Chuyên gia lý giải động đất tại Hà Nội khiến cao ốc rung lắc

Liên quan đến trận động đất nhẹ tại Hà Nội vào sáng 8/9 khiến một số chung cư, tòa nhà cao tầng rung lắc, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng viện Vật lý địa cầu.

Như đã thông tin trước đó, vào khoảng 9h trận động đất mạnh 5,3 độ Richter ở Trung Quốc, cách huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) 118km, ảnh hưởng đến Hà Nội khiến cho một số tòa nhà cao ốc rung lắc. Người dân ai cũng lo, hoang mang trước trận động đất này, đặc biệt là những người sống trong khu vực chung cư.

Chiều ngày 8/9, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng viện Vật lý địa cầu cho hay vào 9h31 (giờ Hà Nội), một trận động đất mạnh 5,3 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ 23,453 vĩ độ Bắc, 101,620 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Trận động đất này gây chấn động khu vực xung quanh trong đó có Hà Nội. Vì thế, người dân cảm nhận được ở một số khu vực đặc biệt là những nhà cao tầng bị rung lắc nhẹ. Do khu vực Hà Nội nằm trên đứt gãy sông Hồng và khu vực nào nền đất yếu hơn sẽ bị ảnh hưởng.

Tòa nhà Kim Khí Thăng Long (Hà Nội) bị rung lắc do ảnh hưởng của động đất.

Tòa nhà Kim Khí Thăng Long (Hà Nội) bị rung lắc do ảnh hưởng của động đất.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Anh, khi có động đất ảnh hưởng đến khu vực Việt Nam thì viện Vật lý địa cầu sẽ thực hiện tin báo và theo dõi hoạt động động đất, cung cấp cho các nhà quản lý thông tin để các nhà quản lý đưa ra các biện pháp phòng chống động đất, giúp giảm thiệt hại. Hiểu biết khoa học về động đất hiện nay chưa cho phép dự báo được thời điểm xảy ra động đất, vì vậy, ngay cả những nước có hoạt động mạnh như Nhật Bản đã có đầu tư nghiên cứu nhiều nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Cũng trong chiều ngày 8/9, trao đổi với PV, PGS. TS Trần Chủng - Nguyên Cục trưởng cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (bộ Xây dựng) cho rằng: “Nước ta không nằm trong vùng vành đai lửa của Thái Bình Dương cho nên động đất thường là cấp độ trung bình. Hơn nữa, những công trình cao tầng ở Hà Nội hiện nay đều được tính toán và thiết kế có tính đến tải trọng của động đất.

Nhiều người dân lo lắng về trận động đất tại Hà Nội.

Hơn nữa, ở khu vực Hà Nội chủ yếu là cấp 7, còn một vài vùng có cấp 8. Sáng nay, tại Hà Nội xuất hiện rung lắc nhẹ do ảnh hưởng trận động đất mạnh tại Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây là những rung chấn nhẹ, không quá lo ngại. Khi rung chấn có thể xảy ra hiện tượng đèn treo lung lay, quạt treo động thì đó là rung lắc trong tầm kiểm soát. Người dân cần bình tĩnh xem xét nơi mình ở, làm việc có gây nứt vỡ gì không”.

Cũng theo vị chuyên gia xây dựng này, từ trước đến nay, chúng ta luôn nằm trong vùng động đất nhỏ. Hơn nữa, các kết cấu nhà cao tầng bê tông cốt thép được kiểm soát tốt. Vì thế, người dân cũng có thể bình tĩnh và yên tâm hơn.

Để người dân bớt hoang mang khi xảy ra động đất, Nguyên Cục trưởng cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước khi xem xét những hồ sơ thiết kế phải đặt vào trong những vùng địa chất nhất định. Đối với những nơi có nguy cơ xảy ra động đất mạnh, các tổ chức liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện công tác tuyên truyền các kiến thức chung cho người dân. Đặc biệt hơn, cách người dân phản ứng, phòng tránh khi động đất hay thảm họa thiên tai xảy ra.

Mai Thu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuyen-gia-ly-giai-dong-dat-tai-ha-noi-khien-cao-oc-rung-lac-a398371.html