Chuyên gia: Mỹ cần 2.000 tên lửa để đối phó Triều Tiên

Nhà phân tích kỳ cựu nhận xét nếu muốn ngăn chặn chương trình tên lửa Triều Tiên bằng không kích, Mỹ cần 150 máy bay ném bom và 2.000 tên lửa hành trình.

Các nhà quan sát về vấn đề Triều Tiên từ lâu bác bỏ khả năng Mỹ sử dụng hành động quân sự chống lại chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Họ nhận xét đó là vấn đề “không thể tưởng tượng được”, nhưng khi Bình Nhưỡng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể tấn công Alaska, cuộc tấn công sẽ không còn xa vời.

Một phản ứng quân sự sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng và những rủi ro kéo theo sẽ rất khủng khiếp. Tuy nhiên, đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ, theo đuổi giải pháp hòa bình vẫn ưu tiên hơn so với hành động quân sự tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Triều Tiên đã thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, chương trình phát triển vẫn còn nhiều việc phải làm để tạo ra một vũ khí hạt nhân khả thi cho tên lửa đạn đạo liên lục địa. Điều này cho phép Mỹ có thêm thời gian theo đuổi giải pháp ngoại giao.

Cơ hội mong manh

Tom Holland, nhà phân tích với 20 năm kinh nghiệm về các vấn đề châu Á, nhận định cơ hội để Washington ngăn chặn chương trình hạt nhân Bình Nhưỡng bằng giải pháp ngoại giao là rất mong manh. Trung Quốc, đối tác kinh tế lớn nhất của Triều Tiên muốn thấy một thỏa thuận đa phương để ngưng chương trình hạt nhân Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un trực tiếp chỉ huy việc phóng tên lửa cho thấy sự quan tâm đặc biệt của ông đối với chương trình tên lửa. Ảnh: KCNA.

Đổi lại, Mỹ sẽ ngưng các cuộc tập trận với Hàn Quốc, chấm dứt trừng phạt kinh tế, mở rộng quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng và cuối cùng là rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên.

Cơ hội là không đáng kể. Tổng thống Donald Trump đã lên án thỏa thuận hạt nhân tương tự với Iran ký kết vào năm 2015. Nếu Bình Nhưỡng không vi phạm các thỏa thuận trước đây, ít có sự nhiệt tình trong số các nước láng giềng đối với một thỏa thuận mới.

Hơn nữa, Bình Nhưỡng hầu như sẽ không tự nguyện từ bỏ chương trình hạt nhân. Bài học lịch sử gần đây ở Iraq và Libya đã dạy họ rằng chính phủ các nước trên sau khi từ bỏ chương trình hạt nhân đều bị lật đổ.

Nếu giải pháp thương thuyết không thành công, Mỹ sẽ phải thắt chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm ép buộc Triều Tiên từ bỏ việc phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng để thành công, cuộc cách ly kinh tế đòi hỏi sự tham gia đầy đủ của Trung Quốc.

Trong khi đó, Bắc Kinh nhiều lần chứng tỏ không muốn sự sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế Triều Tiên. Điều đó sẽ tạo ra viễn cảnh rất xấu cho Trung Quốc khi hàng triệu người tị nạn có thể vượt sông Áp Lục để vào Trung Quốc.

Đặc biệt, sau thỏa thuận bán vũ khí cho Đài Loan, rất ít khả năng Trung Quốc sẽ hợp tác với Mỹ để áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên. Do đó, cơ hội ngăn chặn chương trình tên lửa Triều Tiên thông qua trừng phạt kinh tế là rất thấp.

Cần 2.000 tên lửa để tấn công

Vài năm tới, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ sẽ thấy Triều Tiên sớm triển khai các tên lửa hạt nhân có thể tấn công lãnh thổ Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố đây là điều Washington không thể cho phép.

Mỹ có thể sử dụng bom xuyên boongke khổng lồ MOP để đối phó với cơ sở hạt nhân sâu trong lòng đất của Triều Tiên. Ảnh: The Aviationist.

Khả năng một cuộc tấn công trên bộ qua vĩ tuyến 38 hầu như rất khó xảy ra. Thay vào đó, Mỹ có thể tiến hành chiến dịch trên không gồm 3 giai đoạn. Đầu tiên, máy bay ném bom tàng hình của Mỹ sẽ cố gắng tấn công cơ sở hạt nhân sâu trong lòng đất bằng bom xuyên boongke khổng lồ.

Mỹ cũng sẽ khởi động cuộc tấn công nhắm vào các trung tâm chỉ huy, truyền thông và phòng không của Triều Tiên có thể bằng tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm. Đợt tấn công thứ 3 sẽ sử dụng kết hợp tên lửa hành trình và máy bay ném bom chiến lược B-52 nhắm vào khu vực bố trí pháo binh Triều Tiên.

Trong trường hợp thông tin tình báo chính xác nhất và việc nhắm mục tiêu không gặp sai sót. Kịch bản tấn công như thế cần ít nhất 150 máy bay ném bom chiến lược và hầu hết tàu ngầm tấn công cùng khoảng 2.000 tên lửa.

Một thách thức khác là công tác chuẩn bị hậu cần và tập trung lực lượng. Việc lập kế hoạch, huấn luyện có thể mất vài tháng. Ngoài ra, việc tập trung bí mật một lực lượng quân sự lớn như vậy mà không đánh động cho Triều Tiên hoặc Trung Quốc là vấn đề cực kỳ khó khăn.

Quốc Việt

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/chuyen-gia-my-can-2000-ten-lua-de-doi-pho-trieu-tien-post761452.html