Chuyên gia Mỹ bất ngờ bênh vực vũ khí Trung Quốc

Chính các chuyên gia Mỹ lại đang 'bênh vực' cho vũ khí Trung Quốc khi cho rằng những lời chỉ trích là không công bằng.

Người Mỹ lên tiếng “bênh vực”

Theo đánh giá của giới phân tích phương Tây, ngành công nghiệp vũ khí của Trung Quốc đã có những tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, hoạt động phân phối các mặt hàng vũ khí của Trung Quốc chưa đa đạng về địa lý.

Trung Quốc chủ yếu bán vũ khí cho các đối tác truyền thống như Pakistan, Myanmar và Bangladesh - xuất khẩu vũ khí đến các nước này chiếm 63% trong tổng sản lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc trong 5 năm qua.

Khu vực duy nhất gia tăng lượng mua vũ khí từ Trung Quốc là Mỹ Latinh, từ 0% vào đầu những năm 2000 lên tới 5% vào năm 2017, bao gồm các hợp đồng chuyển giao vũ khí đến Bolivia và Venezuela.

Hoạt động xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc dù tăng mạnh nhưng lại có đặc điểm chung là nhằm vào các nước “nghèo” hoặc không thể tiếp cận với nguồn cung vũ khí của phương Tây.

Xe tăng chiến đấu VT-4 của Trung Quốc được trưng bày tại một triển lãm vũ khí

Theo đó, Trung Quốc vẫn là đối tác truyền thống bán vũ khí cho các nước mà phương Tây không bán vũ khí cho họ (như Iran), hoặc là các nước không có đủ tiền để mua các loại vũ khí đắt đỏ của phương Tây (như Zambia), hoặc là những nước thuộc cả hai đặc điểm trên (như Sudan và Venezuela).

Những thị trường mua vũ khí chủ yếu của phương Tây như các nước vùng Vịnh hiện chủ yếu mua các sản phẩm UAV của Trung Quốc. Điều này xuất phát từ việc các nhà xuất khẩu phương Tây, nhất là Mỹ, từ chối bán các loại UAV của họ cho khu vực này.

Tuy nhiên, chính các chuyên gia Mỹ lại đang “bênh vực” cho vũ khí Trung Quốc. Tờ The National Interest cho rằng những lời chỉ trích trên là không công bằng.

Sự phụ thuộc vào một vài khách hàng cốt lõi tác động đến cả các nhà xuất khẩu kỳ cựu cũng như các nhà xuất khẩu mới.

Ví dụ như Nga là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới nhưng 70% doanh thu là thu được từ 4 quốc gia - Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc và Algeria. Tương tự, 71% kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Anh chuyển tới Ấn Độ, Mỹ và Saudi Arabia.

Mẫu UAV CH-5 do Trung Quốc sản xuất

Trong khi đó, lập luận rằng vũ khí của Trung Quốc chỉ hấp dẫn đối với các nước nghèo nhờ giá thành rẻ có phần đúng nhưng cần sự kiểm chứng. Trung Quốc đã thành công trong việc đa dạng hóa nhóm khách hàng của họ và hiện xuất khẩu vũ khí tới 55 quốc gia trên thế giới, ở châu Á, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh.

Nhiều khách hàng của Trung Quốc là các nước đang phát triển. Ví dụ như, 2/3 các nước nằm ở châu Phi - lục địa nghèo nhất thế giới - mua hệ thống vũ khí từ Trung Quốc và hầu hết trong số đó là thiết bị quân sự cơ bản.

Theo tạp chí Mỹ, vũ khí của Trung Quốc không còn là các “phế tích” từ thời Xô Viết. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang thay thế các hệ thống vũ khí nền tảng cũ thời Xô Viết bằng các mẫu tự sản xuất được cải tiến và hiện xuất khẩu các vũ khí được hiện đại hóa, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Type-99, máy bay chiến đấu J-10 và tàu ngầm lớp Yuan sang Thái Lan, Myanmar, Bangladesh và Pakistan.

Trung Quốc cũng thích nghi, đổi mới và tiến hành tích hợp các hệ thống nhằm cải tiến công nghệ, ví dụ như các thiết bị bay không người lái (UAV) và các tên lửa hành trình chống hạm.

Công nghệ được cải tiến cùng giá thành tương đối rẻ dẫn đến việc xuất khẩu vũ khí ngày một hiệu quả về mặt chi phí.

Chiến lược dài hơi của Trung Quốc

Nhằm đẩy mạnh lĩnh vực quốc phòng, Trung Quốc đã thành lập các cơ quan mới như Ủy ban Trung ương về Hội nhập Quân sự và Phát triển Dân sự và Ủy ban Chỉ đạo Nghiên cứu Khoa học nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí công nghệ cao.

Năm 2017 và 2018, Cục Phát triển Trang bị thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã công bố hàng nghìn mẫu bản quyền quốc phòng không thuộc diện bí mật cho công chúng với mong muốn hỗ trợ cho các công ty tư nhân tham gia nền công nghiệp quốc phòng của nước này.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/chuyen-gia-my-bat-ngo-benh-vuc-vu-khi-trung-quoc-3362109/