Chuyên gia lý giải việc 'cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng'

Ngày Rằm tháng Giêng được người dân coi trọng, gửi gắm vào đó nhiều mong ước về một năm thuận hòa, sung túc. Câu nói 'cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng' nhằm nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của ngày này.

Rằm tháng Giêng (còn gọi là Tết Nguyên tiêu) diễn ra vào 15/1 âm lịch hàng năm là dịp lễ được nhiều người Việt chú trọng. Với ý nghĩa trước là để kính Phật, gia tiên, sau là để cầu mong tài lộc, rằm đầu tiên trong năm còn được nhiều người xưa quan niệm như ăn Tết lần hai. Đây cũng là cơ hội để người đau ốm đúng dịp Tết nay đã khỏi hay gia đình có chuyện không may được ăn Tết bù.

Sự quan trọng của dịp này còn được thể hiện qua câu nói: "Giỗ Tết cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng", "Cúng quanh năm không bằng cúng Rằm tháng Giêng" hay "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng".

Câu nói "cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng" nhằm nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của ngày này. Trong sách Cơ sở văn hóa Việt Nam, GS Trần Ngọc Thêm viết không chỉ ngày đầu năm mà tháng đầu năm cũng đặc biệt quan trọng. Theo quan niệm của người Việt, phàm làm bất kỳ điều gì hễ đầu xuôi thì đuôi lọt. Thêm vào đó, tháng Giêng công việc ít (có quan niệm tháng Giêng là tháng ăn chơi) nên đây là tháng có nhiều Tết hơn hẳn các tháng khác (Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu).

Tết Nguyên Tiêu là một Tết nằm trong hệ thống Thượng - Trung - Hạ nguyên (rằm tháng Giêng, rằm tháng 7 và rằm tháng 10) với ý nghĩa tương ứng Tết hướng thiên cầu phúc - địa quan xá tội - thủy quan giải ách. Đối với người Việt, lễ rằm tháng Giêng là Tết muộn, bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn. Đây cũng là dịp những người đau yếu, gia đình có tang ma được ăn Tết bù.

Một số ý kiến khác cho rằng Rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo. Vào ngày này, chư Tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp. Bởi vậy, những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ đến Đức Phật.

Rằm tháng Giêng không phải là lễ quan trọng của Phật giáo so với rằm tháng Tư (Phật đản) và rằm tháng Bảy (Vu lan) nhưng trùng hợp với lễ Thượng nguyên và Tết Nguyên đán trong dân gian, đồng thời ngày này là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể người dân. Thành ngữ "Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng" đã nói lên tầm quan trọng của hội rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt.

Ngoài ra, theo nông lịch, rằm tháng Giêng cũng là khởi đầu cho vụ gieo trồng mới. Với quan niệm “đầu xuôi, đuôi lọt”, trước khi bắt đầu vào vụ mới, người dân thường làm lễ cầu, cúng. Bên cạnh đó, vào rằm tháng Giêng, nhiều nơi trên cả nước cũng tổ chức lễ hội linh đình, để tưởng nhớ công ơn của vị thành hoàng, những người có công, cầu một năm mới bình an, may mắn.

Phong Linh (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuyen-gia-ly-giai-viec-cung-quanh-nam-khong-bang-ram-thang-gieng-a464991.html