoàn đại biểu tới Đài Bắc trong chuyến công du cấp cao đầu tiên của một thành viên nội các Mỹ tới hòn đảo kể từ năm 1979.

Bộ trưởng Y tế và Các dịch vụ Con người Alex Azar là thành viên nội các đầu tiên của Mỹ tới thăm Đài Loan kể từ năm 1979 (ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Y tế và Các dịch vụ Con người Alex Azar là thành viên nội các đầu tiên của Mỹ tới thăm Đài Loan kể từ năm 1979 (ảnh: Reuters)

Trên các lĩnh vực khác, hồi tháng 5, nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSM đã công bố dự án xây dựng một nhà máy sản xuất chip trị giá 12 tỷ USD tại Arizona, Mỹ. Tuần trước, Đài Loan bày tỏ thái độ ủng hộ mạnh mẽ đối với những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu, nhằm giới hạn vai trò của Trung Quốc trong mạng lưới công nghệ viễn thông 5G toàn cầu. Trước đó, vào năm 2018, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Du lịch Đài Loan, cho phép các chuyến thăm quan chức cấp cao giữa hai bên.

Mặc dù nhận được sự ủng hộ của cả hai viện Quốc hội Mỹ và chính quyền Tổng thống Donald Trump, mối quan hệ Washington – Đài Bắc vẫn tồn tại một số vấn đề. Một số nhà phân tích tỏ ý nghi ngờ về tính logic kinh tế trong thương vụ đầu tư của TSM tại Arizona. Còn quãng thời gian "giằng co" lên tới 13 năm trước khi thỏa thuận nhập khẩu thịt bò và thịt lợn được hoàn tất, cũng cho thấy viễn cảnh không quá sáng sủa của một hiệp định thương mại song phương có quy mô lớn hơn.

Một chuyên gia người Đài Loan cũng lưu ý, ý tưởng hiệp định thương mại song phương lại được quảng bá bởi Bộ Ngoại giao Mỹ chứ không phải là Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (cơ quan đảm nhận nhiệm vụ đàm phán). "Điều đó rất kỳ lạ, đúng không?", người này nói.

Ông Stilwell không đưa ra chi tiết cụ thể về cơ chế đối thoại kinh tế mới, ngay cả khi thâm hụt thương mại khổng lồ giữa Đài Loan và Mỹ vẫn là một trở ngại lớn.

"Tôi hiểu rằng chúng tôi cần phải có một mối quan hệ thương mại cân bằng hơn", người đứng đầu cơ quan kinh tế Đài Loan Wang Mei-hua chỉ ra. "Chúng tôi đã nhận thấy vấn đề và đang triển khai các biện pháp giải quyết". Đài Loan hiện đang nỗ lực gia tăng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, khí đốt tự nhiên và dầu thô từ Mỹ.

Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ 9 và là một nhà nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp chủ chốt của Mỹ. Tổng thống Donald Trump luôn thúc đẩy xuất khẩu nông nghiệp với hy vọng có thể nhận được nhiều sự ủng hộ từ nông dân hơn trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Tuy nhiên, thâm hụt hàng hóa thương mại Mỹ với Đài Loan vào khoảng 23 tỷ USD trong năm 2019, tăng đáng kể so với mức 15,3 tỷ USD một năm trước đó. Dữ liệu của Cục Thống kê của Mỹ dự đoán, năm nay thâm hụt dự kiến tiếp tục vượt năm 2019.

Theo ông Wang, chênh lệnh thương mại gia tăng một phần là do các chuỗi cung cấp chuyển đổi từ Trung Quốc sang Đài Loan. Điều đó khiến xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ tăng cao. Tuy nhiên, ông Wang giải thích, mối quan hệ kinh tế được thắt chặt giữa Washington và Đài Bắc cũng đem lại lợi ích cho các mục tiêu địa chính trị của Mỹ.

"Những liên quan nhiều hơn với Đài Loan giúp củng cố khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương về mặt kinh tế và an ninh", ông chỉ ra.

Trong bài phát biểu của mình, ông Stilwell tìm cách duy trì sự cân bằng khi cho rằng, Washington chỉ đang "chỉnh sửa" những chính sách truyền thống trong vấn đề Mỹ-Trung Quốc-Đài Loan, bao gồm cả nguyên tắc "một Trung Quốc". Mục đích của những cải biến này là nhằm đối phó với những hành động ngày càng cứng rắn của Trung Quốc.

Cũng theo ông Stilwell, chính phủ Trung Quốc đã nhận định sai về sự ủng hộ của Mỹ dành cho Đài Loan. Nội dung hai bức điện tín mới công bố gần đây cho thấy, Washington sẽ "không bao giờ" gây sức ép để Đài Loan đàm phán với Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền. Ngoài ra, Mỹ thừa nhận việc bán vũ khí cho Đài Bắc sẽ không chấm dứt, đồng thời không đồng ý tái đàm phán Đạo luật Quan hệ Đài Loan 1979 – văn kiện ảnh hưởng trực tiếp tới quan hệ Mỹ-Đài.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/chuyen-gia-my-chi-ra-hieu-lam-cua-trung-quoc-ve-quan-he-khang-khit-my-dai-loan-20200901154834323.htm