Chuyên gia mách nước 'diệt tận gốc' tình trạng bảo mẫu bạo hành trẻ em

Tiến sĩ Trần Thành Nam - giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Với những người đến với nghề bảo mẫu vì miếng cơm manh áo chứ không xuất phát từ tình yêu trẻ con thì 'kỷ luật không nước mắt' vốn là điều xa xỉ.

Thưa ông, vì sao vẫn xảy ra tình trạng bảo mẫu hành hạ trẻ, dù nhiều người đã phải chịu án tù? Liệu có phải hình phạt cho những cô giáo vô lương này còn quá nhẹ nên họ “không biết sợ”?

- Chúng ta lên án bạo hành trẻ em, kể cả là la mắng đứa trẻ đã là không được phép, đó là bạo hành tinh thần rồi. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn khách quan để hiểu tại sao mọi người đều biết nhưng vẫn vi phạm. Không phải họ không biết sợ mà là họ có quá nhiều nỗi sợ.

Nhiều trường hợp làm nghề vì miếng cơm manh áo. Ở nhiều trường, các hiệu trưởng đưa ra những yêu cầu, cô phải quản lý lớp tốt, trẻ không được khóc lóc.

Họ chịu nhiều áp lực, nếu theo nguyên tắc “kỷ luật không nước mắt” thì nguy cơ bị đuổi việc trước cả khi phát hiện ra bạo hành. Trên thực tế, những vụ đánh trẻ vẫn tồn tại, sự việc chỉ là lúc nào bị lộ thôi.

Vậy theo ông, có những lỗ hổng nào trong quá trình đào tạo và tuyển dụng bảo mẫu dẫn đến tình trạng “người nhầm nghề”?

- Rõ ràng có một khoảng thời gian, giáo dục mầm non chỉ yêu cầu trình độ trung cấp, nhiều người trong đó có những người đã gây ra những hành vi bạo hành dã man. Họ chọn nghề bảo mẫu chỉ do miếng cơm manh áo chứ không bắt nguồn từ tình yêu với trẻ.

Trường học tư tuyển ồ ạt. Có những người chưa có đủ năng lực về mặt phẩm chất hoặc chưa có kĩ thuật để quản lý trẻ thì họ bắt chước từ người cũ. Mà những giáo viên từ trước quen với lối giáo dục “thương cho roi cho vọt” rồi.

Nhiều bố mẹ thiếu hiểu biết chỉ quan tâm những yếu tố có thể nhìn thấy được như cân nặng chiều cao. Điều đó cũng tạo điều kiện cho các cô bạo hành.

Tiến Sĩ Trần Thành Nam. Ảnh: NVCC.

Xin ông mách nước để “diệt tận gốc” tình trạng bảo mẫu bạo hành trẻ em?

- Về khía cạnh quản lý thì mình phải thay đổi, cốt lõi là từ khâu tuyển dụng. Thứ nhất, cần kiểm tra lý lịch tư pháp. Ở nước ngoài, kiểm soát rất gắt gao việc tuyển chọn những nghề làm việc với con người như nghề giáo viên mầm non.

Họ phải lấy dấu vân tay để xem tiền sử có những vấn đề gì liên quan đến trẻ con không. Thậm chí kiểm tra xem người đó đã từng là nạn nhân bị bạo hành hay chưa. Nếu người đó đã từng là nạn nhân của bạo hành thì khi làm việc với đứa trẻ, rất dễ có xu hướng bạo hành đứa trẻ đó.

Thứ hai, khi tuyển giáo viên vào, chúng ta cũng phải xem bản thân người đó có yêu trẻ không. Nhiều khi phải có những đặc điểm mang tính chất bản năng, trong khoảng 5 đến 10 phút mà không tiếp cận được đứa trẻ, không tạo được mối liên hệ với trẻ, đứa trẻ không thân thiện với mình thì tốt nhất không nên làm nghề đó nữa.

Cuối cùng, dù người đó đã có đủ yếu tố năng lực thì vẫn phải kiểm tra về mặt phẩm chất bằng công cụ mang tính chất có hiệu lực. Ví dụ như một bộ công cụ đánh giá nhân cách của người đó xem có phù hợp với ngành nghề đó không.

Xin cảm ơn ông!

Thảo Anh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/chuyen-gia-mach-nuoc-diet-tan-goc-tinh-trang-bao-mau-bao-hanh-tre-em-622002.ldo