Chuyên gia 'mổ xẻ' động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Hội thảo 'Kinh tế Việt Nam – động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy' được tổ chức sáng 15/11 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Sáng 15/11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Kinh tế Việt Nam – động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy”. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị tham dự hội thảo.

Kinh tế Việt Nam đã đi hết gần nửa chặng đường của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có những cải thiện cả về lượng và chất, tạo đà cho tăng trưởng trong các năm còn lại của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Hội thảo khoa học Kinh tế Việt Nam – động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy.

Tăng trưởng kinh tế năm nay dự kiến đạt 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,21% của năm 2016. Tỷ lệ lạm phát được duy trì ổn định dưới 5% đang dần tạo điều kiện để giảm lãi suất, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng phát triển ổn định. Nợ xấu, bội chi ngân sách cũng đang giảm dần. Bên cạnh đó, xếp hạng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam đang có những cải thiện tích cực nhưng bối cảnh phát triển mới đang đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong giai đoạn tới.

Theo Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang mở ra những cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra các thách thức lớn cho nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ sẽ chủ trì hội thảo "Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và giải pháp thúc đẩy". - Ảnh: VGP

Tăng trưởng kinh tế dựa trên các động lực cũ như tài nguyên, khoáng sản, chi phí lao động thấp, đầu tư và mở rộng tín dụng đã không còn phù hợp. Mô hình tăng trưởng cũ đã thành công trong giai đoạn đầu của đổi mới nhưng dần trở nên không còn phù hợp, thậm chí đem lại nhiều rủi ro cho nền kinh tế trong giai đoạn mới khi nền kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Tiến sỹ Trần Đình Thiên cho rằng: "Để đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu, cần giải pháp căn bản và có tính mục đích rõ ràng. Chúng ta cần đưa ra một hệ thống thể chế, cơ chế khuyến khích trên nền tảng tự do cạnh tranh. Mấu chốt vấn đề là làm sao thoát khỏi những trói buộc, những điều kiện kinh doanh đừng ràng buộc doanh nghiệp, buộc người ta phải xin cho, doanh nghiệp được quyền tự do cạnh tranh, lựa chọn, nhưng trên nền tảng tạo ra được những điều kiện cho doanh nghiệp có cơ sở hoạt động. Chính phủ cũng phải có tác động can thiệp vào phát triển nguồn nhân lực, hướng tới nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ cao".

Tại hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, phân tích các nút thắt, các cản trở, điểm nghẽn và động lực cho tăng trưởng; chỉ ra cơ hội và thách thức của nền kinh tế trong những năm tới để từ đó có những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng vừa mang tính trước mắt vừa mang tính lâu dài; vừa hướng vào số lượng nhưng đồng thời vẫn chú trọng đến chất lượng của tăng trưởng./.

Cẩm Tú/VOV-Trung tâm Tin

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/chuyen-gia-mo-xe-dong-luc-tang-truong-kinh-te-viet-nam-695783.vov