Chuyên gia: Mô hình 'tiểu ASEAN' hay giải pháp tránh bị đẩy ra 'ngoài lề'

ASEAN không nên đối đầu hay loại bỏ Trung Quốc mà cần phải kiểm soát sự vươn lên của cường quốc này theo hướng có lợi cho khu vực.

ASEAN cần đề phòng mối đe dọa Trung Quốc nhưng cũng phải “công nhận vai trò của Trung Quốc trong khu vực”. (Nguồn: PU)

Nhận định trên của học giả người Philippines Richard Heydarian, giảng viên môn Chính trị học tại Đại học De La Salle được đưa ra tại tọa đàm về chủ đề “Đẩy lùi Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” tại Mỹ do Viện Hudson tổ chức ngày 26/11 vừa qua. Trong phát biểu, ông Richard Heydarian trình bày về mối quan hệ của ASEAN với Trung Quốc, và những biện pháp để khu vực đối phó với một cường quốc có tham vọng bành trướng ngày càng lớn.

Chuyên gia về địa chính trị châu Á này nhìn nhận rằng kể từ khi thành lập, ASEAN đã “đạt nhiều thành quả” trong việc duy trì hòa bình và ổn định cho khu vực. Trước khi ASEAN được thành lập, các nước lớn trong khu vực như Indonesia, Malaysia và Philippines có những chính sách thù nghịch.

Song với sự ra đời của ASEAN vào năm 1967, “ý niệm về chiến tranh hay thậm chí đe dọa chiến tranh giữa các nước Đông Nam Á gần như đã là điều không ai có thể nghĩ đến nữa”, dù vẫn còn tranh chấp chủ quyền lãnh thổ dai dẳng giữa một số nước thành viên.

Ông nhấn mạnh, ASEAN “đã thiết lập được cái gọi là cộng đồng an ninh… Vì vậy không phải là ý định xung đột không còn mà là các nước đã có phương cách xử lý xung đột với nhau”.

Những nguyên tắc lỗi thời khiến ASEAN bị gạt ra rìa

Nhà nghiên cứu người Philippines đánh giá cao vai trò của ASEAN trong việc “kéo các cường quốc bên ngoài cùng ngồi lại với nhau” để tránh xung đột và buộc các cường quốc (như Mỹ và Trung Quốc) tuân theo luật chơi do ASEAN đề ra trong việc xử lý căng thẳng và xung đột giữa các nước.

Hải quân Trung Quốc và 10 nước ASEAN tập trận hàng hải lần đầu tiên tại tỉnh Quảng Đông, tháng 10/2018. (Nguồn: VCG)

Tuy nhiên, hạn chế lớn của khối lại là trong việc xử lý mối quan hệ với các cường quốc, chẳng hạn như Trung Quốc. Ông dẫn ra hai nguyên tắc cơ bản của ASEAN là “tham vấn và đồng thuận” mà trong đó đồng thuận đã “bị hiểu lầm là nhất trí”.

Nếu nhìn vào những vấn đề như chính trị, an ninh, nhân quyền thì sự nhất trí là một trở ngại lớn bởi nhất trí có nghĩa là từng nước thành viên trên thực tế đều có quyền phủ quyết để chặn bất cứ quyết định nào của khối.

Do đó, “một cường quốc bên ngoài toan tính phá vỡ sự đoàn kết của ASEAN trong một vấn đề nào đó thì việc họ cần làm chỉ là gây sức ép đối với một thành viên ASEAN, bất chấp sự quan ngại của các nước khác”, ông khẳng định.

Chính “nguyên tắc lỗi thời” này đã khiến ASEAN từ vị trí trung tâm trong các vấn đề trong khu vực bị đẩy ra “ngoài lề”. Ông bình luận: “Cơ chế ra quyết định vốn giúp cho các nước ASEAN tạo dựng hòa bình với nhau trong vòng 50 năm qua đã không còn hiệu quả trong việc tạo ra hòa bình giữa các cường quốc”.

Và vì vậy, trong khi ASEAN chật vật khẳng định vai trò trung tâm của mình để giải quyết các vấn đề khu vực thì Bắc Kinh “đang nhanh chóng thay đổi thực địa trên Biển Đông”.

Trên thực tế, Trung Quốc đang xây dựng “Vạn lý Trường thành tên lửa đất đối không” với việc triển khai tên lửa loại này trên Biển Đông trong vòng 3 năm qua, cùng các máy bay ném bom và các thiết bị phá sóng điện tử. Bên cạnh đó lực lượng bán quân sự được Bắc Kinh triển khai để duy trì các yêu sách trên Biển Đông, giờ được xem như “cánh tay nối dài của Hải quân Trung Quốc”.

