Chuyên gia lý giải nguyên nhân tàu không đâm va vẫn trật bánh ở Nam Định

Vụ tàu trật bánh toa xe ở Nam Định khá hy hữu vì tàu không hề bị đâm, va hay chèn phải chướng ngại vật nào...

Tổng công ty Đường sắt VN vẫn đang điều tra, phân tích nguyên nhân vụ tai nạn trật bánh, lật toa tại Nam Định

Tổng công ty Đường sắt VN vẫn đang điều tra, phân tích nguyên nhân vụ tai nạn trật bánh, lật toa tại Nam Định

Không đâm va, tàu vẫn trật bánh, đổ toa

Sáng 13/5 xảy ra vụ lật, trật bánh toa tàu tại Nam Định trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Điều đáng lưu tâm là trước đó, tàu không hề bị đâm, va hay chèn phải chướng ngại vật nào.

Cụ thể, tàu hàng HH4 đang chạy trong khu gian Nam Định - Đặng Xá hướng từ Nam ra Bắc bị trật bánh toa xe tại km 82 tuyến đường sắt Bắc - Nam. Toa xe số hiệu 231548 bị lật hoàn hoàn, nằm cạnh đường ray và bị bung toàn bộ bộ phận chạy như giá chuyển… Hai toa khác mang số hiệu 232138 và 232176 bị trật bánh.

Một điểm khác lạ nữa là các toa bị trật bánh lại nằm ở giữa đoàn tàu, thay vì đầu hoặc cuối tàu như thông thường. Thông tin từ hiện trường cho biết, đoàn tàu gồm 1 đầu máy và 17 toa xe. Đầu máy và khoảng 10 toa xe đã qua khỏi vị trí tai nạn mới bị trật bánh.

Theo nguồn tin của PV Báo Giao thông, tại thời điểm xảy ra tai nạn, đầu máy kéo tàu không vượt tốc độ quy định; các toa xe chở hàng không bị quá tải trọng cho phép. Về hạ tầng, hiện đường sắt chưa phát hiện được lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn. Hiện Tổng công ty Đường sắt VN vẫn tiếp tục điều tra, phân tích nguyên nhân, trong đó có cả chất lượng toa xe.

Ba nguyên nhân chính

Trao đổi với Báo Giao thông về nguyên nhân dẫn đến trật bánh, đổ tàu, một chuyên gia lĩnh vực ATGT đường sắt (đề nghị giấu tên) cho hay, nếu không do lỗi chủ quan con người, thường rơi vào một trong 3 nguyên nhân chính: do tàu va phải chướng ngại; do lỗi về hạ tầng đường sắt như ray quá mòn, tật, ray gãy, ghi không đảm bảo kĩ thuật; cuối cùng là do lỗi kĩ thuật toa xe.

Theo chuyên gia này, với những trường hợp chưa xác định nguyên nhân dẫn tới tai nạn trật bánh, cần dùng phương pháp tính toán toán học, vật lý để xác định trên cơ sở thông tin tốc độ chạy tàu, chất lượng toa xe, chất lượng hạ tầng. Tuy nhiên ở Việt Nam, gần như chưa xác định được như vậy, mà vẫn chủ yếu căn cứ trên hiện trạng để xác định lỗi thuộc về ai.

Tìm hiểu của PV, gần đây cũng từng xảy ra một số vụ việc tàu trật bánh tương tự. Sáng 20/4, tàu SE7 khi đi qua km 1376+570 khu gian Ngã Ba - Cà Rôm (thôn Mỹ Thanh, xã Cam Thịnh Đông, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) bị trật 1 trục toa xe 31575. Chỉ vài ngày sau, ngày 23/4, cũng tại khu gian này, tàu SE8 trật bánh toa xe tại km 1374+770. Cả hai vụ trật bánh toa xe này đều không do tàu đâm, va hay chẹt phải chướng ngại vật trước đó.

Kỳ Nam

Nguồn ATGT: http://www.atgt.vn/chuyen-gia-ly-giai-nguyen-nhan-tau-khong-dam-va-van-trat-banh-o-nam-dinh-d420962.html