Chuyên gia mách 'chiêu' giảm cân hiệu quả mà không dùng thuốc

Theo nghiên cứu, trung bình 30 phút chạy bộ đúng cách có thể đốt cháy hết 175 calo đến 370 calo. Điều này giúp giảm cân vô cùng hiệu quả, đồng thời giúp nâng cao thể lực, tạo nền tảng sức khỏe. Tuy nhiên, mọi người hiện nay còn lười vận động.

Nói về tầm quan trọng của việc vận động, trong đó có chạy bộ và đi bộ, ông Nguyễn Thương Việt, Chủ nhiệm CLB Chạy đi, huấn luyện viên bộ môn chạy bộ phong trào - CLB Đại sứ sức khỏe Việt Nam thuộc Hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cho biết: Chạy bộ là bộ môn mọi người đều có thể tham gia, từ người già đến trẻ em. Chỉ cần có đôi giày là mọi người có thể ra đường, hoặc chạy trên máy, từ đó tạo được nền tảng sức khỏe tốt về tim mạch, huyết áp, cơ chân...

Bên cạnh đó, tại Việt Nam mọi người thường nghĩ thể thao là thể dục mà không có nền tảng sức khỏe nên dễ chấn thương chân, lưng... “Chạy bộ giúp khắc phục, có nền tảng sức khỏe thể lực sau đó chơi các bộ môn thể thao khác như tennis, bóng đá”, ông Việt nhấn mạnh.

Đề cập đến phong trào “Đi bộ vì sức khỏe” và khuyến cáo của Bộ Y tế về “10.000 bước đi bộ mỗi ngày”, vị đại sứ của bộ môn Chạy bộ phong trào chia sẻ, khi cơ thể được vận động thì sẽ tạo nên nền tảng sức khỏe tốt, giảm được nguy cơ béo phì, tim mạch, huyết áp…

Vì thế, không nhất thiết phân biệt rõ ràng giữa đi bộ và chạy bộ. Mọi người tùy theo tình trạng sức khỏe có thể thực hiện thể dục mỗi ngày. Đầu tiên có thể đi bộ mỗi ngày 15 phút, sau đó tăng dần lên 30 phút và tăng dần tốc độ. Dù chạy bộ hay đi bộ thì việc vận động cũng đều tốt cho sức khỏe, giúp tiêu thụ calo, mang đến sức khỏe bền vững cơ thể không bệnh tật, tinh thần sảng khoái. Mọi người cố gắng làm sao để mỗi tuần vận động 3-5 giờ đồng hồ.

Chạy, đi bộ là giải pháp chống béo phì, tăng cường sức khỏe một cách hiệu quả mà tiết kiệm chi phí nhất

Chạy, đi bộ là giải pháp chống béo phì, tăng cường sức khỏe một cách hiệu quả mà tiết kiệm chi phí nhất

"Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chạy bộ là cách giúp con người có sức khỏe trường tồn, không bệnh tật, tinh thần sảng khoảng. Bất cứ ai cũng có thể thực hiện được, chạy bộ giúp tim mạch vận chuyển máu, tiền đình, tim mạch không còn nữa", ông Việt nhấn mạnh.

Thời gian qua, thông qua việc hướng dẫn các động tác, tư thế chạy để đảm bảo an toàn trên mạng xã hội, qua việc tổ chức các giải chạy phong trào trong cộng đồng, ông Nguyễn Thương Việt đã thống kê được tỉ lệ người Việt có thể chạy được rất ít.

Người Việt thường có thói quen khi có bệnh mới chữa, nhưng các quốc gia phát triển tập trung chế độ dinh dưỡng, chuyên gia luyện tập được đón nhận, chú trọng. Theo thống kê cả nước chỉ khoảng 2.000-3.000 người chạy bộ có thể hoàn thành cự ly 42.000km trong khi dân số tương đương Nhật Bản thì có tới 600.000 người chạy bộ. Điều này thể hiện rõ nhất ở vấn đề sức khỏe, tuổi thọ của người Nhật Bản so với người Việt Nam.

Vì vậy, vị huấn luyện viên này đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ có 10.000 người Việt tham gia chạy bộ. “Ai cũng biết vận động, rèn luyện sức khỏe là thiết yếu nhưng bản chất con người lười, đối mặt với đổ mồ hôi, đi bộ, đau mỏi mọi người không thích. Đi bộ hay chạy bộ đều tốt nhưng mọi người đưa ra lý do là không gian công cộng không nhiều. Đồng thời, ỷ lại vào dịch vụ hút mỡ, chế độ ăn uống chứ không chú trọng luyện tập”.

Theo TS. Momoe Takeuchi, Trưởng nhóm Hệ thống y tế và bệnh không lây nhiễm, Tổ chức Y tế thế giới, hoạt động thể lực có vai trò rất quan trọng với cơ thể, giúp tăng cường cơ, xương, ổn định đường huyết, huyết áp. Sau khi hoạt động thể lực sẽ giúp sức khỏe tinh thần con người tốt hơn, sảng khoái hơn, dễ ngủ, giấc ngủ sâu, khả năng tập trung cao, tăng sức đề kháng, tinh thần tốt hơn...

Tăng cường hoạt động thể lực cũng giúp nâng cao sức khỏe phòng các bệnh không lây nhiễm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng hoạt động thể lực giúp giảm 30% nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chuyen-gia-mach-chieu-giam-can-hieu-qua-ma-khong-dung-thuoc-206382.html