Chuyên gia lý giải việc sát hại người thân do ghen tuông

Từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày hay cơn ghen bốc hỏa, nhiều đối tượng sẵn sàng ra tay sát hại người thân thậm chí cả con ruột.

Những vụ sát hại người thân, đặc biệt là sát hại những đứa trẻ trong gia đình xảy ra trong thời gian gần đây ngày một "nóng", gây hoang mang dư luận. Không ít vụ việc xảy ra chỉ vì ghen tuông giữa vợ hoặc chồng, sự vị kỷ cá nhân trong quan hệ gia đình, yêu đương và thiếu hiểu biết pháp luật.

Bị cáo Nguyễn Văn Duy bị xét xử về tội giết2 con nhỏ (ảnh Tuổi trẻ)

Bị cáo Nguyễn Văn Duy bị xét xử về tội giết2 con nhỏ (ảnh Tuổi trẻ)

Ích kỷ bản thân và nhận thức pháp luật hạn chế

Mới đây người dân xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang bàng hoàng phát hiện anh Tráng A Nam (25 tuổi) cùng 2 người con gồm một bé trai 4 tuổi và một bé gái 3 tuổi, tử vong trong tư thế treo cổ. Bước đầu, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến vụ việc do mâu thuẫn vợ chồng.

Ông Đỗ Văn Dậu, Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng cho biết, trước đó, anh Nam và vợ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn ghen tuông. Do cãi vã nhiều, nên vợ anh Nam đi làm công nhân tại một khu công nghiệp. Còn anh Nam ở nhà chăm sóc hai con nhỏ và làm thợ xây. Có thể đây chính là nguồn cơn dẫn đến vụ việc đau lòng.

Ngày 1/11 HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Duy (34 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội) tử hình về tội giết người. Nạn nhân trong vụ án là 2 con nhỏ của Duy. Do nghi ngờ vợ mình có quan hệ tình cảm, yêu đương với người đàn ông khác và 2 con không phải con mình, Duy đã mua thuốc trừ sâu ép 2 con uống để cùng chết khiến người vợ phải ân hận.

Dưới góc độ xã hội, PGS, TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, mặc dù hai người cha ở hai địa phương cách xa nhau nhưng có cách hành xử giống nhau khi mà chỉ vì bực dọc, hờn oán vợ- người đầu gối tay ấp với mình, mà sát hại những đứa con chung.

“Sự trừng phạt đó thể hiện sự lệch lạc ở chỗ, đứa con không chỉ là sản phẩm chung của hai người trên phương diện sinh học mà nó còn là sinh thể, một thành viên của xã hội. Đứa trẻ đó nó có quyền được sống, quyền được phát triển. Tức là đứa bé này hoàn toàn trở lên độc lập khi mà nó có mặt trên đời này. Thế mà người cha chỉ vì hớn oán vợ mà dẫn đến bức tử con, tước đoạt đi mạng sống của con. Điều này còn cho thấy sự hèn hạ, vị kỷ, tối tăm. Và chừng mực nào đó cũng có thể xem như là sự hiểu biết về luật pháp rất nông cạn”- PGS, TS Trịnh Hòa Bình nói.

Theo PGS Trịnh Hòa Bình, những người cha trong câu chuyện này, qua việc sát hại những đứa con chung, họ chỉ nhằm mục đích mong người vợ của mình phải đau đớn mà không chọn giải pháp đối thoại, làm rõ trắng đen. Điều đó cho thấy sự hận thù xuất phát từ tinh thần vị kỷ ở mức cao nhất.

PGS, TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học)

Thiếu tá Bùi Mạnh Cường, Đội phó Đội CSHS CAQ Ba Đình, Hà Nội cho rằng, ghen tuông là một trạng thái tâm lý xuất phát từ suy nghĩ nhận thức rồi dẫn tới hành động. Người ta sẽ dễ dàng bị chuyển đổi từ trạng thái tâm lý giận dữ sang hành động bạo lực mù quáng.