Chuyên gia Heydarian nhấn mạnh: “Mức độ của các hoạt động ngoại giao của ASEAN không theo kịp những diễn biến trên thực địa… Khi chúng ta đang bàn thảo về Bộ quy tắc ứng xử (COC) với Trung Quốc thì Trung Quốc lại nhanh chóng thay đổi tình tình trên thực địa”.

Câu hỏi đặt ra là “Vậy thì tại sao chúng ta lại lãng phí thời gian vào các cuộc đàm phán trong khi chúng ta thậm chí còn không biết liệu COC có ràng buộc về pháp lý hay không?”.

Cơ chế tiểu đa phương giúp ASEAN mạnh mẽ hơn

Các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 22 tại Bangkok, Thái Lan ngày 3/11. (Nguồn: Ban thư ký ASEAN)

Với những lập luận mạnh mẽ trên, ông Heydarian cho rằng “cách tốt nhất để duy trì cơ chế đa phương và giúp ASEAN trở nên hiệu quả hơn là xây dựng cơ chế tiểu đa phương” giữa các nước chủ chốt (Indonesia, Thái Lan, Philippines Malaysia và Việt Nam) trong ASEAN và tăng cường sự tiếp xúc với các nước Bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia).

Về tính khả thi của mô hình “tiểu ASEAN” và khả năng có được sự ủng hộ của các nước ASEAN hay không khi có nguy cơ làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN, ông cho rằng ASEAN đang ở trong thế “bế tắc về thể chế” nên “cần phải tìm phương án thay thế”.

Ông nói thêm: “Philippines có quyết định đơn phương là đưa vấn đề ra tòa quốc tế vì Manila cảm thấy ASEAN không làm được gì và quyết định đơn phương đó giờ đây có ích cho nhiều nước ASEAN như Việt Nam và Malaysia”.

“ASEAN không thật sự là tập hợp của các nước nhỏ mà bao gồm những cường quốc bậc trung hết sức năng động vốn bản thân họ cũng có sức mạnh của riêng mình”. (Richard Heydarian)

Các nước chủ chốt trong khu vực nên phối hợp với nhau theo cơ chế “tiểu ASEAN” để đạt được một bộ quy tắc ứng xử của riêng mình, “bộ quy tắc ứng xử thật sự chứ không phải là giả tạo như bộ quy tắc đang được bàn thảo (giữa Trung Quốc và toàn bộ 10 nước ASEAN)”.

Trung Quốc sẽ dè chừng hơn tiếng nói từ các nước lớn trong khối, như Indonesia, thay vì những nước nhỏ như Lào hay Campuchia. Ông bình luận: “Dù trong khối ASEAN, các nước thành viên được cho là bình đẳng với nhau nhưng trên thực tế không phải nước nào cũng có lợi ích tương đương nhau và không phải tiếng nói của nước nào cũng có trọng lượng như nhau”.

Nhiều người đã đánh giá thấp sức mạnh của những nước Đông Nam Á mà họ cho là “nhỏ” như Indonesia, Philippines và Việt Nam. Indonesia có dân số 270 triệu người, gần tương đương nước Mỹ, và có nền kinh tế được dự đoán sẽ “nằm trong số 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng hai thập niên tới”. Trong khi đó, quy mô dân số của Việt Nam và Philippines sẽ chóng vượt mức 100 triệu dân. Tất cả 3 nước này được dự đoán sẽ có nền kinh tế vượt 1.000 tỷ USD trong trung hạn.

Học giả Philippines phân tích: “Do đó, ASEAN không thật sự là tập hợp của các nước nhỏ mà bao gồm những cường quốc bậc trung hết sức năng động vốn bản thân họ cũng có sức mạnh của riêng mình”.

Cần lưu ý là dù các nước ASEAN cần đề phòng mối đe dọa Trung Quốc nhưng cũng phải “công nhận vai trò của Trung Quốc trong khu vực”.

“Trung Quốc vẫn là một phần của cuộc chơi và việc can dự (thay vì đối đầu) với Trung Quốc là không thể tránh khỏi”, ông nhấn mạnh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là “can dự với Trung Quốc như thế nào để họ phản hồi nhiều hơn trước nhu cầu và sự nhạy cảm của các nước nhỏ”.

QT

(theo Đài TNHK)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-gia-mo-hinh-tieu-asean-hay-giai-phap-tranh-bi-day-ra-ngoai-le-105360.html