Trong cuộc sống, khi yêu thì các bên đều phải có trách nhiệm nhất định về tình cảm của mình, không phải thích thì yêu, không thích thì chia tay và không còn là người yêu thì trở thành kẻ thù của nhau. Nếu nhận thức pháp luật và đạo đức kém, họ sẵn sàng cướp đi sinh mạng của người mình yêu, thậm chí con chung của mình để trả thù.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính pháp cho rằng, cho dù hành vi sát hại người thân xuất phát từ nguyên nhân nào chăng nữa thì hành vi này cũng vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, vi phạm nghĩa vụ yêu thương, quý mến, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người thân trong gia đình theo tập quán, văn hóa của người Á Đông.

Không những thế, hành vi xâm hại tính mạng của người khác là vi phạm pháp luật. Hành vi này có dấu hiệu của tội giết người với những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn, giết người mà mình có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục... Bởi vậy, trong những vụ án như thế này thì đối tượng phạm tội thường phải đối mặt với mức hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Cần nâng cao ý thức pháp luật cho công dân

Để giảm thiểu tình trạng trên, theo luật sư Đặng Văn Cường, trước tiên cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được những hành vi nào pháp luật cho phép, những hành vi nào pháp luật ngăn cấm và chế tài khi hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản của người khác như thế nào.

Khi biết hành vi của mình sẽ phải bị sự trừng phạt trước pháp luật thì người ta có thể phải cân nhắc, suy nghĩ trước khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính pháp.

Ngoài ra, cần phải tăng cường trách nhiệm của các tổ chức hòa giải cơ sở và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tổ chức hòa giải theo Luật hòa giải cơ sở. Kịp thời phát hiện những tranh chấp, mẫu thuẫn trong gia đình để thực hiện thủ tục hòa giải theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp những vụ việc có nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình thì phải có những giải pháp để ngăn chặn. Trường hợp không hòa giải được thì phải hướng dẫn thủ tục để các đương sự khởi kiện đến tòa án hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để được giải quyết theo quy định pháp luật.

Theo vị luật sư này, với sự phát triển của xã hội các dịch vụ tư vấn pháp luật, hỗ trợ giải quyết các mâu thuẫn, vướng mắc trong gia đình cũng ngày càng phát triển. Bởi vậy, trong gia đình, khi có mâu thuẫn giữa vợ chồng, cha mẹ, anh em mà không thể tự giải quyết, không thể hòa giải được thì những người tỉnh táo, khôn ngoan phải tìm đến các chuyên gia tâm lý, các luật sư để được tư vấn và tìm giải pháp tốt nhất. Trong trường hợp không thể hòa giải, thỏa thuận được với nhau thì nên chọn giải pháp giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật (có thể là khởi kiện) để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn đó.

Còn theo PGS. TS Trịnh Hòa Bình, đây là vấn đề vĩ mô, cho nên toàn hệ thống xã hội phải quay lại với những vấn đề giáo dục, chăm sóc đời sống gia đình. Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt hơn nữa chiến lược an sinh xã hội để giảm bớt những khó khăn, thách thức ở chừng mực nào đó tại nơi xuất phát điểm những nguồn cơn dẫn đến những xung đột, va chạm trong lợi ích gia đình và lợi ích người thân để qua đó có thể vượt qua lằn ranh đạo lý, vi phạm những chuẩn mực đời sống xã hội.

Trong gia đình, vợ chồng cần có những chia sẻ nhất định với nhau để thỏa mãn các nhu cầu trong cuộc sống. Cùng với đó, các thành viên cũng phải tự kiếm tìm, trang bị các kỹ năng để duy trì đời sống tình cảm ở mức mỗi ngày một cao. Qua đó, mỗi người có cơ hội để đối thoại, tương đồng, tương thích thay vì va chạm, không thỏa mãn xung đột, dẫn đến kiếm tìm những nẻo khác mà bỏ rơi các thành viên còn lại. Làm như vậy là chia tách, là ngọn nguồn cơn dẫn đến những xung đột cao hơn./.

Nguyễn Hiền- Ngọc Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/chuyen-gia-ly-giai-viec-sat-hai-nguoi-than-do-ghen-tuong-981433.vov